Mai Ngọc -
 
“Chỉ bán mang về” đang là khẩu hiệu của giới kinh doanh đồ ăn thức uống trong mùa dịch COVID-19. Hàng loạt chương trình khuyến mãi online được tung ra nhằm thu hút khách hàng.

Có thể nói, chưa bao giờ hoạt động kinh doanh nhà hàng ăn uống lại rơi vào tình trạng khó khăn nặng nề như thời gian vừa qua. Dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, lan rộng khắp Việt Nam khiến cả nước căng mình chống dịch. Người dân lo lắng trước nguy cơ nhiễm dịch bệnh. Vì thế, thói quen tiêu dùng gần như thay đổi hoàn toàn. Đó là hạn chế đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc khi không cần thiết.

Trong bối cảnh đó, những người kinh doanh nhà hàng, kinh doanh quán ăn, nhà hàng ăn nhanh,… như ngồi trên đống lửa. Bởi mỗi ngày mở mắt ra, họ phải gánh chịu hàng loạt chi phí như thuê mặt bằng cho nhà hàng, chi phí nhân công, nguyên vật liệu, phần mềm quản lý nhà hàng… Các ông chủ nhà hàng đã tìm kiếm giải pháp mong sao có thể cắt giảm bớt chi phí, gia tăng doanh thu để duy trì và củng cố hoạt động kinh doanh nhà hàng, trong đó việc thu hút khách hàng bằng những chương trình khuyến mãi online được nhiều nhà hàng áp dụng.

ban hang mua dich

Các nhà hàng đều chỉ phục vụ khách mua đồ mang về.

Những ngày qua, chuỗi tiệm cơm tấm Phúc Lộc Thọ ở TP HCM vẫn tấp nập đón "đội quân" Grab, Now, Baemin… đến lấy hàng mang đi. Một trong những lý do khiến các tiệm cơm thuộc hệ thống này luôn đông dù đang trong cao điểm dịch là nhờ liên tục "chạy" chương trình ưu đãi.

Cụ thể, từ ngày 23/5 đến 30/6, cơm sườn mang về giá chỉ 29.000 đồng, cơm sườn bì chả chỉ 38.000 đồng, combo sườn bì chả chỉ 45.000 đồng và khách mua kèm canh, một số loại nước uống giá chỉ 9.000 đồng. Phúc Lộc Thọ là một trong rất nhiều tiệm, quán, nhà hàng, chuỗi kinh doanh đồ ăn/thức uống tại TP HCM đang nỗ lực giữ khách trong đợt bùng dịch thứ 4.

Để tránh bị lây nhiễm COVID-19,  nhiều người chọn cách mua hàng giao nhận nhà, do đó nhiều hàng quán cũng thay đổi thói quen bán hàng để chiều "thượng đế" trong mùa dịch.

Tại quán bún bò Huế trên đường Láng, Hà Nội những ngày này lượng khách đặt thức ăn qua các ứng dụng đặt hàng, giao tận nơi như GrabFood, Now... đang tăng lên. Chủ quán cho biết từ khi Hà Nội tạm dừng hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ, thì quán chủ yếu bán hàng online trên các ứng dụng đặt đồ ăn. Do đó, cửa hàng vẫn đảm bảo doanh thu bởi số lượng đơn hàng bán ra ổn định và khách mua về nhà qua ứng dụng sẽ giúp cửa hàng giảm các chi phí duy trì phục vụ tại quán.

Tương tự, đại diện một chuỗi trà sữa lớn tại Việt Nam cho biết dù lượng khách đến trực tiếp tại các cửa hàng sử dụng thức uống có phần giảm, song một lượng lớn khách hàng đã chuyển sang đặt hàng online.

"Đây đang là mùa gặp mặt tân niên, rất nhiều đơn hàng đặt với số lượng lớn, giao đến tận nhà, tận văn phòng có sự tăng lên rõ rệt, đây cũng là tín hiệu đáng mừng đối với ngành ẩm thực", vị này nói.

Các chuỗi cà phê, trà sữa thì liên tục áp dụng khuyến mãi mua 1 tặng 1, giảm giá 20% - 30% cho khách mua combo trên app, website riêng của cửa hàng và phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ gọi món, giao nhận chạy khuyến mãi "khủng" cho khách gọi món qua nền tảng của họ. "Doanh thu giảm mạnh trong những ngày qua, vì vậy chúng tôi phải tăng cường khuyến mãi, bán hàng online để nhân viên có việc làm và duy trì hoạt động chờ qua dịch" - anh Toàn, chủ quán cà phê trên đường Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội, chia sẻ.

Từ kinh nghiệm "sống chung" với 3 đợt dịch trước, hầu hết những người kinh doanh dịch vụ ăn uống đã và đang xây dựng nền tảng bán hàng online, xác định bán hàng trực tuyến là kênh kéo doanh thu quan trọng trong tương lai.

ban hang mua dich 2

Hình ảnh quen thuộc ở các cửa hàng bán đồ ăn

Ông Trương Hàm Liêm, Giám đốc marketing Lotteria Việt Nam, cho hay doanh thu mảng bán hàng online của Lotteria tăng đột biến trong mùa dịch, chủ yếu thông qua các nền tảng Grabfood, Now, Baemin và cả website. Riêng đợt dịch lần này, các kênh này đã chiếm đến 40% tổng doanh thu, cao gấp đôi so với mức bình quân 20% trong thời điểm không có dịch. Điểm khác biệt lớn trong đợt dịch lần này là số đơn hàng giảm nhưng giá trị từng đơn hàng lại tăng do khách có xu hướng đặt hàng theo nhóm.

"Qua các đợt dịch càng khẳng định kênh bán hàng online đặc biệt quan trọng. 6 tháng trở lại đây, Lotteria tập trung đẩy mạnh kênh online, luôn có chương trình khuyến mãi, giảm giá "sốc" cho khách đặt hàng online trên website của công ty, đồng thời áp dụng giao hàng miễn phí cho khách" - ông Liêm nói. Ông Liêm cho biết thêm các chương trình ưu đãi riêng của công ty hấp dẫn nhưng vẫn chưa thể cạnh tranh lại các khoản ưu đãi, khuyến mãi mà những nền tảng gọi món trực tuyến đang triển khai. Ngay cả khâu giao hàng nhanh, các nền tảng này cũng làm rất tốt.

Trong tình hình hiện nay, để có thể hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm mà không cần đến nơi đông người, các đơn vị cung ứng, phân phối hàng hóa đang đẩy mạnh hình thức bán hàng trực tuyến, tăng cường đội ngũ tư vấn, lên đơn và vận chuyển để có thể đáp ứng nhu cầu của người dân. Ngành Công Thương cũng đã kiến nghị các doanh nghiệp thương mại điện tử, logistics sẵn sàng vào cuộc trong các trường hợp.

Để kích thích người tiêu dùng tăng mua sắm qua kênh trực tuyến, một số sàn thương mại điện tử cũng đã chọn hình thức hợp tác cùng siêu thị với nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng như tiki, shopee, lazada... và hỗ trợ người tiêu dùng bằng các hình thức khuyến mãi từ 20 - 25% trong thời gian này.

                                                                                       

Bạn nghĩ sao?