Sơn Hải/TH - 14:59 - 18/10/2021
 
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình vừa ký ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

 Theo nội dung Chỉ thị này, Bắc Kạn là tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp chế biến gỗ. Trong giai đoạn 2016 - 2020, công nghiệp chế biến (trong đó có chế biến gỗ) tăng trưởng bình quân 16,64%; cơ cấu nhóm ngành chế biến gỗ (tre, nứa) tăng từ 21,65% năm 2015 lên 36,72% năm 2020 trong tổng giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Một số dự án lớn về chế biến gỗ đã được đầu tư xây dựng, vận hành; các sản phẩm như ván dán, đũa gỗ,... là sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của tỉnh.

ct bk

 Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 12/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định công nghiệp chế biến lâm sản mà trọng tâm là chế biến gỗ rừng trồng là lĩnh vực trọng điểm cần thúc đẩy trong thời gian tới. Tuy nhiên, thực tế hiện nay còn nhiều bất cập trong công tác quản lý hoạt động khai thác, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh; chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất giữa chủ rừng, cơ sở sơ chế và nhà máy chế biến gỗ; còn tình trạng khai thác gỗ tròn chưa đến tuổi khai thác; các cơ sở chế biến gỗ chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể chưa thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định,... hoạt động không bền vững, chưa phát huy được tiềm năng lợi thế giúp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để ngành công nghiệp chế biến lâm sản của tỉnh Bắc Kạn phát triển ổn định, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương rà soát quy hoạch, quản lý các vùng nguyên liệu, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho phát triển công nghiệp chế biến lâm sản phù hợp với nhu cầu của thị trường; tham mưu, đề xuất giải pháp thực hiện liên doanh liên kết giữa cơ sở chế biến gỗ với hộ trồng rừng để thực hiện việc cấp chứng nhận tiêu chuẩn rừng (FSC). Thời gian thực hiện xong trong quý IV/2021.

Thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ việc khai thác gỗ tròn chưa đến tuổi khai thác; nghiên cứu tham mưu xây dựng phương án huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng đường lâm nghiệp phục vụ công tác khai thác, vận chuyển nguyên liệu phục vụ cho các cơ sở chế biến lâm sản.

Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh chủ động, phối hợp với ngành Thuế, các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, chế biến của các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh; chịu trách nhiệm về khối lượng và sản lượng gỗ đã xác nhận, cung cấp cho cơ quan thuế làm căn cứ tính thuế, xác nhận hồ sơ vận chuyển lâm sản để tránh tình trạng quay vòng hồ sơ vận chuyển, mua bán lâm sản.

images2955193_IMG_2635

 Chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh còn nhiều vướng mắc ( nguồn baobackan.com.vn)

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện hỗ trợ trong lĩnh vực lâm nghiệp (liên kết chuỗi đối với lĩnh vực trồng rừng gắn với chế biến gỗ rừng trồng) theo Nghị quyết số 08/2019/NQ-HDND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh về việc ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu xây dựng Đề án phát triển công nghiệp chế biến tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có nhiệm vụ và giải pháp phát triển công nghiệp chế biến gỗ phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh và nhu cầu thị trường (thời gian thực hiện xong trong quý IV/2021); hỗ trợ cơ sở sản xuất trong kết nối cung cầu, hỗ trợ máy móc, thiết bị chế biến gỗ theo Chương trình khuyến công phù hợp với định hướng đổi mới công nghệ; đầu mối tham mưu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong sản xuất và lưu thông sản phẩm gỗ. Chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát phương án phát triển và xây dựng các cụm công nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh, trong hỗ trợ thực hiện chuỗi liên kết.

Cục Thuế, Cục Quản lý thị trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, chế biến và thu mua sản phẩm gỗ rừng trồng; bảo vệ và phát triển rừng, có biện pháp ngăn chặn hiệu quả các hành vi phá rừng tự nhiên, rừng phòng hộ để mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra để sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn, xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế về việc sử dụng đất, thuê đất và công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.

Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến gỗ; xử lý nghiêm, kiên quyết đình chỉ hoạt động, đóng cửa cơ sở không có đăng ký kinh doanh, buộc tháo dỡ máy móc, thiết bị, nhà xưởng đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định, không chứng minh được nguồn gốc lâm sản hợp pháp; xử lý nghiêm cơ sở sử dụng, lấn chiếm đất trái quy định, các cơ sở chế biến gỗ gây ô nhiễm môi trường. Yêu cầu các chủ cơ sở, các doanh nghiệp trên địa bàn ký cam kết không thu mua gỗ tròn đối với rừng trồng chưa đủ tuổi khai thác và gỗ rừng tự nhiên.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ thực hiện nghiêm các quy định về sử dụng đất, bảo vệ môi trường và chế độ hóa đơn, chứng từ trong sản xuất kinh doanh; chủ động liên kết với các bên liên quan để thực hiện sản xuất theo chu trình khép kín từ khâu trồng rừng đến khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Có cam kết không thu mua gỗ tròn đối với rừng trồng chưa đủ tuổi khai thác và gỗ rừng tự nhiên với UBND các huyện, thành phố.

Được biết, nhiều năm trở lại đây, sản phẩm gỗ rừng trồng đã mang lại nguồn thu lớn và ổn định cho tỉnh Bắc Kạn. Con số thống kê từ năm 2019 cho thấy, hằng năm, toàn tỉnh Bắc Kạn khai thác hơn 3.000ha rừng trồng mang lại nguồn thu hơn 200 tỷ đồng. Con số này được đánh giá là khá thấp, chưa xứng tầm với điều kiện hiện có của ngành lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn. Điều đáng quan ngại là việc khai thác, xuất bán đều ở dạng thô nên giá trị không cao, rất thiệt thòi cho người trồng rừng. Để trang trải cuộc sống, rất nhiều hộ khai thác “bán non” gỗ rừng trồng nên rất thiệt về sinh khối, chất lượng gỗ thấp, tỷ lệ hao cao, giá thành cũng bị ép.

Thực tế cho thấy, trong khâu chế biến gỗ, mặc dù tỉnh Bắc Kạn đã kêu gọi và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này nhưng kết quả chưa thật sự đạt như mong muốn. Đình đám nhất là Nhà máy chế biến gỗ SAHABAK tại Khu công nghiệp Thanh Bình, được đánh giá là con chim đầu đàn nhưng nay đã “gẫy cánh”, dừng hoạt động và để lại nhiều hệ lụy. Kể cả Nhà máy lắp ráp ô tô, sau tái cơ cấu đã chuyển hướng đầu tư dây chuyền sản xuất chế biến đũa ăn xuất khẩu. Làm ăn thời gian đầu khá hiệu quả nhưng nay đã gặp nhiều khó khăn về công nghệ và nguồn vốn, nên sản xuất đình trệ.

Hiện đại nhất hiện nay là Công ty chế biến gỗ GOVINA đầu tư 160 tỷ đồng, mở Nhà máy tại Khu công nghiệp Thanh Bình trên diện tích 5,2ha, công suất 120.000m3/năm. Nhà máy tập trung sản xuất ván dán nội thất chất lượng cao, xuất khẩu thị trường Mỹ, tuy nhiên thời gian này, việc sản xuất đang chững lại do nhiều lý do khách quan chưa tháo gỡ được. Còn tại huyện Chợ Đồn, có Công ty TNHH Trường Thành Bắc Kạn, là một trong những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng Nhà máy chế biến gỗ ghép thanh, dăm gỗ và đũa gỗ xuất khẩu, nhưng Công ty cũng chỉ tiêu thụ được một phần gỗ rừng trồng của huyện Chợ Đồn.

images2749821_Go_vi_na

 Chuỗi giá trị từ hoạt động lâm nghiệp chưa đạt cao (nguồn: baobackạn.com.vn)

Ngoài ra, một số Nhà máy chế biến gỗ có quy mô nhỏ như Xí nghiệp chế biến gỗ Huyền Tụng; Công ty TNHH Đài Việt (TP Bắc Kạn); các xưởng bóc gỗ, băm dăm gỗ chủ yếu là gia công, nên chưa đủ tầm điều tiết sản lượng gỗ ở Bắc Kạn. Cùng với đó, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn tinh chế mà chỉ ở dạng thô hoặc chế biến đơn giản như đũa, ván ép, do vậy, chuỗi giá trị đạt được chưa cao.

Theo Tầm nhìn

Bạn nghĩ sao?