Tuyết Mai -
 
Theo dự báo từ cơ quan chuyên môn, thị trường bất động sản TPHCM trong năm 2021 sẽ có bước phục hồi mạnh mẽ bởi một số điểm nóng, góp phần phát triển nguồn cung nhà ở tại TPHCM trong chu kỳ 5-10 năm tới.

 Hiệp hội bất động sản nhận định, riêng TP.HCM có cơ hội phục hồi và tăng trưởng nhanh, mạnh mẽ trong năm 2021 và cả trong trung hạn, dài hạn, với 4 động lực mới.

Trong báo cáo mới nhất, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) dự báo năm 2021, thị trường bất động sản cả nước và TP.HCM sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, ổn định và chưa có nguy cơ xảy ra tình trạng “đóng băng”, hoặc “bong bóng” bất động sản do sức mua và tổng cầu nhà ở có khả năng thanh toán vẫn cao.

Theo đó, HOREA đề cập tới 4 nhân tố tác động đến sự phục hồi, tăng trưởng của thị trường bất động sản.

Định hướng phát triển kinh tế xã hội 5 năm, 10 năm với tầm nhìn đến năm 2045 sẽ định hướng thị trường bất động sản phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định, bền vững

Với đường lối, chủ trương, quyết sách chiến lược sẽ được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ xác lập, định hướng phát triển kinh tế xã hội 5 năm, 10 năm tới, với tầm nhìn đến năm 2045 sẽ định hướng nền kinh tế và thị trường bất động sản phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định, bền vững.

HOREA cho rằng, năm 2021 là năm đầu nhiệm kỳ, cũng là năm đầu của kế hoạch 2021-2025, chắc chắn sẽ tạo được xung lực rất mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, trong đó có thị trường bất động sản.

Quốc hội đã thông qua nhiều dự án luật trong năm 2020, trong đó, Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), kết hợp sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, có tính đồng bộ, tính liên thông, tháo gỡ được nhiều vướng mắc.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 148 ngày 18/12/2020, có hiệu lực kể từ ngày 8/2/2021 “Sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai”, quy định nhiều cơ chế hợp lý tháo gỡ được các “vướng mắc” về xử lý “các thửa đất công nằm xen kẽ trong dự án đầu tư, dự án nhà ở”; hoặc cơ chế xử lý “các thửa đất công nhỏ, hẹp nằm xen kẽ trong khu đô thị hiện hữu”; hoặc quy định hợp lý về địa bàn được “tách thửa đất”…

Trong quý 1/2021, dự kiến Chính phủ sẽ ban hành các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020 và hoàn thiện cơ chế chính sách để đẩy mạnh công tác xây dựng lại các khu nhà chung cư cũ kết hợp với chỉnh trang khu vực đô thị; phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp; tháo gỡ các vướng mắc để vận hành trở lại các dự án đầu tư, dự án nhà ở có liên quan đến sử dụng quỹ đất do sắp xếp lại trụ sở cơ quan, di dời nhà xưởng ô nhiễm… sẽ tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Kế hoạch phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông liên vùng tiếp thêm nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội và thị trường bất động sản

Hiệp hội nhận định, riêng TP.HCM có cơ hội phục hồi và tăng trưởng nhanh, mạnh mẽ trong năm 2021 và cả trong trung hạn, dài hạn, với 4 động lực mới.

Theo HoREA, việc thành lập Thành phố Thủ Đức sẽ tạo điểm nóng, góp phần giúp thị trường bất động sản TPHCM phát triển

Theo HoREA, việc thành lập Thành phố Thủ Đức sẽ tạo điểm nóng, góp phần giúp thị trường bất động sản TPHCM phát triển

Đề án thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM, là đô thị sáng tạo có tính tương tác cao, là đô thị loại 1, có quy mô kinh tế bằng khoảng 7-8% GDP cả nước, chiếm đến 1/3 GRDP của thành phố, đi đôi với mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, xây dựng nền kinh tế số.

Một số công trình giao thông sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2021, đặc biệt là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, công trình chống ngập do triều cường và khởi công xây dựng dự án sân bay Long Thành và nhiều dự án kết nối giao thông liên vùng, đường vành đai sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội và thị trường bất động sản.

Đề án chuyển đổi 4 trên 5 huyện thành quận trong 10 năm tới. Bên cạnh đó, hoàn toàn có khả năng chuyển đổi huyện Cần Giờ trở thành “đô thị biển, đô thị sinh thái, đô thị môi trường” gắn liền với việc bảo vệ nghiêm ngặt Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn (Rừng Sác Cần Giờ) trong những năm sắp tới, trên cơ sở thực hiện các dự án cầu Cần Giờ (nối với huyện Nhà Bè); đường trên cao Rừng Sác; Khu đô thị lấn biển Cần Giờ 2.800 ha.

Chính phủ đã quyết định cho TP.HCM được chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở giai đoạn 2016-2020, mà thực tế đã chứng minh 1 ha đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị tạo ra giá trị gấp hơn 100 lần so với 1 ha đất nông nghiệp.

HOREA nhận định sức mua và tổng cầu nhà ở có khả năng thanh toán vẫn cao

HOREA nhận định sức mua và tổng cầu nhà ở có khả năng thanh toán vẫn cao

Sự phục hồi và tăng trưởng trở lại của nền kinh tế và thị trường bất động sản có sự phụ thuộc vào kết quả công tác kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới, cũng như diễn biến của tiến trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và mức độ xung đột lợi ích giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Theo kết quả điều tra dân số ngày 1/4/2019, TP.HCM có hơn 8,9 triệu dân (theo số liệu của Công an TP thì tổng dân số thành phố khoảng gần 13 triệu người, bao gồm khách vãng lai và người cư trú ngắn hạn), tốc độ tăng dân số cứ 5 năm tăng thêm 1 triệu người.

Theo kết quả khảo sát của Sở Xây dựng năm 2016, trên địa bàn thành phố có 1.675.810 căn nhà, trong đó nhà kiên cố chiếm 37,6%; nhà bán kiên cố chiếm đến 60,1%; nhà thiếu kiên cố chiếm 1,9%; nhà đơn sơ chiếm 0,4%; nhà ở có tuổi thọ lớn trên 30 năm chiếm tỷ lệ 29,2%; nhà ở trên 40 năm chiếm tỷ lệ 15,5%; nhà chung cư có 1.440 khối nhà, với 141.062 căn hộ, chiếm 8,4% trong tổng số nhà ở toàn thành phố.

Đáng quan tâm là có 474 nhà chung cư xây dựng trước năm 1975 với 573 block đã bị xuống cấp, hư hỏng, trong đó, có 15 chung cư trong tình trạng nguy hiểm, mất an toàn cho người sử dụng (cấp D) chiếm 3,2% và 115 chung cư hư hỏng nặng (cấp C) chiếm 24,3%.

Toàn thành phố vẫn có đến 188.815 hộ dân sống trong các ngôi nhà có diện tích chật hẹp dưới 6 m2/người…

HOREA cho rằng, tất cả các nhân tố trên đây sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phục hồi, tăng trưởng của thị trường bất động sản năm 2021 và các năm tiếp theo.

Ngoài ra, hiện nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách mang tính liên thông, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - nhận định, Nghị định 148/2020/NĐ-CP cùng với Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 (kết hợp với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Bảo vệ môi trường), đã quy định các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn và tháo gỡ được nhiều vướng mắc, ách tắc về quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng cho hàng ngàn dự án đầu tư nhà ở.

“Trong năm 2021, dự kiến Chính phủ sẽ ban hành các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020 và hoàn thiện cơ chế chính sách để đẩy mạnh công tác xây dựng lại các khu nhà chung cư cũ kết hợp với chỉnh trang khu vực đô thị, phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp… sẽ tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ trong năm 2021 và các năm tiếp theo”- ông Châu nói.

Ông Châu kỳ vọng, với rất nhiều lực đẩy như vậy, thị trường BĐS năm 2021 sẽ phục hồi mạnh mẽ và có rất nhiều cơ hội để cho phân khúc nhà ở giá thấp phát triển.

Trong báo cáo triển vọng thị trường bất động sản TPHCM 2020-2030, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) chỉ ra có ít nhất các điểm nóng mới sẽ dẫn dắt nguồn cung nhà ở tại TPHCM trong 10 năm tới.

Cụ thể, điểm nóng mới thứ nhất là TP.Thủ Đức, khi gộp lại 3 quận (quận 2, quận 9, Thủ Đức), TP.Thủ Đức là nơi có nhiều dự án khu đô thị nhất TPHCM. Trong vòng 5-10 năm tới, khu vực này sẽ có nhiều loại hình bất động sản hơn, cũng là điểm nóng thu hút đầu tư nước ngoài rất mạnh mẽ.

Ngoài ra, HoREA nhận định, tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa, sẽ tiếp thêm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế xã hội và thị trường bất động sản TPHCM phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, cả trong trung hạn và dài hạn, với những lực gia tốc mới.

Theo đó, điểm nóng tiếp theo là 4 huyện nằm trong đề án chuyển đổi thành quận trong 10 năm tới, gồm: Huyện Củ Chi có 43.000 ha, trong đó đất nông nghiệp 14.000 ha (chiếm 32% đất tự nhiên của huyện) nhưng dự báo đến năm 2025 chỉ còn 4% số hộ làm nông nghiệp. Huyện Hóc Môn, diện tích đất nông nghiệp chiếm 21% và dự báo năm 2025 số hộ nông nghiệp còn 0,6%, với 1.200 người làm nông nghiệp. Dự kiến, năm 2030 chỉ còn 619 người làm nông nghiệp.

Huyện Bình Chánh có 7.900 ha đất nông nghiệp, chiếm 31% diện tích tự nhiên huyện. Dự báo đến năm 2025 chỉ còn 0,4% số hộ làm nông nghiệp.

Tại huyện Nhà Bè, diện tích đất nông nghiệp được quy hoạch chỉ chiếm 3%. Dự báo năm 2025 chỉ còn hơn 100 hộ làm nông nghiệp, tức 0,1% số hộ trên địa bàn.

Bốn huyện vùng ven này được HoREA dự báo sẽ sớm được chuyển đổi lên quận trong 10 năm tới và nhanh chóng trở thành tâm điểm của thị trường nhà ở.

Ngoài ra, huyện Cần Giờ khi trở thành "đô thị biển, đô thị sinh thái, đô thị môi trường" gắn liền với việc bảo vệ nghiêm ngặt Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn (Rừng Sác Cần Giờ) trong những năm sắp tới sẽ là điểm nóng mà các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản quan tâm.

Bạn nghĩ sao?