Thanh Sang - 16:03 - 06/05/2020
 
Mặc dù lợi ích, hiệu quả của việc tham gia liên kết sản xuất nông nghiệp với doanh nghiệp là rất lớn, nhưng nông dân An Giang chưa thật tin tưởng, chưa quen với hình thức liên kết mà vẫn quen bán nông sản qua thương lái.
unnamed (3)

 

Từ đó, quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, gây khó khăn, ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp dẫn đến việc mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh rất hạn chế.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, giai đoạn 2016 – 2018, diện tích sản xuất lúa tại An Giang có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp đạt từ 30.333 ha đến 43.210 ha, chiếm khoảng 4,83-6,46% diện tích sản xuất lúa của tỉnh. Diện tích còn lại được tiêu thụ chủ yếu qua thương lái, qua trao đổi giữa nông dân với nông dân. Đến năm 2019, liên kết sản xuất và tiêu thụ giảm, chỉ đạt diện tích 31.190 ha, đạt khoảng 5% diện tích gieo trồng cả tỉnh.

An Giang cũng đã gắn kết với doanh nghiệp tiêu thụ được 156 tấn xoài; trong đó có 14,4 tấn xoài được xuất đi các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, có nhiều doanh liên kết tiêu thụ rất tốt với nông dân. Các cơ sở, nhà yến trên địa bàn tỉnh hiện đang thực hiện đăng ký sản xuất yến sào theo chuỗi nhằm mục đích tăng cường quản lý và xây dựng chuỗi liên kết cho ngành yến sào phục vụ xuất khẩu…

Tuy nhiên, hầu hết các hợp tác xã và nông dân chỉ mới bước đầu gắn kết với các doanh nghiệp, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc, phần nhỏ tiêu thụ nội địa trong tỉnh và ngoài tỉnh. Nên nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất với nông dân và hợp tác xã nông nghiệp; một số doanh nghiệp có đăng ký nhưng thực tế triển khai luôn thấp hơn diện tích đăng ký ban đầu, gây nhiều khó khăn trong vận động nông dân của các cơ quan quản lý nhà nước, đoàn thể ở địa phương.

Bên cạnh đó, các thông tin về thị trường, giá nông sản thông qua các kênh chính thống còn hạn chế. Dẫn đến một số chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ không thực hiện hợp đồng thu mua do không thể thương lượng được giá. Nông sản được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng chưa có sự khác biệt lớn về giá thu mua nên khó khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị.

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, năm 2020, An Giang thực hiện liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên diện tích 80.000 ha với khoảng 30 doanh nghiệp. Vụ Đông Xuân 2019-2020 thực hiện liên kết tiêu thụ trên diện tích 35.000 ha; vụ Hè Thu 2020 liên kết 20.000 ha và vụ Thu Đông 2020 liên kết 25.000 ha. An Giang cũng phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến thủy sản và trái cây duy trì sản lượng thu mua thông qua hợp đồng ổn định khoảng 200 tấn xoài và 20% diện tích nuôi cá tra thương phẩm.

“Để thực hiện liên kết đạt hiệu quả, tỉnh tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tác nhân tham gia chuỗi là khâu đầu tiên và quyết định sự thành công, bền vững của chuỗi liên kết; trong đó, tập trung tuyên truyền về lợi ích của việc liên kết, hợp tác xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đến các bên tham gia liên kết như: nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp...; nhất là nguyên tắc “3 cùng” cùng tin, cùng làm, cùng chia sẻ; để các chuỗi liên kết giá trị hài hòa về lợi ích giữa các bên tham gia, từ đó mối liên kết này mới mang tính bền vững và có hiệu quả lâu dài”, ông Lâm cho biết.

Tỉnh An Giang cũng nghiên cứu đề xuất các chính sách, cơ chế phù hợp tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia chuỗi giá trị có hiệu quả và bền vững hơn; bổ sung các đối tượng cây trồng, vật nuôi có thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ và danh mục hỗ trợ để khuyến khích phát triển.

An Giang cũng tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản để phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng từ lúa gạo, cá tra, rau màu, xoài và cây ăn trái khác, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường, cải thiện khả năng liên kết và tiêu thụ nông sản của các tác nhân trong chuỗi.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, An Giang luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các chuỗi liên kết nông nghiệp; kịp thời hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát địa bàn xây dựng dự án và các hỗ trợ liên quan khác như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận Ngân hàng Nhà nước tư vấn về gói vay tín dụng ưu đãi thực hiện dự án.

“Tỉnh cũng sẽ thường xuyên trao đổi thông tin với các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn và vướng mắc trong quá trình thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị; xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện chuỗi liên kết; thúc đẩy các mối liên kết ngang trong chuỗi giá trị giữa nông dân và nông dân để hình thành các hợp tác xã...”, ông Thư cho biết.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, tỉnh cũng tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp gắn với việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại địa phương và trở thành hợp tác xã điển hình trong việc gắn kết với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản. Tỉnh ưu tiên hỗ trợ thành lập mới 50 hợp tác xã nông nghiệp gắn với tiêu thụ nông sản, phù hợp với điều kiện của địa phương và nhu cầu của doanh nghiệp....

Để liên kết sản phẩm nông nghiệp với doanh nghiệp đi vào chiều sâu, tỉnh An Giang cũng sẽ tập trung xây dựng và nâng cao vai trò của hợp tác xã nông nghiệp, các tổ hợp tác trong xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; tập trung đa dạng các hình thức liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.

An Giang cũng nghiên cứu, áp dụng vào thực tế, các mô hình như: Mô hình nông dân, tổ chức nông dân sản xuất gia công cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cho sản phẩm cá tra; mô hình giữa doanh nghiệp thu mua và các tổ chức nông dân ký kết hợp đồng kinh tế vào đầu vụ sản xuất theo một giá cố định trên một phần sản lượng cho sản phẩm lúa gạo và cây ăn trái…. Với các mô hình liên kết này, An Giang kỳ vọng sẽ góp phần giảm rủi ro cho cả nông dân và doanh nghiệp, trong khi vẫn đảm bảo được lợi nhuận hợp lý cho cả hai bên.

An Giang cũng hỗ trợ thực hiện các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các mô hình làm tăng giá trị thu nhập trên diện tích sản xuất và thử nghiệm áp dụng các quy trình công nghệ theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả. Đặc biệt, tỉnh cũng hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, công nghệ cao, giảm công lao động, tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng nhất đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường, góp phần thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản bền vững…/.

Bạn nghĩ sao?