Hải Tuyết -
 
Sau lời kêu gọi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp (DN) trên cả nước đã góp hàng ngàn tỷ đồng mua vaccine chống dịch.

Cùng với các tập đoàn, tổng công ty lớn ủng hộ hàng trăm tỷ đồng cho Quỹ Vaccine phòng Covid-19, nhiều cá nhân đã gửi tiền qua tài khoản ngân hàng để ủng hộ Quỹ, sau khi Bộ Tài chính công bố thông tin tài khoản tiếp nhận.

Bên cạnh khoản tiền chuyển trực tiếp vào tài khoản của Quỹ vaccine, nhiều doanh nghiệp lớn đã cam kết đóng góp cho Quỹ vaccine phòng COVID-19 số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Trong đó, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cam kết ủng hộ hơn 2.300 tỷ đồng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đóng góp 400 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hỗ trợ 400 tỷ đồng; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đóng góp 400 tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) ủng hộ 200 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) 200 tỷ đồng; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) 200 tỷ đồng; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) 200 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) 200 tỷ đồng; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) 100 tỷ đồng; Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC) là 50 tỷ đồng.

bac giang

Các tập đoàn, doanh nghiệp trên cả nước ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19

Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp ngành da giày, thuỷ sản, dệt may, điện tử đều khẳng định vaccine là giải pháp mà các doanh nghiệp đang rất trông chờ để duy trì hoạt động sản xuất liên tục, tránh đứt gãy các chuỗi cung ứng, đáp ứng được các đơn hàng, tận dụng được cơ hội để phát triển.

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam nhấn mạnh tinh thần không phải các doanh nghiệp trả tiền để được ưu tiên được tiêm vaccine phòng COVID-19 hay muốn tự nhập khẩu vaccine. Các doanh nghiệp vẫn tuân thủ theo các chính sách về tiêm phòng vaccine của Chính phủ.

Trên cơ sở chính sách của Chính phủ, các doanh nghiệp thành viên Eurocham chấp nhận tự trả chi phí để tiêm cho người lao động và thành viên gia đình người lao động và cần sự minh bạch và cơ chế chia sẻ công bằng giữa các doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ vaccine. Ngoài ra một số thành viên của Eurocham cũng có sự chuẩn bị và sẵn sàng đóng góp vào quá trình vận chuyển, bảo quản vaccine, tham gia vào quá trình tiêm chủng.

Nhu cầu chuyên gia của các doanh nghiệp nước ngoài rất lớn, nếu ngừng trệ thì gây gián đoạn, ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, nên Eurocham mong muốn Bộ Y tế sẽ sớm ban hành quy định cách ly phù hợp với những người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp khẳng định tuân thủ chính sách của Chính phủ về thứ tự nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm. Các doanh nghiệp rất mong Bộ Y tế sớm hướng dẫn các bước chuẩn bị để tiêm vaccine cho người lao động như khai báo y tế, theo dõi sức khoẻ…; cam kết thực hiện nghiêm mọi quy định phòng, chống dịch, cập nhật thông tin lên hệ thống an toàn COVID-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã giải đáp những băn khoăn của doanh nghiệp để đồng hành cùng Chính phủ trong chương trình tiêm chủng vaccine, chủ động tìm kiếm nguồn vaccine, cơ chế ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trong doanh nghiệp … Tất cả các vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép dù nhà sản xuất chưa làm thủ tục xin cấp phép, cấp số đăng ký tại Việt Nam cũng vẫn được tiến hành nhập khẩu.

Đối với những vaccine Tổ chức Y tế Thế giới chưa cấp phép nhưng đã được các nước cấp phép sử dụng thì khi có đơn vị nào tiếp cận được, Bộ Y tế cũng tiến hành cấp phép ngay theo thủ tục rút gọn, tối đa 5 ngày. Tất cả những doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vaccine nhập khẩu đều được hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa để có vaccine sớm nhất

Vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay là khi người dân, doanh nghiệp đã đồng lòng với quyết tâm của Chính phủ, đóng góp vào Quỹ Vacccine phòng COVID-19 thì việc nhập khẩu vaccine có khó khăn gì hay không?

Đến thời điểm này, chỉ duy nhất Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam VNVC là đơn vị tư nhân tiếp cận và nhập khẩu với dự kiến khoảng 30 triệu liều vaccine Astra Zeneca về Việt Nam. Ngay sau đó, toàn bộ số vaccine sẽ được chuyển nhượng cho Bộ Y tế theo nguyên tắc phi lợi nhuận với giá chuyển nhượng ngang bằng với giá mà VNVC mua của Astra Zeneca.

Một số hãng có bán cho doanh nghiệp nhưng số lượng ít và thường họ chọn những doanh nghiệp có đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về kho lạnh, xe lạnh, thiết bị lạnh để vận chuyển vaccine từ kho tới các điểm tiêm… Và ở Việt Nam hiện chỉ có duy nhất VNVC có đầy đủ hệ thống này.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tới nay, trong số 30 triệu liều vaccine Astra Zeneca mua qua Công ty VNVC, số lượng thực về mới chỉ có 405.000 liều; 38,9 triệu liều từ Covax mới thực về mới khoảng gần 2,5 triệu liều; 31 triệu liều đặt hàng của Pfizer và một nguồn khác đang đàm phán vẫn chưa có thời gian cung ứng cụ thể; 40 triệu liều vaccine Sputnik của Nga cũng chưa rõ khi nào về nước… Ngoài ra, Bộ Y tế đang đặt mua thêm 10 triệu liều từ Covax và 20 triệu liều từ Pfizer, xong chưa rõ kết quả.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Y tế vẫn luôn khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân có khả năng tiếp cận với nguồn cung ứng vaccine phòng COVID-19 tham gia cùng Nhà nước để đạt mục tiêu mở rộng độ bao phủ tiêm chủng vaccine trong cộng đồng.

“Trong khi nguồn vaccine COVID-19 nhập về còn nhiều hạn chế và vô cùng khó khăn, Bộ luôn ủng hộ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng tham gia xã hội hóa vaccine trong việc tìm nguồn, nhập vaccine. Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ các thủ tục cần thiết như thủ tục nhập khẩu vaccine nhanh nhất nhưng đảm bảo tuân thủ theo quy định của Việt Nam, cũng như chịu trách nhiệm về kiểm định chất lượng với vaccine Covid-19 nhập về Việt Nam”, ông Thuấn khẳng định.

Cần hơn 25,2 nghìn tỷ đồng để mua 150 triệu liều

Về chi phí mua vaccine, theo tính toán của Bộ Y tế sẽ cần khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng (150 triệu liều tiêm cho 75 triệu người). Trong đó, kinh phí mua vaccine khoảng 21 nghìn tỷ đồng, kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng.

Còn theo tính toán của Bộ Tài chính, để mua vaccine, ngân sách Trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16 nghìn tỷ đồng, đảm bảo cho các đối tượng do Trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương khó khăn. Còn lại ngân sách địa phương chi và phải huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9,2 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, khi dịch kéo dài thì nhu cầu vaccine hàng năm tăng cao, kinh phí sẽ mua vaccine còn lớn hơn, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước thì sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân.

Ủng hộ Quỹ vaccine phòng Covid-19 cách nào?

Ngày 27/5/2021, Bộ Tài chính đã thông báo công khai rộng rãi thông tin tài khoản tiếp nhận để các tổ chức, cá nhân thuận tiện ủng hộ gồm:

- Tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước: Tên tài khoản: Quỹ Vaccine phòng Covid-19, số hiệu tài khoản: 3761.0.9098866.91999 (VND); 3761.0.9098869.91999 (USD) và 3761.0.9098786.91999 (EUR)

- Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Hà Nội: Tên tài khoản: Quỹ Vaccine phòng COVID-19, số hiệu tài khoản: 21110009116868 (VND); 21110371116868 (USD) và 21110142996868 (EUR).

Bộ Tài chính khẳng định, toàn bộ số tiền do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện sẽ được tập trung đầy đủ, kịp thời về Quỹ Vaccine phòng COVID-19 và được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật.

                                                                               

Bạn nghĩ sao?