Hải Hà - 14:33 - 02/03/2021
 
Năm 2021, ngành giao thông đã công bố loạt dự án lớn sẽ được khởi công.

 Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ

cao toc my thuan can tho

 

Dự án xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ là đại công trình đầu tiên được khởi công trong năm 2021, mở màn cho một năm sôi động trên các công trường của ngành GTVT.

Lễ động thổ dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ tại thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long diễn ra vào ngày 4/1/2021 đã được Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long thực hiện.

Công trình dài gần 23 km, trong đó hơn 10 km đi qua Đồng Tháp, còn lại là trên địa bàn Vĩnh Long. Điểm đầu của dự án nằm tại phường Tân Hòa, TP Vĩnh Long. Điểm cuối tại nút giao cầu Chà Và, kết nối quốc lộ 1, thuộc xã Thuận An, thị xã Bình Minh.

 Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1 có tổng chiều dài tuyến khoảng 22,97 km (địa phận tỉnh Vĩnh Long dài 12,52 km, tỉnh Đồng Tháp dài 10,45 km); điểm đầu tại Km107+363,08 kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 thuộc địa phận thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long; điểm cuối tại Km130+337 (nút giao Chà Và, kết nối với Quốc lộ 1 hiện hữu) thuộc địa phận thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100km/h; mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe; mặt cắt ngang giai đoạn 1, phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường rộng17 m, vận tốc thiết kế 80km/h.

Dự án có tổng mức đầu tư 44.827,32 tỷ đồng, do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Tổng công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý Hạ tầng Giao thông Cửu Long được Bộ Giao thông Vận tải giao quản lý dự án. Trong đó vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 932 tỷ đồng, vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 3.895,32 tỷ đồng.

Phát biểu phát lệnh khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tuyến đường cao tốc TP HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ có ý nghĩa quan trọng, phải hoàn thành vào năm 2022 như cam kết.

Khởi công tiếp 5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

Đến thời điểm này, trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, Bộ GTVT đã triển khai thi công 6 đoạn tuyến sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước gồm: Cam Lộ - La Sơn, Cao Bồ - Mai Sơn, cầu Mỹ Thuận 2, Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Còn lại 5 dự án thành phần đoạn QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo đang được các ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT gấp rút hoàn thiện các quy trình, thủ tục để triển khai xây dựng.

Đáng chú ý, trong 5 dự án trên, ngoài 3 dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đã lựa chọn được nhà đầu tư (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo), hai dự án Nghi Sơn - Diễn Châu và QL45 - Nghi Sơn vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công.

Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn trong mối liên kết với các đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Cao Bằng) trong tương lai

Đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn trong mối liên kết với các đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Cao Bằng) trong tương lai

Cuối tháng 12/2020, UBND tỉnh Cao Bằng đã tuyển chọn thiết kế cho tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh với kỳ vọng là tuyến đường đẹp nhất cả nước, xuyên qua những dãy núi miền đông bắc Tổ quốc. Dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư để có thể khởi công cuối năm 2021.

Theo quyết định được Thủ tướng phê duyệt, cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) đến Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) dài 115 km, tổng vốn 20.939 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức PPP.

Tuyến đường có 52 km thuộc Lạng Sơn và 63 km thuộc Cao Bằng. Điểm đầu tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu Cốc Nam; kết nối vào đoạn nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn. Điểm cuối tại nút giao đường vào khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh và quốc lộ 34, thuộc khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh tỉnh Cao Bằng.

Tuyến đường có quy mô tương tự dự án cao tốc Bắc - Nam, gồm 4 làn xe cơ giới, nền đường rộng 17 m, tốc độ 80 km/h, đoạn địa hình khó khăn cho phép thiết kế 60 km/h. Theo tính toán hiện nay, quãng đường từ Hà Nội đến Cao Bằng dài 280 km, ôtô đi mất 5-6 giờ. Sau khi các tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh hoàn thành, nhà chức trách ước tính thời gian từ Hà Nội đến Cao Băng sẽ rút xuống còn 2-2,5 giờ.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

SAN BAY LONG THANH anh tu

 

Cảng hàng không quốc tế Long Thành chính thức được khởi công vào ngày 5/1/2021. Bộ GTVT và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV cũng chính thức khởi công gói thầu rà phá bom mìn -  hạng mục đầu tiên của Dự án đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, trước khi tiến hành triển khai các hạng mục quan trọng khác của đại sân bay này trong năm 2021.

Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có 1 đường cất hạ cánh có chiều dài đạt tiêu chuẩn quốc tế mới nhất 4.000m, chiều rộng 75m và hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo cho các loại tàu bay hoạt động; 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm với tổng diện tích sàn 373.000m2; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Tổng mức đầu tư dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là 109.111,7 tỷ đồng (tương đương 4.664,89 triệu USD). Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2020 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.

CHK quốc tế Long Thành khi hoàn thành sẽ đóng vai trò cảng trung chuyển hàng không trong nước và quốc tế. Tại đây sẽ là khu trung tâm dịch vụ hàng không trên quốc tế với nhiều dịch vụ như cung ứng xăng dầu, bảo trì, nâng cấp, sửa chữa máy bay... cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế. Theo nghiên cứu của Hãng tư vấn Hansen Partnership (Australia) thì sân bay Long Thành sẽ đóng góp được 3 - 5% GDP cả nước.

Cơ cấu phục vụ hành khách của sân bay Long Thành dự kiến gồm 80% là khách quốc tế (bao gồm cả khách quá cảnh) và 20% khách quốc nội. Còn sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chủ yếu phục vụ các chuyến bay quốc nội.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, việc hoàn thành thông toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau; xây dựng xong sân bay Long Thành giai đoạn 1; nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh sẽ là những công trình nhận được sự ưu tiên lớn của ngành GTVT trong 5 năm tới đây.

Bạn nghĩ sao?