Tại phiên họp sáng 12/4, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất sớm trình phương án và thời điểm tăng để Chính phủ quyết định. Nếu được thông qua, lương tối thiểu vùng I sẽ là 4,68 triệu đồng; vùng II lên 4,16 triệu; vùng III đạt 3,64 triệu và vùng IV là 3,25 triệu đồng.
Tiền lương tối thiểu giữ nguyên từ ngày 1/1/2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), bày tỏ lo lắng khi thời điểm tăng lương kéo dài từ 1/7/2022 đến hết 31/12/2023.
Ông Phòng ví cộng đồng doanh nghiệp sau mấy đợt dịch Covid-19 như "người mới ốm dậy", việc tăng lương từ giữa năm nay khiến doanh nghiệp phải điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh, chỉ số, đơn hàng... Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại kỳ vọng mức tăng 7-8% (dao động 215.000-354.000 đồng) vì mức này mới phù hợp sau hai năm chưa điều chỉnh và bù đắp phần nào trượt giá. Đại diện công đoàn chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, song người lao động cũng đã đến ngưỡng chịu đựng khi vật giá leo thang, giảm thu nhập do ảnh hưởng của đại dịch.
"Hình ảnh người lao động xếp hàng từ mờ sáng chờ rút bảo hiểm xã hội một lần những ngày qua rất đáng suy nghĩ để các bên thảo luận về mức lương tối thiểu vùng hợp lý", đại diện công đoàn chia sẻ.
Lý giải đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 thay vì tháng 1/2023 theo như kiến nghị VCCI, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng tăng sớm sẽ tránh dồn nhiều năm mới tăng tạo ra cú sốc cho doanh nghiệp. GDP quý I/2022 đã tăng 5,03%. Các chỉ số cho thấy khả năng phục hồi của doanh nghiệp ngày càng lớn.
Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động. Mức này áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật Lao động; làm việc trong doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động.
Năm 2021, khảo sát của Viện Công nhân Công đoàn cho kết quả 21% người lao động phải ăn nhiều mì tôm hơn; 48% lao động phải giảm lượng thịt hàng ngày; 22% chuyển từ mua sắm mỗi ngày sang dùng thực phẩm do người thân cung cấp; 15% chọn việc ăn gộp bữa, giảm bữa; 60% tiết kiệm các khoản chi; 11% phải vay mượn tiền của người thân; 0,3% lao động vay lãi suất cao, tín dụng đen hoặc bán sổ bảo hiểm xã hội./.
Theo Tầm nhìn
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Thủ tướng chỉ đạo các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp
- Giá xăng được điều chỉnh giảm hơn 900 đồng/lít
- Sắp ra mắt Cổng thông tin cơ sở dữ liệu thương mại Việt Nam
- Thêm 600 người Việt Nam sơ tán khỏi vùng chiến sự Ukraine về nước
- Thủ tướng: Xây dựng Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước
- Thủ tướng dâng hương tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, thăm Lữ đoàn Tàu ngầm và Vùng 4 Hải quân