Trần Xuân Tình - 08:38 - 06/05/2020
 
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tp. Hồ Chí Minh khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đứng trước nguy cơ phá sản.
chutich

Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc tọa đàm. 

Trước diễn biến đó, lãnh đạo thành phố đã và đang nỗ lực triển khai và tiếp tục tìm giải pháp để đảm bảo mục tiêu kép là giữ thành quả phòng, chống dịch COVID-19, nhưng vẫn phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đây là nội dung cơ bản của buổi toạ đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế Tp. Hồ chí Minh” do UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 5/5 với sự tham gia của nhiều chuyên gia, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Cứu doanh nghiệp như cứu hỏa

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su Nhựa Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay cứu doanh nghiệp phải như cứu hỏa, nếu chậm trễ sẽ gia tăng tỷ lệ doanh nghiệp chết lâm sàng. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ phải làm nhanh, nên hỗ trợ cho cả ngành thay vì hỗ trợ đối với từng doanh nghiệp, chỉ cần kiểm tra vấn đề nợ thuế, bảo hiểm xã hội và nợ ngân hàng. Không chỉ vậy, chính quyền các cấp cần khảo sát vấn đề hậu COVID-19 thế giới đang cần gì và đó sẽ là cơ hội cho Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng.

Đề cập giải pháp tài chính, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị, hệ thống ngân hàng bổ sung điều kiện doanh nghiệp vay vốn bởi hiện nay nhiều doanh nghiệp dệt may thành phố không có nguồn thu do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trong đó có không ít doanh nghiệp đã đóng cửa từ tháng 3/2020 nên không có tiền đề trả lương cho công nhân, trong khi đây là điều kiện để xét duyệt hồ sơ vay vốn. Cùng với đó, có chính sách giảm lãi suất các khoản vay của doanh nghiệp trước thời điểm xảy ra dịch COVID-19 và cung cấp các khoản vay ưu đãi từ 6 - 12 tháng thông qua Ngân hàng chính sách xã hội.

Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, trong điều kiện khó khăn hiện nay về nguyên liệu, thị trường xuất khẩu ngưng trệ, không có đầu ra, nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Trong khi đây là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Do vậy, hệ thống ngân hàng cần hạ chỉ tiêu cho vay đối với doanh nghiệp cũng như hỗ trợ về giảm lãi suất, giãn nợ...

Trong khi đó, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ tiếp tục cho kéo giãn, chuyển nợ thuế doanh nghiệp sang năm 2021và các năm tiếp theo tùy thuộc vào sự phục hồi kinh tế và sức khỏe của doanh nghiệp, kiến nghị được giảm thuế doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng. Đồng thời cho các doanh nghiệp được hỗ trợ mà không cần phải chứng minh thiệt hại, không phân biệt quy mô thông qua nhóm giải pháp giải cứu cấp bách và giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp với sự vào cuộc chủ động của hệ thống ngân hàng trong việc thẩm định, trả lời hồ sơ vay vốn cho doanh nghiệp, bảo trợ cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Dưới góc độ chuyên gia, TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đề xuất việc thành phố triển khai những giải pháp phòng ngừa dịch bệnh, nhưng không làm hạn chế hoạt động kinh tế, bổ sung thêm các giải pháp bên cạnh 4 nhóm giải pháp mà Chính phủ đang triển khai; trong đó có chính sách về an sinh xã hội để kích thích tổng cầu. Thành phố cũng cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại để khoanh nợ vay cho doanh nghiệp, ưu tiên doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất và chuỗi lưu thông dễ đỗ vỡ như: du lịch, vận tải, ẩm thực, giải trí… và những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Biến thách thức thành cơ hội

Dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực lên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, song theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, đó còn là dịp để thực hiện việc tái cấu trúc. Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, dịch COVID-19 ngoài thách thức còn là cơ hội để thành phố tái cấu trúc kinh tế lại theo hướng hiệu quả, bền vững, doanh nghệp tái cơ cấu để thích ứng và hiệu quả cao hơn, phát triển bền vững hơn. Thành phố cần nghiên cứu gói hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại theo định hướng phát triển của thành phố như một số quốc gia vừa qua đã thực hiện khi dịch COVID-19 bùng phát.

“Thành phố tiếp tục đầu tư hạ tầng, chuẩn bị đón làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài thời kỳ hậu COVID-19; hoàn thiện môi trường pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang môi trường kinh tế số; hướng dẫn, công khai các tiêu chí để doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ và thành phố, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, chuyển đổi nguồn nhân lực, khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời thành lập Tổ công tác giải cứu doanh nghiệp để theo dõi, đôn đốc, giải quyết và đề xuất các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho doanh nghiệp”, ông Chu Tiến Dũng nói.

Theo GS.TS Hồ Đức Hùng, Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, chúng ta có thể tái cấu trúc lại nền kinh tế, trước hết là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, tập trung tái cấu trúc chuỗi giá trị, định hướng về thị trường, nhất là thị trường nội địa. Cụ thể, khôi phục và khai thác những sản phẩm hiện có, thay đổi phương thức kinh doanh, phát triển sản phẩm hiện có sang thị trường mới nhất là ngành công nghiệp chế biến. Để thực hiện chính sách hỗ trợ đặc biệt cần phân loại đối tượng doanh nghiệp, không phải hỗ trợ chung chung đi cùng với việc lập Quỹ hỗ trợ lớn của thành phố với sự tham gia của doanh nghiệp lớn, người dân, từ đó giúp thành phố chủ động hơn trong điều kiện ngân sách hạn hẹp.

Với góc nhìn lạc quan, ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, dịch COVID-19 là khó khăn lớn, nhưng chưa phải là dấu chấm hết đối với doanh nghiệp. Thay vào đó, doanh nghiệp phải tái cấu trúc; trong đó coi trọng việc chuyển đổi công nghệ thông tin, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, muốn thực hiện được việc này cần có cơ quan định hướng cũng như nội dung định hướng cụ thể. Ngoài ra, nhiều nước đang chuyển đổi công ty từ một số nơi; trong đó có Trung Quốc về các nước Đông Nam Á nên đây sẽ là cơ hội đối với Tp. Hồ Chí Minh.

Còn theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch hội Lương thực thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh, hiện nay hoạt động xuất khẩu sang các thị trường lớn đều giảm mạnh khi nhiều nước áp lệnh phong toả khiến hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa. Đây cũng là lúc nhiều nước trên thế giới căng thẳng chuỗi cung ứng thực phẩm và nghĩ đến vấn đề an ninh lương thực. Ngay từ lúc này cần xác định kịch bản cho thời điểm “hậu COVID-19” là giai đoạn tăng cường xuất khẩu mặt hàng thực phẩm lương thực cho châu Âu và Mỹ. Muốn vậy, thành phố cần hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thêm thị trường thông qua việc đàm phán với các quốc gia hiện không có dịch COVID-19 hoặc kiểm soát dịch tốt đễ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận; đồng thời đưa ra dự báo tác động lên nhóm ngành hàng, sản phẩm nhằm định hướng và đề xuất biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong khi đó, TS Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright đề xuất việc thành phố phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động vốn triển khai cho nhiều dự án đầu tư công trọng điểm. Có như vậy mới tận dụng được cơ hội, tạo đà cho sự phục hồi kinh tế trong năm 2021, đảm bảo tính thanh khoản cho doanh nghiệp, duy trì việc làm cho người lao động.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị thành phố đầu tư hạ tầng, chuẩn bị đón làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài thời kỳ hậu COVID-19; hoàn thiện môi trường pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang môi trường kinh tế số; hướng dẫn, công khai các tiêu chí để doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ và thành phố cũng như hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, chuyển đổi nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tập trung vào doanh nghiệp công nghệ thông tin, sử dụng cao hàm lượng khoa học công nghệ. Đồng thời thành lập Tổ công tác giải cứu doanh nghiệp để theo dõi, đôn đốc, giải quyết và đề xuất các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho doanh nghiệp… ./.

Bạn nghĩ sao?