Giai Thanh -
 
Cả một quả đồi bị san phẳng, đất đồi được san gạt thẳng xuống lòng hồ khiến cả khu vực diện tích khoảng 10ha hồ Đại Lải thành một màu đỏ quạch. Hồ Đại Lải, danh thắng nổi tiếng đồng thời là công trình thủy lợi cung cấp nước ngọt cho tỉnh Vĩnh Phúc và TP Hà Nội đang bị bức tử.
Hàng chục ha mặt hồ Đại Lải bị bức tử.

Hàng chục ha mặt hồ Đại Lải bị bức tử.

Hàng chục ha mặt hồ bị bức tử

Lượng đất, đá khổng lồ được chủ đầu tư đổ xuống lòng hồ Đại Lải.

Lượng đất, đá khổng lồ được chủ đầu tư đổ xuống lòng hồ Đại Lải.

Từ thông tin phản ánh của bạn đọc Báo Nhân Dân điện tử, chúng tôi đã tìm hiểu về hiện tượng phá núi lấp hồ xảy ra tại hồ Đại Lải thuộc địa bàn thành phố Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).

Từ đầu năm 2020, PV Báo Nhân Dân nhiều lần có mặt tại hồ Đại Lải, chứng kiến cảnh hàng chục ha mặt hồ đang bị xâm hại nghiêm trọng. Đứng từ sân golf Đại Lải hoặc đi thuyền du lịch tới đảo Ngọc giữa hồ Đại Lải có thể dễ dàng nhận thấy cả một khu vực kéo dài hàng km mặt hồ Đại Lải thuộc địa bàn xã Ngọc Thanh (thành phố Phúc Yên) bị biến thành một công trường xây dựng khổng lồ. Đất đồi đỏ quạch được những chiếc máy xúc, máy ủi san gạt thẳng xuống lòng hồ. 

Khu vực đang tiến hành san gạt đất sát hồ Đại Lải chình ình gác chắn barie được canh gác cẩn mật. Vờ như bị lạc đường, chúng tôi vượt qua trạm gác barie tiến vào khu đất để ghi nhận thực trạng. Tại đây, một diện tích rộng tới hàng chục ha đã được san gạt phẳng với mức cốt cao hơn mặt hồ chừng 2m. Nhiều con đường nội bộ rộng đã được cấp phối chia ô nối với các khu đất dự kiến sẽ trở thành những khu biệt thự. Quá trình ghi hình của chúng tôi bị ngăn cản khi nhiều bảo vệ xuất hiện, yêu cầu chúng tôi phải lập tức rời khỏi khu đất mà họ đang bảo vệ. 

Trao đổi với PV, anh Bùi Ngọc Bảo, ở xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên cho biết: Cả khu vực này vốn trước đây là đất đồi, rừng cây, chúng tôi vẫn đi qua đồi đất vào khu ven hồ hóng mát bình thường. Cuối năm 2019 tới nay, từ khi họ thi công nơi này trở thành “nội bất xuất, ngoại bất nhập” chúng tôi không thể vào, chỉ nghe tiếng ô tô, máy đào đất, san ủi rầm rập suốt ngày đêm. 

Khi được hỏi về khu đất ven hồ Đại Lải đang bị san ủi, ông Nguyễn Đức Chính – Giám đốc Công ty TNHH MTV thủy lợi Phúc Yên cho biết: “Các anh nhìn thấy rồi đấy, người ta san lấp diện tích khổng lồ lấp xuống hồ Đại Lải. Trước đây, khu vực đó là một quả đồi um tùm cây cối. Giờ chặt sạch cây, san phẳng quả đồi, lấp hồ để làm khu biệt thự nghỉ dưỡng”. 

Chúng tôi tìm gặp ông Lưu Tiến Chung – Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh và được ông này cho biết: “Khu vực đang tiến hành san lấp mặt bằng thuộc địa bàn thôn Đại Quang, xã Ngọc Thanh. Khu vực này đang thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam, đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận đầu tư, giao đất quy hoạch chi tiết 1/500.

Theo đó, từ năm 2006 UBND tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định giao đất cho một doanh nghiệp thực hiện dự án tổ hợp sân golf và biệt thự nghỉ dưỡng với tổng diện tích gần 300 ha. Sau đó dự án được tách ra thành hai phần, dự án sân golf đã thực hiện với diện tích 142 ha. Phần đất còn lại với tổng diện tích 156,9 ha thuộc quản lý của Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam, tới cuối năm 2019 họ tiến hành san lấp xây dựng biệt thự”. 

Trong suốt buổi làm việc, dù phóng viên nhiều lần đề nghị cung cấp thông tin hiện trạng khu đất, tổng diện tích san lấp mà Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam thực hiện là bao nhiêu, nhưng ông Lưu Tiến Chung tìm cách từ chối trả lời với lý do… chưa có tài liệu, con số chính xác.

Ngay cả một thông tin “rõ mười mươi” là hiện trạng khu đất trước khi san lấp là một quả đồi, ông Chung cũng chỉ cung cấp thông tin rất mơ hồ: “Họ tiến hành san lấp từ chỗ cao xuống chỗ thấp và san lấp trong chỉ giới được giao. Việc san lấp được tiến hành từ cuối năm 2019 tới nay, hoạt động san lấp được tiến hành tại chỗ (bằng cách bạt quả đồi lấp xuống mặt hồ – PV). Quá trình thi công chính quyền địa phương chưa phát hiện sai phạm gì của chủ đầu tư!? Hiện UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập đoàn thanh tra thanh tra dự án này đồng thời mở rộng thanh tra toàn bộ các dự án tại hồ Đại Lải nên chúng tôi chưa thể cung cấp thêm thông tin gì”.

Đơn vị quản lý không biết diện tích hồ Đại Lải

 Dù bị dừng thi công chờ công tác kiểm tra từ tháng 1-2020 tuy nhiên chủ đầu tư vẫn triển khai san lấp.

Dù bị dừng thi công chờ công tác kiểm tra từ tháng 1-2020 tuy nhiên chủ đầu tư vẫn triển khai san lấp.

Theo ông Lưu Tiến Chung – Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh cho biết: Hồ Đại Lải có diện tích 377,8 ha. Một số người dân địa phương, họ tìm hiểu thông tin về hồ Đại Lải trên các phương tiên thông tin thì hồ có diện tích 530 ha.

Phản bác ý kiến này, ông Nguyễn Đức Chính – Giám đốc Công ty TNHH MTV thủy lợi Phúc Yên (Đơn vị quản lý hồ Đại Lải) cho biết: “Đã có rất nhiều người chất vấn chúng tôi rằng diện tích hồ Đại Lải là bao nhiêu. Tôi khẳng định tất cả thông tin về diện tích hồ Đại Lải là không chính xác vì tới nay chưa có một cuộc khảo sát nào làm căn cứ khoa học khẳng định diện tích hồ. Do hồ Đại Lải chịu trách nhiệm cung cấp nước phục vụ nông nghiệp của hai địa bàn là tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội nên đơn vị quản lý hồ chịu sự quản lý song song của UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn”.

Dù là những người trực tiếp quản lý hồ Đại Lải nhưng dường như ông Nguyễn Đức Chính – Giám đốc Công ty TNHH MTV thủy lợi Phúc Yên rất “hào hứng” khi nói tới thông tin chưa có cuộc khảo sát thực tế hồ Đại Lải này diện tích là bao nhiêu? Khi được hỏi tại sao đơn vị không tham mưu với cơ quan chức năng cấp trên tiến hành khảo sát hồ Đại Lải để làm cơ sở bảo tồn, giữ nguyên diện tích hồ, bảo đảm an toàn thủy lợi cũng như đáp ứng nhu cầu tưới tiêu ông Chính trả lời “khảo sát tốn kém lắm”.

Thậm chí, khi phóng viên hỏi việc Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam đổ đất xuống lòng hồ, với vai trò là đơn vị quản lý hồ, đơn vị có tiến hành kiểm tra đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của doanh nghiệp hay không, ông Đường Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV thủy lợi Phúc Yên còn vô tư: “Đất đổ xuống hồ chỉ đục chút thôi, chắc không sao”.

Trực tiếp quản lý hồ nhưng không biết thực tế hồ Đại Lải rộng bao nhiêu. Hồ bị xâm hại với quy mô lớn nhưng thờ ơ vô cảm, không động thái gì để bảo vệ. Với cách quản lý này của Công ty TNHH MTV thủy lợi Phúc Yên cũng như UBND xã Ngọc Thanh, không khó hiểu khi hồ đang ngày ngày bị bức tử. 

Từ thực tế này, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc và Bộ NN-PTNN cần vào cuộc làm rõ sự việc, trả lời công luận.

Theo Nhân dân

Bạn nghĩ sao?