Thùy Linh -
 
Những năm vừa qua, Tập đoàn TH đã triển khai hàng loạt dự án với số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng trải dài trên các tỉnh thành của đất nước. Tuy nhiên cho đến nay rất nhiều dự án vẫn chưa đi vào hoạt động như lời hứa hẹn của Tập đoàn TH.

Tháng 6/2019, đoàn khảo sát của Tập đoàn TH, dẫn dầu là bà Thái Hương - Nhà sáng lập, tư vấn và đầu tư Tập đoàn TH đã đến tìm hiểu, nghiên cứu, khảo sát địa điểm đầu tư Dự án sản xuất, chế biến sữa tại huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh).

Theo đó, Tập đoàn TH sẽ tiến hành các bước đầu tư Dự án trang trại chăn nuôi bò sữa, khu chế biến dược liệu kết hợp với trồng cây ăn quả, nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái tại huyện Đầm Hà. Cụ thể, trang trại chăn nuôi bò sữa sẽ sử dụng khoảng 100 – 150ha đất. Bên cạnh đó, Tập đoàn sẽ xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ trang trại, liên kết với người dân để trồng cung cấp nguyên liệu với diện tích khoảng 400ha; đầu tư khu chế biến dược liệu kết hợp với phát triển nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái, trồng cây ăn quả. Dự án sẽ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Đặc biệt, khi dự án đi vào hoạt động sẽ không làm chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông, lâm nghiệp, không gây tác động xấu đến môi trường khi doanh nghiệp vào đầu tư. Dự án có tổng số vốn đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng.

Anh 1

Lễ khởi công Dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung, quy mô công nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Kon Tum

Đến tháng 9/2020, Tập đoàn TH khởi công Dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung, quy mô công nghiệp công nghệ cao tại xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Tổng vốn đầu tư là 2.544 tỷ đồng, tổng diện tích 441ha với quy mô đàn bò nuôi tập trung là 10.000 con, đàn bò nuôi liên kết với nông dân dự kiến 20.000 con thông qua mô hình hợp tác xã công nghệ cao; xây dựng nhà máy chế biến sữa công suất 150 tấn/ngày. Khi dự án hoàn thành thì đây sẽ là trang trại bò sữa có quy mô lớn nhất vùng Tây Nguyên, đồng thời cũng tạo điều kiện tiếp cận cơ hội cải thiện thu nhập và làm giàu cho bà con nơi đây.

Tỉnh Yên Bái cũng chấp thuận cho Tập đoàn TH đầu tư dự án du lịch sinh thái tại huyện Trấn Yên. Theo đó, UBND tỉnh Yên Bái đã quyết định phê duyệt Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế Vân Hội, huyện Trấn Yên. Tổng diện tích đất nghiên cứu lập quy hoạch là 764ha, với tính chất là khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và bất động sản biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp theo tiêu chuẩn 5 sao quốc tế theo chủ đề châu lục.

Anh 2 (1)

TH Medical được động thổ từ tháng 10/2019 nhưng đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống

Dự án do Công ty cổ phần Phát triển du lịch và nghỉ dưỡng quốc tế Vân Hội (thuộc tập đoàn TH) thực hiện với tổng vốn đầu tư 2.700 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2025, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác.

Theo kế hoạch dự án này sẽ được thực hiện với 5 hạng mục lớn. Gồm sân golf 36 lỗ với diện tích 696 ha; Trung tâm hội nghị và thương mại quốc tế; Công viên văn hóa; Khu du lịch nghỉ dưỡng theo chủ đề châu lục và cuối cùng là các tuyến đường kết nối tới khu dự án gồm có 4 tuyến đường bộ, 3 tuyến đường thủy, 1 tàu leo núi và 1 tuyến đường đê.

Cuối năm 2019, Tập đoàn TH đã đặt viên gạch đầu tiên cho trụ cột kinh doanh thứ ba của mình bằng lễ động thổ và công bố Dự án Tổ hợp Y tế và chăm sóc sức khỏe công nghệ cao đầu tiên ở Việt Nam (TH Medical) tại Đông Anh (Hà Nội).

Điểm nhấn nổi bật của Tổ hợp này là xây dựng mô hình y tế hiện đại, đặt trên bệ phóng là công nghệ 4.0, trong đó có công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data). Dự án tổ hợp y tế và chăm sóc sức khỏe công nghệ cao TH Medical được xây dựng trên diện tích 40 ha tại Đông Anh, Hà Nội, với tổng số tiền đầu tư là 3.500 tỷ đồng.

Mới đây nhất, vào tháng 3/2021, tại buổi làm việc với tỉnh Hòa Bình, đại diện của Tập đoàn TH đã trình bày đề xuất được đầu tư các tổ hợp dự án nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, đô thị sinh thái thân thiện với môi trường trên địa bàn. Hiện, Tập đoàn TH đang triển khai và có ý tưởng đầu tư các dự án: tổ hợp thể thao, văn hóa, giải trí, nghỉ dưỡng, sân golf tại xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công; đề xuất lập quy hoạch thành phố xanh Viên Nam tại hai xã Mông Hóa và Quang Tiến, TP Hòa Bình; khu nông nghiệp công nghệ cao, đô thị sinh thái tại xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy liên kết với nông dân thông qua mô hình hợp tác xã trồng và chế biến cây macca, kết hợp với những sản phẩm lợi thế của công ty để tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường, có lợi cho sức khỏe cộng đồng...

Hàng loạt dự án với số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đã được Tập đoàn TH triển khai trên nhiều tình thành. Tuy nhiện, thực tế cho thấy hầu hết các dự án không đạt được kỳ vọng, không theo kịp tiến độ kế hoạch đề ra.

Đơn cử, như Dự án Tổ hợp Y tế và chăm sóc sức khỏe công nghệ cao đầu tiên ở Việt Nam (TH Medical) tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh (Hà Nội), dù đã được khởi công từ tháng 10/2019. Nhưng đến nay, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống.

Trao đổi với truyền thông, đại diện Ủy ban nhân dân xã Tiên Dương cho biết: Khu vực dự án là đất nông nghiệp của hơn 600 hộ dân. Hiện tại dự án mới ở giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng, còn khoảng 100 hộ dân chưa hợp tác, dân chưa đồng ý với phương án đền bù nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Hiện tại dự án mới quây tôn, san gạt mặt bằng, một số khu vực dân bàn giao rồi xã Tiên Dương sẽ xin ý kiến để thực hiện.

Đây chỉ là ví dụ một trong số những dự án của Tập đoàn TH đã triển khai từ lâu nhưng đến nay vẫn còn “dang dở”. Việc được giao triển khai các dự án trên những vị trí trọng điểm nhưng luôn thực hiện chậm tiến độ thi công của Tập đoàn TH làm ảnh hưởng đến đời sống cũng nhưng tình hình sản xuất của người dân khu vực. Đồng thời cũng đặt ra câu hỏi cho năng lực triển khai dự án của chủ đầu tư?

Bạn nghĩ sao?