Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa qua các thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất đánh giá, tình hình KTXH tháng 11/2020 tiếp tục có sự cải thiện hơn so với các tháng trước. Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc; nhất là ngành chế biến, chế tạo tháng 11/2020 tăng 11,9% so với cùng kỳ (IIP toàn ngành tăng 9,2%). Tuy nhiên, IIP 11 tháng chỉ tăng 3,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,2%).
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục có bước chuyển biến tích cực; năng suất lúa mùa tăng 0,5 tạ/ha; chăn nuôi ổn định; sản lượng gỗ khai thác tăng mạnh (tăng 9,9% so với cùng kỳ); nuôi trồng thủy sản tăng khá (giá nguyên liệu cá tra, tôm tăng do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh vào dịp cuối năm). Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi hiện nay đang diễn biến phức tạp (còn 318 xã của 29 địa phương vẫn còn dịch).
Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tiếp tục xu hướng phục hồi; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2020 tăng 8,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 11 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 2% so với cùng kỳ.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2020 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 0,08% so với tháng 12/2019 và tăng 1,48% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2020, CPI chỉ tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường tiền tệ, tỷ giá và mặt bằng lãi suất thị trường tiếp tục ổn định. Đến ngày 24/11, tổng phương tiện thanh toán tăng 10,31% so với cuối năm 2019, huy động vốn tăng 10,65%, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,93% so với cuối năm 2019.
Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực, tiếp tục tăng điểm. Chỉ số VN-INDEX đã vượt 1.000 điểm. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 4.777 nghìn tỷ đồng, tương đương 79,1% GDP, tăng 9% so với cuối năm 2019.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực. Trong tháng, doanh nghiệp thành lập mới tăng 6,7% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 59,8%; số vốn đăng ký thành lập mới tăng 103,5% so với cùng kỳ.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu ở mức kỷ lục là 20,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3%. Tổng kim ngạch nhập khẩu 11 tháng đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%, trong đó chủ yếu là nhóm hàng tư liệu sản xuất (ước tính đạt 218,8 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu). Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy tình hình sản xuất đang phục hồi mạnh mẽ.
Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, 11 tháng năm 2020 giải ngân đạt 79,3% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ (mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2020).
Cũng trong tháng 11, có rất nhiều sự kiện quan trọng: Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ và nhiều thành viên Chính phủ đã trực tiếp giải trình, trả lời chất vấn. Đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả phát triển KTXH trong bối cảnh dịch COVID-19; tạo không khí phấn khởi trong xã hội; niềm tin của nhân dân vào Đảng, Chính phủ được nâng lên, vị thế của nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao. Quốc hội đã thông qua nhiều luật, ban hành nghị quyết và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về KTXH, tài chính - NSNN, chương trình mục tiêu quốc gia.
Liên quan tới thị trường tiền tệ, tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan việc có hay không nhà đầu tư rút tiền tiết kiệm để đầu tư trái phiếu.
Phó Thống đốc cho biết, thực tế thời gian qua có xuất hiện nhu cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tuy nhiên nguồn tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng cao hơn. Thực tế số liệu mới nhất cho thấy huy động vốn vẫn tăng tới 10,65% so với cuối năm ngoái cho dù mặt bằng lãi suất thấp hơn.
Về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các cá nhân, Phó thống đốc cho biết trong các nghị định, hướng dẫn liên quan đến trái phiếu (như Nghị định 81 của Chính phủ sửa Nghị định 63; Bộ Tài chính ban hành Thông tư 77 ngày 14/8 hướng dẫn về đầu tư trái phiếu...), đều có tinh thần là hạn chế nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu riêng lẻ. Vì vậy việc làm sao việc mua trái phiếu doanh nghiệp được an toàn cho cả nhà đầu tư lẫn các cá nhân riêng lẻ và các doanh nghiệp phát hành, thì trong các nghị định, thông tư đã hướng dẫn cụ thể.
Phó Thống đốc cũng trả lời câu hỏi về việc sàn giao dịch forex đang kêu gọi nhà đầu tư với mức lời chào lãi suất tới vài trăm phần trăm. Theo đại diện NHNN, để có được lợi tức trong kinh doanh vài chục phần trăm trong điều kiện Covid-19 hiện nay là rất khó, trong tất cả các lĩnh vực trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng trong nước, bởi vậy những lời mời chào đầu tư lãi suất cao tới mấy trăm phần trăm là bất hợp pháp, lừa đảo và người dân không nên tham gia.
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Thu chi minh bạch với tính năng Quỹ nhóm trên App HDBank
- HDBank nhận 3 giải thưởng tại Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2024
- HDBank đóng góp 100 tỷ đồng, hưởng ứng đợt cao điểm 450 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước
- Đẩy mạnh kinh doanh số, HDBank báo lãi vượt 12.650 tỷ, tăng 46,6%, triển khai chia cổ tức 20%
- HDBank khởi động dự án “Tư vấn quản trị ESG và Tài chính bền vững” cùng PwC
- HDBank: Ngân hàng duy nhất tại Việt Nam nhận Giải thưởng Xanh từ The Asian Banker