Hoàng Anh - 09:33 - 18/12/2020
 
Nhằm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu NSNN được giao trong năm 2020, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường, triển khai hiệu quả công tác thu NSNN những tháng cuối năm.
1

Hải quan tăng cường triển khai thu NSNN những tháng cuối năm 

Tổng cục Hải quan vừa ban hành văn bản chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp thu ngân sách những tháng cuối năm 2020 theo Chỉ thị 05/CT-BTC của Bộ Tài chính.

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, năm 2020, toàn ngành thực hiện chỉ tiêu thu ngân sách 338.000 tỷ đồng trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trên thế giới cũng như trong nước có nhiều diễn biển phức tạp.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thiên tai, dịch bệnh... xảy ra trên diện rộng, đặc biệt là dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp và mưa lũ bão lụt liên tiếp xảy ra ở các tỉnh miền Trung đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước.

Tính đến cuối tháng 10/2020, số thu của toàn ngành mới đạt 247.219 tỷ đồng, bằng 73,1% dự toán, bằng 69,7% chỉ tiêu phấn đấu, so với cùng kỳ giảm hơn 13%.

Nhằm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu NSNN được giao trong năm 2020, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục trưởng cục hải quan tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã giao.

Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, các đơn vị hải quan tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, công khai, thuận tiện và tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá, phương tiện vận tải; giảm chi phí, thời gian của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hải quan.

2

 Cuối tháng 10/2020, số thu của toàn ngành mới đạt 247.219 tỷ đồng, giảm hơn 13% so với cùng kỳ

Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp thực hiện các chính sách mới ban hành như: Nghị định 57/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP; Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế; Nghị định 111/2000/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu giai đoạn 2020 - 2020, đồng thời theo dõi xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chế độ, chính sách nêu trên hoặc báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý.

Đánh giá ảnh hưởng của dịch COVID-19, thiên tai, lũ lụt... đối với tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn để tìm ra giải pháp phù hợp phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu NSNN và kịp thời phản ánh, báo cáo về Tổng cục Hải quan.

Rà soát, thực hiện kiểm tra tên hàng, mã số, mức thuế tại khâu thông quan, khâu sau thông quan để phát hiện và xử lý các trường hợp khai sai mã số, khai ngụy trang tên hàng hoặc khai tên hàng không rõ ràng, đầy đủ để được áp dụng mức thuế suất thấp hoặc được hưởng các mức thuế ưu đãi đặc biệt, trong đó tập trung kiểm tra những mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu rủi ro về phân loại và áp dụng mức thuế.

Thực hiện kiểm tra trị giá đối với những mặt hàng và doanh nghiệp có khả năng rủi ro cao về trị giá tránh trường hợp bỏ sót, bỏ lọt các lô hàng có mức giá khai báo thấp, bất hợp lý nhưng không được tham vấn hoặc xử lý kịp thời trong đó tập trung chỉ đạo theo chuyên đề đối với những nhóm hàng, mặt hàng xuất khẩu có thuế suất cao.

Đẩy mạnh chống thất thu qua công tác kiểm tra sau thông quan, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, trong đó tập trung kiểm tra chống gian lận về số lượng, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là các mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, các lô hàng vận chuyển độc lập, hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh và hàng hóa đưa về bảo quản chờ thông quan.

Kiểm soát chặt chẽ công tác miễn, giảm, hoàn thuế, đảm bảo việc miễn, giảm, hoàn thuế đúng đối tượng, đúng chính sách pháp luật của nhà nước, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, quy chế, quy trình quản lý thuế.

Đối với công tác thu hồi nợ thuế, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành rà soát, phân loại chính xác các nhóm nợ theo hướng dẫn tại quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa XNK tại Quyết định số 1503/QĐ-TCHQ (ngày 18/5/2018) và xử lý theo hướng: Đối với nhóm nợ khó thu, các DN có đủ điều kiện, hồ sơ xóa nợ theo Nghị quyết 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thì thực hiện thủ tục khoanh nợ, xóa nợ theo quy định ngay trong năm 2020.

Bạn nghĩ sao?