Lập hẳn fanpage bán pháo
Giáp Tết Nguyên đán, thị trường buôn bán pháo lại nhộn nhịp. Nhiều vụ vận chuyển pháo trái phép đã bị lực lượng chức năng bắt quả tang. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hàng “lọt lưới” khiến thị trường buôn bán pháo trái phép trên mạng “tấp nập” hơn.
Vào mạng xã hội, chỉ cần nhập cụm từ “mua bán pháo Tết”, hàng loạt các fanpage, hội nhóm xuất hiện với hàng loạt bài viết chào hàng đủ loại pháo. Thậm chí, có những nhóm được tạo ra để mua bán pháo nhưng lại thu hút hàng ngàn thành viên. Các loại pháo được rao bán là trứng có giá khoảng 20 nghìn đồng 1 quả, pháo bi giá 500 nghìn đồng 1 túi 100 viên, pháo sang 80 nghìn đồng.
Những tài khoản rao bán pháo cấm thường dùng tên "ảo" với cách thức mua hàng đơn giản. Người mua chỉ cần để lại thông tin, chuyển tiền vào đúng số tài khoản của người bán đưa ra, pháo ngay lập tức được vận chuyển tới địa chỉ được đính kèm. Các chủ tài khoản bán hàng không quên “dặn dò” khách: Cần đặt cọc. Cũng có nhiều người nhẹ dạ, bị các tài khoản ảo lừa, nhận đặt cọc và “lặn mất”.
Cán bộ công an xã cũng… bán pháo
Sáng 13/1, thượng tá Nguyễn Thành Long, trưởng Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, đơn vị đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Trung Kiên (29 tuổi, ở xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, Bắc Giang), Hà Đức Thương (31 tuổi, ở xã Gia Trung, huyện Gia Viễn, Ninh Bình) để điều tra về tội buôn bán hàng cấm.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an quận Nam Từ Liêm đã khám phá ra vụ tàng trữ, buôn bán pháo qua facebook. Theo điều tra, ngày 20/12/2020, các đơn vị nghiệp vụ của Công an quan Nam Từ Liêm kiểm tra hành chính tại một phòng trọ thuộc phường Mỹ Đình 1 thì phát hiện 2 thùng carton chứa 31 khối hình hộp nghi là pháo hoa nhưng có đầy đủ đặc tính của pháo nổ. Qua xác minh, số pháo trên là của Hà Đức Thương, thuê trọ tại địa chỉ trên. Sau đó, lực lượng công an đã tạm giữ, niêm phong số tang vật và mời những người liên quan về làm rõ.
Bước đầu Thương khai nhận có một người bạn trên mạng xã hội bán cho 2 bánh pháo nổ nên Thương đã nảy sinh ý định mua pháo về bán cho khách kiếm lời. Thương nhờ bạn tìm đầu mối bán pháo và được giới thiệu cho người có tên Kiên, sử dụng tài khoản Facebook "Trung Kiên". Thương đã liên hệ và mua pháo của Kiên 2 lần. Lần đầu Thương mua 26 hộp pháo loại 36 quả với giá 16,6 triệu đồng, bán hết cho khách được 21,5 triệu đồng. Mua xong, Thương tiếp tục đến xã Hợp Đức gặp Kiên mua 31 hộp pháo loại 36 quả với giá là 20,4 triệu đồng, mang về nhà trọ cất giấu để bán cho khách thì bị phát hiện.
Tiến hành xác minh chủ tài khoản Facebook "Trung Kiên" là Nguyễn Trung Kiên, phó trưởng công an xã bán chuyên trách của xã Hợp Đức. Kiên thừa nhận hành vi bán pháo cho Thương và cho biết cũng mua của một người không quen biết trên mạng xã hội. Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Kiên, cơ quan công an phát hiện, thu giữ 1 hộp pháo anh ta giấu kỹ ở vườn… nhà hàng xóm. Kết quả giám định khẳng định 31 hộp pháo có đầy đủ đặc tính của pháo nổ, tổng khối lượng là 42,99kg.
Các loại pháo hoa được đốt
Trước hết, cần phân biệt pháo hoa và pháo hoa nổ. Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ. Pháo bao gồm: Pháo hoa, pháo hoa nổ.
Trong đó, pháo hoa là loại pháo được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp. Khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian.
Còn pháo hoa nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Theo Nghị định số 137/2020 về quản lý, sử dụng pháo, từ ngày 11/1/2021, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Các loại pháo hoa được phép đốt mà người dân thường gặp gồm: Pháo bông (pháo que), pháo phụt sinh nhật, pháo điện, pháo hoa lễ hội bằng giấy; pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, tre, trúc, kim loại; các sản phẩm tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh…
Trong những ngày qua, hàng loạt các đối tượng vận chuyển pháo lậu trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam liên tục bị lực lượng chức năng phát hiện và triệt phá. Điều này thể hiện sự quyết tâm của cơ quan chính quyền trong việc siết chặt hoạt động kinh doanh pháo lậu, đảm bảo an ninh trật tự nhưng cũng dấy lên nhiều lo ngại xung quanh việc mua, bán trái phép mặt hàng cấm này.
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Thông điệp gửi mẹ qua chiếc chong chóng tuổi thơ
- Tập đoàn Geleximco và những dự án nhà ở ghi dấu ấn
- Tập đoàn BRG lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh tại giải thưởng BCI Asia Awards 2022
- Những “chuyến tàu trở về tuổi thơ” xuất phát tại công viên xanh lớn nhất miền Bắc
- Sổ tiết kiệm HDBank trị giá 300 triệu đồng đã tìm được chủ nhân
- Dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, giá vé tăng, hàng không và đường sắt dự kiến tăng chuyến