Vì sao Chi cục THADS thành phố Kon Tum không trực tiếp thi hành án?
Theo trình bày của ông Hoàng Xuân Trường (trú tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) cho biết, tháng 3/2017, ông có vay nhiều lần của bà Trần Thị Thanh Hoa (trú tại thành phố Pleiku, Gia Lai) tổng số tiền là 4 tỷ đồng. Thời điểm vay, giữa ông Trường và bà Hoa có ghi giấy viết tay để làm cam kết. Sau đó, ông Trường đã trả cho bà Hoa số tiền 3,1 tỷ đồng, số tiền nợ còn lại cộng với tiền lãi vay ông Trường chưa xoay sở được để tất toán thì đến tháng 5/2019, bà Hoa có đơn khởi kiện dân sự gửi Tòa án nhân dân thành phố Kon Tum yêu cầu ông Hoàng Xuân Trường phải thanh toán số tiền 2.646.942.000 đồng (gồm tiền gốc và tiền lãi vay).
Đến ngày 2/5/2019, Tòa án nhân dân thành phố Kon Tum tổ chức phiên hòa giải giữa hai bên. Sau khi đi đến thống nhất, TAND thành phố Kon Tum ban hành Quyết định số 30/2019/QĐST-DS công nhân sự thỏa thuận của các đương sự giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Thanh Hoa và bị đơn là ông Hoàng Xuân Trường. Nội dung Quyết định nêu rõ: Ông Hoàng Xuân Trường phải trả cho bà Hoa số tiền là 2.646.942.000 đồng, trong đó tiền gốc là 2.350.668.000 đồng và tiền lãi là 295.274.000 đồng; Quyết định này được thi hành theo đúng quy định tại Điều 2, Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật THADS; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật THADS.
Ngày 3/5/2019, Chi cục THADS thành phố Kon Tum ban hành Quyết định số 986/QĐ-CCTHADS về việc thi hành án theo đơn yêu cầu đối với ông Hoàng Xuân Trường. Theo đó, buộc ông Trường phải trả cho bà Trần Thị Thanh Hoa tổng số tiền là 2.645.942.000đ và phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo quy định tại Khoản 2, Điều 468 Bộ Luật dân sự. Người thi hành án có trách nhiệm tự nguyện thi hành án trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được hoặc được thông báo hợp lệ Quyết định này.
Cùng ngày, Chi cục THADS thành phố Kon Tum ban hành Công văn 357/CV-CCTHADS gửi Cục THADS tỉnh Kon Tum về việc đề nghị rút án lên để thi hành đối với ông Hoàng Xuân Trường. Nguyên nhân việc đề nghị rút án là do xét thấy vụ việc có tính chất phức tạp và có liên quan đến các vụ án của Cục THADS tỉnh đang tổ chức thi hành. Vì vậy, Chi cục THADS thành phố Kon Tum đề nghị Cục THADS tỉnh rút toàn bộ hồ sơ của đương sự nêu trên để thi hành theo thẩm quyền.
Sau đó một ngày, tức ngày 04/05, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 17/QĐ-CTHADS về việc rút hồ sơ thi hành án số 986/QĐ-CCTHADS ngày 3/5/2019 hiện đang do Chi cục THADS thành phố Kon Tum tổ chức thi hành. Theo đó, việc thực hiện thi hành án được giao cho Chi cục trưởng Chi cục THADS thành phố Kon Tum (sao rút lên mà vẫn giao cho chi cục trưởng con tum ?), Chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành án, người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Rút án lên Cục để thi hành có “cần thiết”?
Lý giải về nguyên nhân rút án của ông Hoàng Xuân Trường từ Chi cục THADS thành phố Kon Tum lên Cục THADS để giải quyết, bà Trịnh Thị Kim Phượng, Trưởng phòng kiểm tra và Giải quyết khiếu nại, tố cáo cho biết: Ngay sau khi nhận được Công văn 357/CV-CCTHADS ngày 03/5/2019 của Chi cục trưởng Chi cục THADS thành phố Kon Tum về việc đề nghị Cục THADS tỉnh Kon Tum rút án, Cục THADS tỉnh xét thấy vụ việc có tính chất phức tạp và có liên quan đến các vụ án mà Cục THADS tỉnh đang tổ chức thi hành án nên Cục trưởng Cục THADS tỉnh đã căn cứ vào điểm h, Khoản 2, Điều 35 Luật THADS năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 ban hành Quyết định số 17/QĐ-CTHADS ngày 04/5/2019 về việc rút hồ sơ thi hành án để tổ chức thi hành án.
Theo bà Phượng, hiện nay, pháp luật chưa có quy định, tiêu chí cụ thể xác định những vụ việc nào thuộc trường hợp “thấy cần thiết” nhưng trong trường hợp vụ việc của ông Hoàng Xuân Trường Cục THADS tỉnh thấy cần thiết bởi các lý do sau: nhân thân người phải thi hành án là ông Hoàng Xuân Trường đã từng bị kết án và được xóa án tích; Tại thời điểm Chi cục THADS thành phố Kon Tum đề nghị rút án, người phải thi hành án là ông Trường đang là bị cáo trong vụ án hình sự được xét xử bằng bản án sơ thẩm 15/2019/HSST của Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum; Thời điểm này, Chi cục THADS thành phố Kon Tum có tổng số việc, số tiền phải thụ lý tổ chức thi hành án tăng nhanh, nhiều vụ việc có tính phức tạp, số tiền phải thi hành án lớn trong khi số lượng chấp hành viên còn mỏng nên dự báo sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu giải quyết án được giao của đơn vị cũng như của toàn ngành.
Bà Phượng cho biết thêm: Việc Cục THADS tỉnh rút vụ việc thi hành án của ông Trường lên để thi hành không làm ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của ông Trường. Bởi vì: Ngay sau khi rút án lên, Chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành án đã kịp thời thông báo các quyết định về thi hành án cho ông Trưởng để ông Trường biết thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Việc tổ chức thi hành án tiếp theo được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Ông Trường cho biết: khi có Quyết định của Tòa án, tôi đã thanh toán cho bà Hoa 1 tỷ đồng. Việc tôi phải thi hành đối với số tiền nợ là điều đương nhiên. Tuy nhiên, Cục THADS rút hồ sơ lên để thi hành đối với vụ việc của tôi là có dâu hiệu “lạm quyền” để nhằm gây áp lực cho tôi và gia đình.
Việc Cục THADS tỉnh Kon Tum lý giải việc rút hồ sơ từ Chi Cục lên Cục THADS đối với trường hợp của ông Hoàng Xuân Trường là “thấy cần thiết” khi đưa ra những lý do mà trong Luật THADS không quy định. Phải chăng đó là kẻ hở của Pháp luật và tạo tiền lệ không tốt, khiến cho việc thi hành án nhất là án dân sự dễ bị lạm quyền trong thi hành công vụ?
Trao đổi về việc rút án tại Cục THADS tỉnh (Kon Tum) luật sư Nguyễn Duy Bình, văn phòng Luật sư Duy - Trinh thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Tại điểm h, khoản 2, điều 35, LTHADS 2014 quy định thẩm quyền của Cục thi hành án dân sự có quyền thi hành án cả những “Bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện quy định tại khoản 1 Điều này mà thấy cần thiết lấy lên để thi hành”, nhưng những trường hợp nào là cần thiết thì hiện chưa có văn bản hướng dẫn rõ. Tuy nhiên, việc CTHADS đưa ra lý do nhân thân ông Trường từng bị kết án, đang là bị cáo cũng như cho rằng phía Chi cục Kon Tum hiện nhiều việc, phức tạp là không đúng theo tinh thần của quy định trên. Quy định trên phải được hiểu là vụ việc thi hành án thuộc dạng phức tạp hoặc có liên quan đến vụ thi hành án mà Cục thi hành án đang thi hành hoặc có khiếu nại, tố cáo phức tạp …, còn trường hợp này ông Trường bị kết án, đang là bị cáo hoặc phía chi cục đang thi hành các vụ phức tạp khác, những vụ giá trị lớn không phải là lý do cần thiết để rút vụ án lên cấp trên giải quyết. Về lý do CTHADS cho rằng phía chi cục nhiều việc nên rút lên để giải quyết cũng chưa thuyết phục vì chưa có con số thống kê chứng minh.
Trong lúc đó, phía chi cục khi đề nghị chuyển vụ việc lại cho rằng đây là vụ phức tạp, liên quan tới các vụ phía Cục đang thi hành, tuy nhiên, phía Chi cục cũng chưa lý giải được tại sao phức tạp và liên quan tới vụ nào Cục đang thi hành. Tóm lại, căn cứ để chuyển vụ việc chưa được chứng minh và căn cứ để rút vụ việc lên cũng không hợp lý.
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Khánh Hòa: Tuyên án 7 cựu quan chức vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý đất đai
- Nóng: Khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh
- Chủ tịch Tập đoàn Đỗ Anh Dũng bị bắt, ủy quyền cho con trai cả Đỗ Hoàng Minh, Phó Tổng Giám đốc điều hành Tân Hoàng Minh
- Kiểm tra, rà soát tài sản bất động sản của Giám đốc CDC tỉnh Đắk Lắk
- Quảng Trị: Khởi tố vụ án đánh tráo lô hàng gần 4 tỷ đồng
- Nhật Bản: Bắt nghi phạm dọa bắn máy bay Vietnam Airlines