Triệu Hồ - 08:27 - 12/03/2021
 
Thông tin từ Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết, ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM Bank) vừa có thư chính thức gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố và Ban quản lý đường sắt đô thị, đề nghị cho phép tiếp cận nghiên cứu đầu tư dự án tuyến Metro số 5 – giai đoạn 2 (Ngã tư Bảy Hiền – Bến xe Cần Giuộc mới) theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Theo nội dung thư của Ông Soun-young Chung, Tổng Giám đốc Bộ phận Hợp tác Kinh doanh Toàn cầu của Ngân Hàng KEXIM thì Ngân hàng sẽ sớm cấp vốn cho việc cập nhật nghiên cứu tiền khả thi, chuyển đổi từ hình thức đầu tư ODA sang mô hình đối tác công-tư (PPP). Việc nghiên cứu được triển khai cụ thể trên 3 khía cạnh: kỹ thuật, tài chính và pháp lý để đảm bảo tính khả thi của dự án. Các thành viên của nhóm nghiên cứu cũng như các nhà đầu tư tham gia đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư xây dựng và vận hành các tuyến đường sắt đô thị, trong đó có tuyến metro số 9 của Seoul, được thực hiện theo mô hình PPP.

Trước đó, ngày 19/1/2021, Ban Quản lý Đường sắt đô thị đã có buổi làm việc với nhóm các Nhà đầu tư và các Công ty tư vấn đến từ Hàn Quốc để trao đổi về công tác nghiên cứu cũng như định hướng các công việc liên quan. Tại buổi làm việc, phía Hàn Quốc, gồm Ngân hàng Kexim, Tập đoàn Lotte, Tập đoàn Hyundai, Công ty PWC Samil - Tư vấn tài chính, Dohwa Engineering - Tư vấn kỹ thuật, và Sejong và Shearman & Sterling - Tư vấn pháp lý… đã trình bày kế hoạch cập nhật Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và dự kiến sẽ trình nộp báo cáo cuối cùng vào cuối năm 2021.

Dự án tuyến Metro số 5 – giai đoạn 2 trước đây cũng đã được Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ nghiên cứu tiền khả thi. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan nên hình thức đầu tư vay vốn ODA không thể thực hiện được và đang được thay thế lựa chọn bằng hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP). Hiện nay, KOICA cũng đang tài trợ một dự án Hỗ trợ kỹ thuật cho Ban nghiên cứu quy hoạch đô thị theo định hướng phát triển GTCC (TOD) cho đoạn tuyến này.

anh 1 bai tong hop metro

Sơ đồ duỗi thẳng tuyến metro số 5 - giai đoạn 2 (Ảnh Maur)

Tuyến metro số 5 của TP.HCM có tổng chiều dài 23,39 km, hướng tuyến: Bến xe Cần Giuộc mới – Quốc lộ 50 – Tùng Thiện Vương – Phù Đổng Thiên Vương – Lý Thường Kiệt – Hoàng Văn Thụ – Phan Đăng Lưu – Bạch Đằng – Điện Biên Phủ – cầu Sài Gòn.

Theo quy hoạch, dự án tuyến metro số 5 được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (Ngã tư Bảy Hiền – Cầu Sài Gòn) có tổng chiều dài khoảng 8,89 km (7,46 km ngầm và 1,43 km trên cao); Giai đoạn 2 (Ngã 4 Bảy Hiền – Bến xe Cần Giuộc mới) và depot Đa Phước, tổng chiều dài khoảng 14,5 km (8,9 km đi ngầm và 5,6 km đi trên cao). Kết nối với tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), sẽ tạo thành một hệ thống vận chuyển hành khách trên các tuyến đường có mật độ giao thông cao nhất thành phố Hồ Chí Minh và kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất.

Cuối tháng 4/2020, UBND TP đã có công văn chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng tuyến metro số 5 - giai đoạn 1 từ ngã tư Bảy Hiền đến cầu Sài Gòn. Hồ sơ được xây dựng trên cơ sở tiếp thu và giải trình các ý kiến thẩm định của Hội đồng Thẩm định Nhà nước đối với Dự án làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong năm 2020 và sau đó sẽ trình Quốc hội thông qua nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án. Cụ thể, giai đoạn một (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn), dài 8,9 km hiện được thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Công trình dự kiến tổng vốn khoảng 1,9 tỷ USD, từ nguồn ODA của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) và Chính phủ Tây Ban Nha.

anh 2 bài tong hop metro

Các tuyến metro tại TP HCM sẽ tạo thành một hệ thống vận chuyển hành khách trên các tuyến đường có mật độ giao thông cao nhất trong thành phố và kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất.

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) được thành lập năm 1976, là ngân hàng nhà nước cung cấp tín dụng xuất nhập khẩu và các chương trình bảo lãnh để hỗ trợ doanh nghiệp Hàn Quốc tiến hành kinh doanh tại nước ngoài. Tại Việt Nam, Ngân hàng KEXIM đã tham gia vào 03 dự án điện bao gồm: Dự án Nhiệt điện Thái Bình, Dự án Nhiệt điện Mông Dương, Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Theo nội dung Hiệp định khung về tín dung giai đoạn 2012 - 2015 của Chính phủ Hàn quốc dành cho Việt Nam, Hàn Quốc cam kết cung cấp cho Việt Nam tổng trị giá vay 1,2 tỷ USD nguồn vốn EDCF, thời hạn trả nợ 25 đến 40 năm, bao gồm 7 năm ân hạn tùy theo lĩnh vực tài trợ.

Trong giai đoạn vừa qua, EDCF được giám sát bởi Kexim đã tài trợ cho nhiều dự án giao thông của Việt Nam như dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 (thực hiện 1995-1999); dự án đường Hành lang ven biển phía Nam (SCCP); dự án Kết nối trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, các dự án về thoát nước xử lý nước thải, cung cấp điện mặt trời cho cộng đồng dân cư nghèo, cung cấp hạ tầng nông nghiệp có tưới… Nguồn vốn vay Hàn Quốc (EDCF) nói chung có điều kiện ưu đãi, phù hợp cho các dự án cơ sở hạ tầng, có thời hạn thu hồi vốn dài và khả năng hoàn vốn trực tiếp thấp. Các dự án trên sau khi hoàn thành đã và đang là động lực phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Một số dự án tiêu biểu do KEXIM đã thực hiện như: Dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi sông Lèn (tại tỉnh Thanh Hóa) và sông Hoàng Mai (tại tỉnh Nghệ An); Điện mặt trời (tỉnh Quảng Bình); Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang); Dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc Vành đai 3 - TP HCM ; Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang).

Tháng 6/1987, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng Chương trình Cho vay Song phương (EDCF). Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM Bank) chịu trách nhiệm quản lý và vận hành quỹ nhằm cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp cho các nước nghèo và kém phát triển hơn. Đây là chương trình viện trợ chính thức đầu tiên của Chính phủ Hàn Quốc nhằm mục đích hỗ trợ công nghiệp hoá và phát triển kinh tế ở các nước đang phát triển. Vào tháng 10/2008, Chính phủ Hàn Quốc chấp thuận cho Việt Nam vay vốn 100 triệu USD, khoản cho vay lớn nhất trong lịch sử của EDCF. Tập trung hỗ trợ cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế -  xã hội nhờ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là liên quan đến các nhu cầu thiết yếu của con người, như sức khoẻ, giáo dục và môi trường.

Bạn nghĩ sao?