Đức Anh -
 
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại (FTA) và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu là giải pháp quan trọng hậu COVID-19.

Ngày 18/11, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức Diễn đàn xuất khẩu 2020 “Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững vùng cung ứng nguyên liệu sau COVID-19”.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết: Phát huy thế mạnh của trung tâm kết nối khu vực, cơ cấu kinh tế TPHCM tiếp tục duy trì tỉ trọng hợp lý với khu vực dịch vụ liên tục giữ tỉ trọng lớn nhất trong GRDP. Các ngành dịch vụ phát triển đúng định hướng, đạt kết quả cao cả về quy mô và năng suất, chất lượng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7,84%/năm; giá trị gia tăng dịch vụ chiếm hơn 33% giá trị gia tăng toàn ngành dịch vụ, đứng đầu của cả nước.

a liem

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm phát biểu tại diễn đàn 

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng khá, giai đoạn 2016-2019 tăng trưởng bình quân 10%/năm. Cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng sản phẩm chế biến tiếp tục được nâng lên, nhóm hàng công nghiệp chiếm 80,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm cho biết, trong những năm qua, Thành phố  đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu hướng tới các thị trường trọng điểm, tiềm năng. Thành phố xác định việc hỗ trợ DN tiếp cận thông tin thị trường, cách thức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách hiệu quả cũng như việc gia tăng tỷ trọng nguyên liệu nội địa trong cơ cấu hàng xuất khẩu là mục tiêu quan trọng hàng đầu để thúc đẩy phát triển xuất khẩu.

dien dan

 Diễn đàn xuất khẩu 2020 “Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững vùng cung ứng nguyên liệu sau COVID-19”

Ông Nguyễn Hữu Tín, Giám đốc ITPC dẫn chứng từ Báo cáo Phát triển Thế giới (WDR) cho hay, năm 2020, mức độ tham gia của Việt Nam hiện nay đang ở cấp độ “chế biến chế tạo mức hạn chế” và cần tiến lên trong chuỗi giá trị để nâng cao năng suất. Một số quốc gia khác trong ASEAN như Malaysia, Thái Lan và Philippines hiện đã ở trình độ “chế biến chế tạo và dịch vụ tiên tiến” (cao hơn một cấp so với Việt Nam). Theo ông Nguyễn Hữu Tín, chuỗi giá trị toàn cầu hiện chiếm tới 66% giao dịch thương mại. Nhưng mức độ nội địa hóa của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, chỉ đạt 28% trong tổng kim ngạch thương mại, thấp hơn gần 2 lần so với Trung Quốc.

Không những vậy, Việt Nam hiện tập trung quá mức vào một số thị trường, sản phẩm, doanh nghiệp; trong đó, nhóm dệt may, điện tử, hóa chất và kim loại chiếm 2/3 kim ngạch thương mại; 4 thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ chiếm tới 60%; 4 tập đoàn hàng đầu Samsung, Foxconn, Intel, Panasonic chiếm 70% kim ngạch thương mại trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trước những ưu thế đó, ITPC đã và đang tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp để có thể tận dụng hiệu quả lợi thế mà các FTA đem lại cũng như nâng cao trình độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong nước với hệ thống bán lẻ nội địa và nước ngoài như Big C, AEON,… cũng như làm cầu nối đáng tin cậy giúp doanh nghiệp phát triển các hoạt động giao thương thông qua các sàn thương mại điện tử như Alibaba, Amazon…

Nhận định về xu hướng dịch chuyển của chuỗi cung ứng hàng hóa, ông Nguyễn Huy Hoàng,  Giám đốc thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel  cho rằng:  Hành vi của người tiêu dùng hậu COVID-19 sẽ có 5 đặc điểm đáng chú ý đó là tiếp tục tăng cường nhu cầu cho các sản phẩm/dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe; đẩy mạnh “số hóa” các hoạt động như truyền thông, học tập, làm việc, du lịch, giải trí…; mở rộng hoạt động mua sắm trực tuyến và sử dụng dịch vụ giao hàng tiện lợi; thận trọng hơn trong các khoản chi tiêu ngắn hạn; quan tâm đến các vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững...

Ngoài ra, thương mại điện tử trong chuỗi cung ứng trong đó mua sắm trực tuyến, xu hướng thanh toán kỹ thuật số cũng hứa hẹn sẽ tăng tốc trong thời gian tới. Đây chính là những nền tảng để giúp cho hoạt động thương mại điện tử sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng thời gian tới và các DN cần phải nắm bắt nhanh cơ hội này để điều chỉnh chiến lược kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

Bạn nghĩ sao?