Hoàng Pháp - Thùy Linh – Vạn Đức -
 
Mặc cho hàng loạt hoạt động có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động khai thác cát của Công ty TNHH khai thác cát Đoàn Kết (Công ty Đoàn Kết), ngày 25/3/2021, UBND tỉnh Đắk Lắk vẫn cấp giấy phép cho Công ty Đoàn Kết được tiếp tục khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường trên sông Krông Pắk thuộc địa bàn xã Ea Ô, huyện Ea Kar, Đắk Lắk.

Khai thác quá độ sâu được cho phép; Có dấu hiệu khai thác vàng sa khoáng?

Tháng 4/2015, UBND tỉnh Đắk Lắk cấp giấy phép cho Công ty Đoàn Kết khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường trên sông Krông Pắk, xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk theo Quyết định số 991/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đắk Lắk.

Quyết định chỉ rõ, Công ty Đoàn Kết được khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường trên khu vực có diện tích 33.5ha, với trữ lượng cát được phép khai thác là 293.522m3 cát tại địa bàn xã Ea Ô, huyện Ea Kar, Đắk Lắk. Theo đó, công suất khai thác là 48.000m3/năm, độ sâu khai thác trung bình mà Công ty Đoàn Kết được phép khai thác là 1,6m.

Anh 1: Độ sâu thực tế mà Công ty Đoàn Kết đã khai thác lên tới cả chục mét

Độ sâu thực tế mà Công ty Đoàn Kết đã khai thác lên tới cả chục mét

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực khai thác cát, độ sâu thực tế mà Công ty Đoàn Kết đã khai thác lên tới cả chục mét. Việc khai thác quá độ sâu cho phép này đã gây ra tình trạng sạt lở vô cùng nghiêm trọng dọc hai bên bờ sông, làm ảnh hưởng trực tiếp đến vùng đất canh tác và sự an toàn của người dân địa phương.

Bên cạnh đó, giấy phép số 37/GP-UBND của UBND tỉnh Đắk Lắk ngày 25/3/2021 về việc gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản số 991/QĐ-UBND ngày 23/4/2015 quy định, Công ty Đoàn Kết chỉ được thực hiện hoạt động khai thác cát đúng theo số lượng tàu, thuyền đã đăng ký, đăng kiểm với cơ quan có thẩm quyền.

Anh 2: Theo quan sát của phóng viên, có 05 tàu khai thác cát hoạt động trên khu vực khai thác của Công ty Đoàn Kết

Theo quan sát của phóng viên, có 05 tàu khai thác cát hoạt động trên khu vực khai thác của Công ty Đoàn Kết

Qua xác minh thông tin, phóng viên được biết, hiện nay, Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk chỉ cấp 03 giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa cho 03 tàu khai thác cát của Công ty Đoàn Kết. Nhưng  quan sát của phóng viên tại khu vực khai thác của Công ty Đoàn Kết cho thấy, có đến 05 tàu khai thác cát đang hoạt động hết công suốt cả ngày lẫn đêm.

Đáng chú ý, theo thông tin phản ánh mà Tạp chí Kinh tế tập nhận được, Công ty Đoàn Kết còn có dấu hiệu hoạt động khai thác vàng sa khoáng trên khu vực sông Krông Pắk. Điều này hoàn toàn không nằm trong phạm vi khai thác của Công ty Đoàn Kết.

Anh 3: Công ty Đoàn Kết có dấu hiệu khai thác vàng sa khoáng sai quy định

Công ty Đoàn Kết có dấu hiệu khai thác vàng sa khoáng sai quy định

Chính quyền “làm ngơ” trước những sai phạm của Công ty Đoàn Kết?

Khai thác quá độ sâu cho phép, sử dụng quá số lượng tàu đã đăng kiểm, khai thác cả ngày lẫn đêm, có dấu hiệu khai thác vàng sa khoáng,… và rất nhiều sai phạm khác trong hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Đoàn Kết đã gây ra tình trạng sạt lở, ô nhiễm môi trường trên sông Krông Pắk và ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân địa phương.

Tuy nhiên, mặc cho hàng loạt sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Đoàn Kết, ngày 25/3/2021, UBND tỉnh Đắk Lắk vẫn tiếp tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản (gia hạn lần 2) số 37/GP-UBND cho Công ty Đoàn Kết. Giấy phép có thời hạn đến ngày 25/3/2024 và quy định thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày là từ 7h sáng đến 5h chiều, không được khai thác ban đêm.

Điều này đặt ra câu hỏi trong việc quản lí hoạt động khai thác khoáng sản của các cấp chính quyền tỉnh Đắk Lắk. Chính quyền liệu có đang cố tình “làm ngơ” trước những sai phạm của Công ty Đoàn Kết hay đây là sự buông lỏng trong quản lí của chính quyền sở tại?

Anh 4: Hàng ngày, những chiếc xe quá khổ, quá tải chở cát vẫn chạy qua trụ sở của UBND xã Ea Ô nhưng dường như được chính quyền “ngó lơ”

Hàng ngày, những chiếc xe quá khổ, quá tải chở cát vẫn chạy qua trụ sở của UBND xã Ea Ô nhưng dường như được chính quyền “ngó lơ”

Hơn nữa, tại Điểm d, Khoản 28, Điều 4 của Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg ngày 13/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai quy định: Tạm dừng toàn bộ các hoạt động thi công khai thác cát, sỏi, nạo vét lòng sông trong mùa mưa lũ, thời gian kể từ ngày 15/6/2021 đến hết ngày 30/11/2021 (đối với các sông thuộc tỉnh Bình Thuận, các tỉnh thuộc Nam Bộ và Tây Nguyên).

Nhưng thực tế, tại thời điểm phóng viên khảo sát tại hiện trường (cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2021), hoạt động khai thác cát của Công ty Đoàn Kết vẫn diễn ra bình thường.

Anh 5: Những con đường hư hỏng nặng nề

Những con đường hư hỏng nặng nề

Tình trạng khai thác cát trên sông Krông Pắk đoạn chảy qua địa phận xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra nhiều năm nay. Mặc cho hàng loạt sai phạm nhưng hoạt động khai thác cát của Công ty Đoàn Kết vẫn diễn ra bình thường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống sinh hoạt cũng như sự an toàn của người dân địa phương. Người dân nơi đây đã nhiều lần người dân viết đơn kêu cứu, kiến nghị nhưng những gì nhận lại dường như chỉ là sự “ngó lơ” của chính quyền địa phương.

Liệu có phải chính quyền đang gián tiếp dung túng cho hành vi vi phạm của Công ty TNHH khai thác cát Đoàn Kết không khi vẫn tiếp tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Đoàn Kết? Có hay không sự yếu kém, buông lỏng trong quản lí của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng?

Tạp chí Kinh tế tập đoàn sẽ tiếp tục thông tin về những vấn đề này.

Video: Đắk Lắk: Sông Krông Pắk đang bị Công ty Đoàn Kết tàn phá

Bạn nghĩ sao?