MOF -
 
Trong phiên thảo luận tại hội trường, Đại hội XIII của Đảng, sáng 27/1, đại biểu Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã tham luận về chủ đề "Xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước".

Nền tài chính quốc gia tiếp tục có những bước phát triển quan trọng

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhiệm kỳ vừa qua, nền tài chính quốc gia tiếp tục có những bước phát triển quan trọng, có đóng góp quyết định vào các thành quả của đất nước.

Ngành Tài chính đã đi tiên phong trong quá trình hoàn thiện thể chế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ cấu lại đồng bộ ngân sách Nhà nước, nợ công, thúc đẩy quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế, hội nhập, cải thiện các cân đối lớn, tăng cường ổn định vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo trật tự xã hội, chủ quyền dân tộc.Ngành tập trung hoàn thiện đồng bộ thể chế về quản lý thị trường chứng khoán, bảo hiểm; triển khai tích cực Đề án thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam; lần đầu đưa vào hoạt động thị trường chứng khoán phái sinh, đẩy mạnh cơ cấu lại, hiện đại hóa, phát triển các thị trường tài chính, dịch vụ tài chính phù hợp với đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các cam kết hội nhập.Triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6, khóa XII, ngành Tài chính cũng đi tiên phong trong việc sắp xếp lại bộ máy, tinh gọn đội ngũ công chức, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy.

BO TRUONG DINH TIEN DUNG

Ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tham luận tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng 

Đến nay, Bộ Tài chính đã cắt giảm 4.328 đầu mối các đơn vị, giảm 6.460 chỉ tiêu biên chế (tương đương 8,7% so với năm 2015); dự kiến đến năm 2021 giảm được 10% so với năm 2015, theo đúng Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.Triển khai chủ trương xây dựng chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số, ngành Tài chính đã đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, 8 năm liên tiếp (kể từ năm 2013 đến năm 2020) dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ.Đến nay, các doanh nghiệp đã cơ bản thực hiện toàn bộ các thủ tục khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, thủ tục hải quan trên môi trường điện tử.

Nhờ vậy, trong giai đoạn 2016-2020, số giờ nộp thuế và bảo hiểm xã hội đã giảm từ 872 giờ năm 2015 xuống còn 384 giờ năm 2020 (giảm 488 giờ); thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu giảm từ 21 ngày năm 2015 xuống còn 115-130 giờ năm 2020; chỉ số nộp thuế 5 năm tăng 64 bậc, riêng năm 2019 tăng 22 bậc, ngang bằng nhóm ASEAN 4; trong bảng xếp hạng chi phí tuân thủ 8 nhóm thủ tục hành chính từ thấp đến cao, thuế được xếp ở vị trí thứ nhất, hải quan được xếp ở vị trí thứ 3.

Với những bước phát triển tương đối toàn diện ở tất cả các khâu, các lĩnh vực, nền tài chính quốc gia đã có những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.Đặc biệt, kết quả cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công trong giai đoạn 2016-2020 đã củng cố tiềm lực nền tài chính quốc gia theo hướng an toàn, bền vững, đồng thời tạo dư địa huy động thêm nguồn lực để phòng, chống đại dịch COVID-19, hỗ trợ nền kinh tế tránh được suy thoái, đưa Việt Nam trở thành một trong số rất ít nền kinh tế có mức tăng trưởng dương trong năm 2020, tạo nền tảng quan trọng cho giai đoạn tới.

Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế tài chính

Về định hướng, mục tiêu Chiến lược 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ 05 năm 2021-2025, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bày tỏ nhất trí cao với các Báo cáo của Trung ương trình Đại hội.Bộ trưởng cho biết, trên cơ sở kết quả đạt được, dự báo bối cảnh thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả vai trò định hướng và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ của ngành Tài chính trong giai đoạn tới là: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế tài chính, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, nợ công; đẩy mạnh đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; hoàn thiện việc sắp xếp khối doanh nghiệp Nhà nước, đổi mới quản trị theo đúng Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XII; tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, giảm biên chế đi cùng với cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý; cải thiện mạnh mẽ hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính, sự nghiệp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách; củng cố dư địa tài khóa, nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia.

Ngành tập trung hoàn thiện, triển khai đồng bộ hệ thống chính sách giá cả, tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp, kế toán, kiểm toán, cải cách hành chính, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… khơi thông và phân bổ các nguồn lực tài chính theo tín hiệu thị trường, ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài tạo giá trị gia tăng cao, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, đi đôi với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; chuyển dịch đầu tư từ chiều rộng sang chiều sâu, cạnh tranh, phát triển mạnh mẽ trong môi trường hội nhập, thực hiện đầy đủ các cam kết FTA trước đây, đồng thời chủ động triển khai các FTA thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA…).

Về thể chế quản lý ngân sách Nhà nước, ngành tập trung nghiên cứu, sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương; hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền theo hướng Chính phủ quản lý các cân đối lớn, giữ vai trò định hướng phát triển chung cho cả nước; xây dựng cơ chế quản lý tài chính ngân sách phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của 05 đô thị trung tâm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Ngành tập trung phát triển hệ thống thu hiện đại, gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước phù hợp với trình độ phát triển, hội nhập và thông lệ quốc tế, bao quát nguồn thu, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội, bảo đảm tính trung lập, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, hiện đại, thuận tiện, điều tiết thu nhập hợp lý; đồng thời tăng tính bền vững, bảo đảm nguồn thu đáp ứng các nhu cầu quản lý, điều hành, phát triển nền kinh tế trong tình hình mới.

Toàn ngành đẩy mạnh cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước trên cơ sở phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường, đẩy mạnh đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, thực hiện “xã hội hóa” trong một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao và tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; triển khai quản lý ngân sách trung hạn, theo kết quả thực hiện nhiệm vụ; gắn kết chặt chẽ chi đầu tư với chi thường xuyên; mở rộng việc áp dụng các nguyên tắc thị trường trong quản lý, cung ứng dịch vụ hành chính, sự nghiệp công, quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công; cải thiện mạnh mẽ hiệu quả, hiệu lực chi tiêu công.

Ngành quản lý chặt chẽ bội chi ngân sách và nợ công, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng cường ổn định vĩ mô vững chắc; cải thiện dư địa chính sách tài khóa, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; quyết liệt thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương về về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngành Tài chính khẩn trương hoàn thiện thể chế; hoàn thành lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ sự nghiệp công, chuyển mạnh cơ chế cấp phát theo dự toán sang cơ chế đấu thầu, đặt hàng dịch vụ công trên cơ sở tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, định mức kinh tế, kỹ thuật; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công. Ngành phấn đấu hoàn thành các mục tiêu giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập; có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Ngành khẩn trương hoàn thiện cơ chế cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, quản lý và sử dụng vốn nhà nước.

Quản trị tiên tiến, minh bạch

Đến năm 2025, ngành hoàn thành việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước, tinh gọn số lượng, tập trung nguồn lực đầu tư nhà nước vào các doanh nghiệp nhà nước có vị trí quan trọng, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; cơ cấu lại, phát triển các doanh nghiệp này theo cơ chế thị trường, công nghệ hiện đại, quản trị tiên tiến, minh bạch, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thua lỗ, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay. Tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được quản lý tập trung và chỉ sử dụng cho cho đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp nhà nước then chốt quốc gia.

Ngành Tài chính tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, công khai, minh bạch; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ngành phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng Chính phủ điện tử, chính phủ số ở những lĩnh vực tài chính quốc gia, tài chính công trọng yếu (ngân sách Nhà nước, thuế, hải quan, chứng khoán, quản trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp…).

Ngành Tài chính thực hiện hiệu quả nguyên tắc chi trong khả năng nguồn lực, vay trong khả năng trả nợ, gắn trách nhiệm quản lý huy động, sử dụng, với quản lý bội chi, trả nợ và trách nhiệm giải trình; hoàn thiệu cơ sở dữ liệu về thu, chi, nợ công, tài sản công, tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, điều hành tài chính công ở cả phạm vi vĩ mô và vi mô; nâng cao tính công khai, minh bạch; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Ngành nâng cao năng lực, chất lượng và mở rộng hoạt động của công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán tài chính theo nguyên tắc rủi ro và ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường hiệu lực của hệ thống giám sát nội bộ, vai trò của công tác giám sát từ xa; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương để xử lý có hiệu quả các kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thu hồi tối đa cho Nhà nước tiền, tài sản bị vi phạm, chiếm đoạt.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong bối cảnh khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Tài chính trong giai đoạn tới là hết sức nặng nề, nhưng với quyết tâm cao, ngành Tài chính xin hứa trước Đại hội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, nhiệt huyết, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các mục tiêu tài chính - NSNN, củng cố tiềm lực, giữ vững an ninh, an toàn tài chính quốc gia, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Bạn nghĩ sao?