Hoài Thu - 19:58 - 14/05/2020
 
Ngày 14/5, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tọa đàm - Đối thoại với chủ đề “Hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp sau đại dịch COVID-19”.
vov_ho_tro_phu_nu_kpof

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ vốn vay khởi sự kinh doanh- khởi nghiệp cho phụ nữ 

Buổi đối thoại có sự tham gia của đại diện Sở Công thương, Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đắk Lắk, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và khoảng 20 doanh nghiệp do nữ làm chủ, nhằm chia sẻ, thảo luận, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nữ để phục hồi sản xuất kinh doanh sau thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 3.000 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ quản lý. Các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, kinh doanh thực phẩm, nông sản... là những ngành bị ảnh hưởng khá lớn do đại dịch COVID-19.

Các đại biểu đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp nữ gặp phải khi đại dịch COVID-19 xảy ra trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng; đồng thời ghi nhận sự vươn lên của hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh trong việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn sau đại dịch. Nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh được đưa ra như: tháo gỡ khó khăn về đầu ra sản phẩm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nữ tiếp cận các nguồn vốn khởi nghiệp, giãn thuế…

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm sạch Núi Xanh Hoàng Thị Thúy cho biết, hoạt động chính của công ty là cung cấp thực phẩm sạch cho các nhà hàng, khách sạn và trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, các đầu mối nhập hàng của công ty đều ngưng hoạt động khiến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh bị đóng băng hoàn toàn. Theo chị Hoàng Thị Thúy, để các doanh nghiệp khắc phục được khó khăn, sớm phục hồi sau đại dịch, hội phụ nữ cần vào cuộc mạnh mẽ, năng động hơn trong việc hỗ trợ giải quyết các thủ tục, chính sách, đặc biệt là phát huy hiệu quả vai trò trung gian của tổ chức hội phụ nữ trong việc giúp doanh nghiệp nữ thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ.

Về nội dung hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ông Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đắk Lắk cho biết, thống kê đến cuối tháng 4/2020, ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã rà soát và xử lý khoảng 7.500 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 bằng các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm hoặc miễn lãi nguyên nhóm nợ và cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với thời gian trước khi có dịch COVID-19. Con số 7.500 tỷ đồng chiếm khoảng 7,5% dư nợ cho vay toàn tỉnh và việc thực hiện việc miễn, giảm lãi suất phụ thuộc vào tình hình tài chính của mỗi ngân hàng. Ông Nguyễn Kim Cương đề nghị, các doanh nghiệp hợp tác với các ngân hàng trong việc làm thủ tục, giúp ngân hàng thực hiện hỗ trợ việc giảm lãi suất để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho biết, thời gian tới, các cấp hội phụ nữ tiếp tục đẩy mạnh kết nối với các tổ chức thương mại, tổ chức tín dụng và các ngân hàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nữ tiếp cận được nguồn vốn một cách nhanh nhất, nhiều nhất. Bên cạnh đó là tăng cường quảng bá sản phẩm của hội viên phụ nữ trên nhiều kênh, đưa sản phẩm kinh doanh của hội viên phụ nữ lên sàn giao dịch thương mại của Trung ương Hội, ra mắt điểm tiêu thụ kết nối sản phẩm chất lượng cao của hội viên phụ nữ,…

Dịp này, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk dành nguồn vốn 1,71 tỷ đồng hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, khắc phục khó khăn sau đại dịch, tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh./.

Bạn nghĩ sao?