Uyên Hương - 08:56 - 07/05/2020
 
Theo Báo cáo thường niên năm 2019 của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2019, Cục đã tiến hành 6 cuộc thanh tra và 4 cuộc kiểm tra doanh nghiệp về việc chấp hành pháp luật bảo vệ người tiêu dùng.
ttxvn20200506-_vietcombank

Khách hàng giao dịch tại hội sở chính Vietcombank, 198 Trần Quang Khải, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN) 

Theo đó, Cục đã xử phạt 3 doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng với số tiền 195 triệu đồng.

Đáng lưu ý, có 4 ngân hàng và 2 công ty tài chính nằm trong diện thanh tra, kiểm tra gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB), Ngân hàng Standard Charter Bank, Công ty Tài chính TNHH HD Saison, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Công ty TNHH MTV Tài chính Toyota Việt Nam.

Ngoài ra, 4 doanh nghiệp bị thanh tra về việc chấp hành pháp luật bảo vệ người tiêu dùng là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); Công ty Cổ phần Hàng không VietJet; Công ty TNHH MTV Tài chính Toyota Việt Nam và Công ty Venesa.

Đặc biệt, tại 14 ngành hàng, lĩnh vực kinh doanh thường xảy ra tranh chấp tiêu dùng thì dịch vụ tín dụng tiêu dùng thuộc ngành hàng tài chính, bảo hiểm, ngân hàng vẫn là lĩnh vực bị người tiêu dùng phản ánh, khiếu nại thông qua tổng đài nhiều nhất, chiếm tới 21,8% trong tổng số các cuộc gọi được ghi nhận, tư vấn.

Cũng theo Báo cáo thường niên năm 2019 của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, năm 2019, Cục đã tiếp nhận và giải quyết 568 đơn khiếu nại của người tiêu dùng. Một số vụ việc có phạm vi ảnh hưởng tới số đông người tiêu dùng hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật như thu nợ nhầm kèm đe dọa, quấy rối. Người tiêu dùng khiếu nại về việc không đi vay nợ nhưng liên tục bị gọi điện thoại, nhắn tin để quấy rối, đe dọa, ép buộc trả nợ, mặc dù người tiêu dùng đã nhiều lần thông báo về việc không liên quan đến khoản nợ của doanh nghiệp.

Một số vụ việc, đối tượng sử dụng hình ảnh, thông tin liên hệ của người tiêu dùng, của người thân của người tiêu dùng để đăng tải công khai trên các mạng xã hội với nội dung xuyên tạc, bịa đặt nhằm gây áp lực trả nợ cho người tiêu dùng.

Người tiêu dùng bị đe dọa, gây áp lực về tâm lý và ảnh hưởng đến uy tín do các hoạt động quấy rối, đe dọa của các công ty liên quan, đồng thời, gặp nhiều khó khăn trong việc yêu cầu công ty liên quan dừng việc thu nợ nhầm.

Đại diện Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho biết, Cục đã phối hợp và yêu cầu các công ty liên quan giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, đồng thời, đăng tải nhiều thông tin lưu ý, cảnh báo cho người tiêu dùng trên website của Cục và gửi thông tin để cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước tổng hợp và xử lý./.

Bạn nghĩ sao?