Thu Trang - 10:51 - 11/05/2021
 
Intracom là “con cưng” gắn liền với tên tuổi của ông Nguyễn Thanh Việt (Shark Việt). Tập đoàn này từng lọt vào Top 500 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có lợi nhuận tốt nhất. Nhưng trên thực tế, số dư nợ của Intracom cao gấp 3 lần vốn chủ sở hữu.

Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng và Giao thông (Intracom) được thành lập năm 2002 với 100% vốn nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng bất động sản, năng lượng sạch, vật liệu xây dựng, thi công xây lắp. Đến năm 2006 Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng và Giao thông bắt đầu cổ phần hóa doanh nghiệp.

Nợ phải trả cao gấp 3 lần vốn sở hữu

Những năm gần đây CEO của Intracom ông Nguyễn Thanh Việt (Shark Việt) liên tục xuất hiện trên sóng truyền hình tại chương trình Thương vụ bạc tỉ với vai trò là nhà đầu tư, một chương trình dành cho những người bắt đầu khởi nghiệp. Cũng từ đây công chúng biết đến Intracom của Shark Việt nhiều hơn.

Là một trong những “cá mập” hot nhất, đầu tư cho hàng loạt startup với tổng số tiền lên đến 235 tỉ 450 triệu đồng (47 tỉ 150 triệu đồng mùa 2 và 188 tỉ 300 triệu đồng mùa 3). Thế nhưng, theo báo cáo tài chính năm 2019 của Tập đoàn lỗ lũy kế của Intracom lên tới 93,67 tỉ đồng - tăng 39% so với con số (-67,352) tỉ đồng của năm 2018.

intracom

Shark Việt tham gia chương trình Thương vụ bạc tỉ mùa 2,3,4

Đánh chú ý, 2018 là năm mà Intracom lọt top 500 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có lợi nhuận tốt nhất (Profit 500). Đây là bảng xếp hạng được thực hiện bởi Công ty Vietnam Report. Đây cũng là năm lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là âm 668,5 triệu đồng. Nhờ “cứu tinh” "lợi nhuận khác" đạt hơn 1,1 tỉ đồng nên Intracom thoát lỗ trong năm 2018.

Năm 2019, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Intracom đạt 768,95 tỉ đồng nhưng công ty báo lỗ 26,31 tỉ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2019 lên 93,67 tỉ đồng.

Tính đến thời điểm tháng 12/2019, tổng tài sản của Intracom đạt 5.109 tỉ đồng, được hình thành từ 3.839 tỉ đồng nợ phải trả và 1.269 tỉ đồng vốn chủ sở hữu. Như vậy, nợ phải trả của Intracom đã cao gấp 3 lần vốn chủ sở hữu.

Trong nửa đầu năm 2020, công ty này báo lãi 44 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước báo lãi gần 41 tỉ đồng. Tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Intracom trong nửa đầu năm 2020 cũng chỉ ở mức khiêm tốn, đạt mức 2,55%.

Tính đến cuối quý 2/2020, dư nợ của Intracom đạt mức 3.928,4 tỉ đồng, tăng 654 tỉ đồng so với quý 2/2019 và cao gấp 2,28 lần so với quy mô vốn chủ sở hữu.

Trong số nợ tăng thêm, khó có thể bỏ qua lô trái phiếu 100 tỉ đồng, kỳ hạn 36 tháng, mà Intracom đã phát hành ngày 14/2/2020.

Các dự án liên tục bị Thanh tra Bộ Xây dựng nhắc tên

Tài chính không mấy khả quan, các dự án do Intracom làm chủ đầu tư cũng liên tục mắc những sai phạm bị nêu tên trong các kết luận Thanh tra của Bộ xây dựng.

Ngày 22 – 23/3/2021, Bộ Xây dựng đã công bố 15 kết luận thanh tra liên quan đến tranh chấp quỹ bảo trì chung cư. Tại kết luận yhanh tra, nhiều sai phạm của chủ đầu tư đã được chỉ rõ. Hai tòa nhà chung cư do Intracom làm chủ đầu tư là Intracom 1 và Intracom Riverside cũng thuộc những dự án bị thanh tra.

intracom 1

Kết quả Thanh tra Bộ Xây dựng nhắc tên 2 dự án do Intracom làm chủ đầu tư

Cụ thể, kết luận Thanh tra số 28/KL-TTr của Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ rõ những tồn tại, thiếu sót như: Chậm mở tài khoản kinh phí bảo trì, chậm thông báo cho Sở Xây dựng thành phố Hà Nội về việc mở tài khoản gửi kinh phí bảo trì; Gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư không kỳ hạn; Chưa tổ chức được hội nghị nhà chung cư lần đầu... những lí do kể trên vi phạm tại khoản 1 Điều 109 Luật Nhà ở năm 2014.

Ngoài ra, Intracom gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư khoảng 4 năm không kỳ hạn là thực hiện chưa đúng khoản 1 Điều 36 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ, quy định: “Chủ đầu tư phải mở một tài khoản thanh toán tại một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để nhận tiền bảo trì do người mua, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư nộp; khi mở tài khoản, chủ đầu tư phải ghi rõ tên tài khoản là tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư dưới hình thức có kỳ hạn”.

Tính từ ngày 20/6/2016 (công trình được bàn giao đưa vào sử dụng) đến ngày 08/7/2020 (ngày đóng kinh phí bảo trì vào tài khoản), Intracom chưa đóng đủ 2% giá trị phần diện tích giữ lại vào tài khoản kinh phí bảo trì là thực hiện chưa đúng điểm b Khoản 1 Điều 108 Luật Nhà ở năm 2014.

Cũng thuộc dự án của Intracom, tòa chung cư Intracom Riverside (huyện Đông Anh với quy mô 39 tầng gồm 2 tháp nằm trong Kết luận Thanh tra số 28. Thời điểm thanh tra tháng 12/2020, chủ đầu tư chưa thông báo cho Sở Xây dựng thành phố Hà Nội về việc mở tài khoản gửi kinh phí bảo trì.

Như vậy,việc chủ đầu tư thông báo cho Sở Xây dựng thành phố Hà Nội chậm khoảng 12 tháng về việc mở tài khoản nộp kinh phí bảo trì là thực hiện chưa đúng khoản 1 Điều 109 Luật Nhà ở năm 2014. Tuy nhiên, quá trình làm việc với Đoàn Thanh tra, chủ đầu tư đã nhận thức được trách nhiệm và chủ động khắc phục tồn tại. Ngày 28/12/2020, chủ đầu tư có Văn bản số 1068/TB-CT gửi Sở Xây dựng thành phố Hà Nội về việc mở tài khoản gửi kinh phí bảo trì.

Tại dự án này, chủ đầu tư cũng chưa đóng 2% giá trị phần diện tích giữ lại vào tài khoản kinh phí bảo trì, gồm 592.551.365 đồng đối với 18 căn hộ thuộc tháp C và số tiền 2.207.479.974 đồng đối với tầng 1, tầng hầm.

Đến ngày 19/3/2021, Tập đoàn Intracom đã đóng phần kinh phí bảo trì (gốc và lãi) tổng số tiền là 2.885.587.852 đồng đối với phần diện tích giữ lại nêu trên vào tài khoản quản lý kinh phí bảo trì, có kỳ hạn.

Bạn nghĩ sao?