Nguyên Hùng -
 
Tại Hội nghị “Đối thoại với DN về chính sách thuế và hải quan” vừa diễn ra, lãnh đạo Bộ Tài chính đã đối thoại, giải đáp khúc mắc và khẳng định sẽ tiếp thu các góp ý xây dựng của cộng đồng doanh nghiệp (DN) để tiếp tục xây dựng chính sách và thủ tục hành chính của Việt Nam ngày càng minh bạch.

Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, Việt Nam đã cải cách đáng kể khung pháp lý điều chỉnh nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại. Những cải cách này đặc biệt hiệu quả trong việc nâng cao năng lực quản trị kinh tế của các cán bộ chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu của khu vực tư nhân và cải thiện môi trường kinh doanh kiến tạo ở Việt Nam để doanh nghiệp và nền kinh tế có thể cùng phát triển.

1

 

Để hỗ trợ DN, người dân ứng phó với tác động của dịch bệnh COVID-19, căn cứ các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân.

Bên cạnh đó, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tài trợ cho Dự án Tạo thuận lợi thương mại trong 5 năm với ngân sách 21,7 triệu USD để cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành nhằm giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới thông qua đơn giản hóa, hiện đại hóa và hài hòa hóa các quy trình hải quan. Dự án này cũng  giúp cắt giảm thủ tục xuất nhập khẩu, giảm bớt thời gian thông quan và tạo thuận lợi thương mại quốc tế cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, đồng thời bảo đảm năng lực quản lý và thực thi của cơ quan Hải quan.

Cụ thể, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, qua đó giảm nghĩa vụ thuế của cá nhân; giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020; giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020; giảm thuế nhập khẩu đối với một số nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và thúc đẩy phát triển các ngành nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô…

Theo thống kê, tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành đến nay là khoảng 99,3 nghìn tỷ đồng, ước thực hiện cả năm 2020 là khoảng 110 nghìn tỷ đồng (trong đó số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 80 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm khoảng 30 nghìn tỷ đồng).

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, đã phối hợp cùng các bộ, ngành, cơ quan thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, đến nay đã hỗ trợ cho 12,79 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh với số tiền là 12,69 nghìn tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, đặt trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng lớn, trong khi đó ngân sách nhà nước vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội…thì việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ nêu trên càng thể hiện sự quyết tâm luôn đồng hành, hỗ trợ DN.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2020 nhưng các kết quả thu ngân sách nhà nước của cả giai đoạn vẫn cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, kết quả trên có đóng góp không nhỏ của cộng đồng DN đã nỗ lực cùng quyết tâm cao để hưởng ứng, thực hiện các giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế xã hội của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Hải quan đã đối thoại thẳng thắn với các DN về nhiều nội dung. Trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bênh COVID-19, cộng dồng DN quan tâm nhiều đến vấn đề hoàn thuế.

Nhìn chung các DN băn khoăn về các quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng, hay lo ngại vì cách thức tuân thủ pháp luật, không bị phạt do chậm nộp…

Đại diện các cơ quan quản lý cũng đã giải đáp các vấn đề kỹ thuật DN cần rõ để bảo đảm quyền lợi khi hoàn thuế, nhưng cũng phải tạo điều kiện kiểm soát để chống gian lận, tuân thủ pháp luật.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Vũ Thị Mai chia sẻ, thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia các năm qua và giai đoạn 2016-2020, đặc biệt năm 2020, Chính phủ luôn ưu tiên chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục về thuế, hải quan để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho các DN, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế với Nhà nước. Bộ Tài chính đã và đang triển khai trên nhiều mặt công tác, tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá tạo thuận lợi cho DN. 

Cụ thể, trong lĩnh vực thuế, với mục tiêu cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ Tài chính đã tiếp tục đẩy mạnh triển khai các ứng dụng quản lý thuế hiện đại, tạo thuận lợi cho người nộp thuế: Đã cung cấp 194 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và 63 cục thuế. Trong đó, đã tích hợp 150 thủ tục hành chính qua Cổng Dịch vụ công quốc gia... 

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thành triển khai 202 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành trên Cơ chế một cửa quốc gia kết nối với 3,2 triệu hồ sơ của hơn 40 nghìn DN. Đồng thời, đã cung cấp gần 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; đã kết nối với 9 nước ASEAN để trao đổi C/O mẫu D điện tử; thực hiện hải quan điện tử với sự tham gia của hơn 99,65% DN tại 100% đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc, qua đó rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho DN; tăng cường triển khai đề án nộp thuế điện tử với số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đạt tỷ lệ trên 98,6% tổng số thu ngân sách của cơ quan hải quan.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định, các chính sách và thủ tục hành chính về thuế và hải quan đòi hỏi phải liên tục được hoàn thiện, cập nhật kịp thời cho phù hợp với yêu cầu thực tế.

Vì trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN lại rất sôi động, đa dạng, trong thực tiễn, không tránh khỏi có các khó khăn, vướng mắc cần khẩn trương tháo gỡ.

“Bộ Tài chính hy vọng tiếp tục nhận được nhiều sự đóng góp thẳng thắn, xây dựng của cộng đồng DN về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan của Việt Nam, nhằm tiếp tục cải cách, hoàn thiện theo hướng ngày càng minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế, cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh.

                                                       

Bạn nghĩ sao?