Ngành hàng không đang cho thấy sự hồi phục đáng kể về cuối năm, nhờ các tuyến nội địa đã khôi phục hoàn toàn và hoạt động vận tải hàng hóa tiếp tục giữ phong độ.
Tính đến tháng 11/2020, tổng số chuyến bay giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái, hồi phục mạnh từ mức giảm 92% của tháng 4/2020. Gần như toàn bộ sự hồi phục đến từ các tuyến bay nội địa do các tuyến quốc tế vẫn chưa được mở lại.
Tuyến hoạt động mạnh nhất là TP. HCM - Hà Nội, đạt mức 540 chuyến/tuần (so với 371 chuyến/tuần trước dịch), với tỉ lệ lấp đầy tương đối khả quan (khoảng 90%).
Vận tải hàng hóa chịu ảnh hưởng ít nghiêm trọng hơn từ Covid–19 và đã khôi phục từ rất sớm. Mặc dù vậy, việc tăng trưởng nhiều khả năng vẫn sẽ gặp khó khăn khi các chuyến bay chở khách kết hợp chở hàng hóa, vốn chiếm một nửa công suất chở hàng, vẫn bị ảnh hưởng do đường bay quốc tế chưa hoạt động trở lại.
Nhận định về triển vọng ngành hàng không, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho rằng năm 2021 sẽ vẫn là một năm khó khăn..
Cụ thể, MASVN cho rằng ngành hàng không đang trong trạng thái không còn dư địa để phục hồi thêm cho đến khi các chuyến bay quốc tế mở cửa trở lại.
Trên thực tế, giá vé thấp đang giúp đẩy nhu cầu di chuyển bằng máy bay tại các tuyến nội địa lên mức cao hơn mức trước dịch. Tuy nhiên, khi giá vé máy bay đã ở mức thấp, khả năng tăng chuyến các tuyến nội địa cũng có giới hạn do không còn nhiều dư địa để giảm giá vé. Nếu các hãng hàng không tiếp tục giảm giá vé thì hoạt động khai thác cũng không đem lại dòng tiền dương.
"Trước một thị trường nội địa cạnh tranh gay gắt, cho đến khi các tuyến quốc tế được mở lại, chúng tôi cho rằng tình hình kinh doanh của các hãng hàng không Việt Nam sẽ khó có thêm sự cải thiện", chuyên gia của MASVN nêu góc nhìn.
Khó khăn thứ hai mà ngành hàng không phải đối mặt trong năm 2021 là thị trường bị thu hẹp khiến cạnh tranh gay gắt hơn.
MASVN nhấn mạnh hiện tất cả máy bay đều dồn về khai thác tuyến nội địa để cải thiện dòng tiền. Vietjet Air tiếp tục nhận về 11 máy bay mới, nâng tổng số máy bay đang vận hành lên 88 chiếc. Nhận thêm máy bay mới đi kèm hoạt động bán và thuê lại (Sale&Lease back) máy bay, đây là cứu cánh cho lợi nhuận trên báo cáo, nhưng khiến dòng tiền và hoạt động cốt lõi tệ đi khi thị trường chưa hồi phục.
Trong khi đó, Bamboo Airways giảm 2 chiếc A320 nhưng nhận thêm 4 máy bay cỡ nhỏ E195 (124 ghế), nâng số máy bay lên 26 chiếc. Số chuyến bay thực hiện trong tháng 11/2020 đạt 3.286 chuyến, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Vietnam Airlines và Pacific Airlines là hai hãng bay có số lượng máy bay khai thác giảm so với thời điểm tháng 5/2020, từ 105 xuống 99 và 18 xuống 15 chiếc.
Số lượng vé giá rẻ trong một chuyến bay cũng tăng lên, thể hiện qua việc dễ dàng mua được cho dù đặt mua gần ngày khởi hành. Bên cạnh đó, các hình thức di chuyển thay thế như xe khách, tàu hỏa cũng có những đợt giảm giá mạnh (15-30% với xe khách; 50% đối với tàu hỏa với số lượng giới hạn 6.000–14.000 vé cho mỗi đợt), khiến cho cạnh tranh càng trở nên khốc liệt.
Về triển vọng vắc xin ngừa Covid-19, theo ước tính của MASVN, để đủ vắc xin tiêm cho 30% dân số Mỹ, mức tối thiểu để đẩy lùi dịch bệnh, sẽ cần khoảng 4 tháng. Đối với các nước kém phát triển hơn Mỹ, thời gian để đạt được tỉ lệ tiêm chủng 30% sẽ còn kéo dài hơn do không tự chủ được nguồn vắc xin.
"Các chuyến bay quốc tế có thể sẽ mở lại ngay khi dịch bệnh được đẩy lùi, lưu lượng khách quốc tế sẽ bắt đầu khôi phục dần từ thời điểm đó. Tuy nhiên, theo chúng tôi, tốc độ hồi phục sẽ khá chậm do: các quy định về cách ly, kiểm dịch; nền kinh tế suy yếu do dịch Covid–19, ảnh hưởng tới nhu cầu du lịch", chuyên gia của MASVN lưu ý.
Hiện nay, các hãng hàng không Việt Nam đang tích cực huy động thêm vốn, đồng thời cắt giảm chi phí.
Cụ thể, các hãng đều đẩy mạnh các chiến dịch tiền bán hàng (pre-sale) các chuyến bay trong 2021 bằng cách mạnh tay khuyến mãi. Đặc biệt là Vietjet Air với đợt pre-sale kéo dài và không giới hạn, giá vé hạng phổ thông chỉ còn 85.460 VND tuyến TP. HCM - Hà Nội cho toàn bộ năm 2021. Vietnam Airlines và Bamboo Airways thường đưa ra các đợt sale ngắn và nhiều giới hạn hơn. Hoạt động này cho phép các hãng thu về nguồn tiền nhất định.
Gần đây, Vietnam Airlines dự tính huy động 8.000 tỷ từ phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (giá phát hành dự kiến 10.000 VND/cổ phiếu) và 4.000 tỷ từ nợ vay ưu đãi với lãi suất 4%/năm trong thời gian 3 năm.
Theo ước tính của MASVN, với số dư tiền mặt cộng các khoản đầu tư ngắn hạn vào cuối quý III/2020, Vietnam Airlines và Vietjet chỉ duy trì hoạt động trong khoảng 3,9 tháng và 9,5 tháng. Tuy nhiên, nhờ gói tín dụng và nguồn tiền huy động mới, Vietnam Airlines có thể duy trì hoạt động kinh doanh cho đến khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Ngoài ra, cả hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet Air đều có chính sách mạnh tay cắt giảm chi phí ngay từ quý I/2020. Đối với chính sách với người lao động, dù cả hai công ty không có chính sách cho thôi việc bắt buộc. Tuy nhiên, Vietnam Airlines có thiên hướng cho nhân viên nghỉ ở nhà không hưởng lương, còn Vietjet mạnh tay cắt giảm lương nhân viên và điều chỉnh theo doanh thu.
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Nơi biên cương: “Điểm tựa”!
- T&T Group ủng hộ 2 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
- Trao quà cho trẻ em “khuyết tật - mồ côi” tại Nghệ An nhân dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024
- Bạn có biết đường ruột ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần?
- Bạn có biết ruột và não tuy hai mà một?
- Bạn có biết “hệ thần kinh ruột" giống như bộ não thứ hai của con người ?