Khải Phong - 08:17 - 12/02/2021
 
Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời, UPCoM: LTG) thành lập từ năm 1993, tiền thân là Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) là nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp với chuỗi giá trị bền vững từ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật, các sản phẩm hữu cơ sinh học; thực phẩm gồm gạo hạt, cà phê, nước tinh khiết, trái cây; dịch vụ nông nghiệp.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời, UPCoM: LTG). Tập đoàn Lộc Trời thành lập từ năm 1993, tiền thân là Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) là nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ dẫn đầu thị trường Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp với chuỗi giá trị bền vững từ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật, các sản phẩm hữu cơ sinh học; thực phẩm gồm gạo hạt, cà phê, nước tinh khiết, trái cây; dịch vụ nông nghiệp.

Là tập đoàn nông nghiệp có quy mô lớn nhất cả nước, Lộc Trời còn nổi tiếng bởi những gương mặt nổi bật trong hội đồng quản trị. Họ bao gồm ông Phillipp Roesler, cựu phó thủ tướng Đức, Chủ tịch Trần Thanh Hải của NutiFood và Chủ tịch Nguyễn Đức Tài của Thế giới Di động.

Nguy cơ lớn sau giai đoạn tăng mạnh

Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh, kết quả kinh doanh của Lộc Trời vài năm gần đây đang chững lại do vô số thách thức.

Lộc Trời chiếm trên 20% thị phần thuốc bảo vệ thực vật cả nước. Đây cũng là mảng chủ lực đóng góp trên 50% doanh thu và trên 80% lợi nhuận gộp. Mặc dù Lộc Trời vẫn duy trì được biên lợi nhuận gộp cao nhưng tốc độ tăng trưởng doanh thu ngày càng giảm. Thực trạng này diễn ra đà tăng trưởng chậm lại của thị trường nói chung khi xu hướng tiêu dùng ngày càng hướng đến các sản phẩm hữu cơ, sinh học, an toàn và thân thiện với môi trường.

Xu hướng thị trường càng khiến cạnh tranh trong nội bộ ngành trở nên gay gắt hơn. Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh giảm giá, chấp nhận thanh toán chậm, cho mua nợ để tăng cạnh tranh dẫn đến tình trạng chôn vốn, phải tăng vay nợ.

Đối với mảng kinh doanh giống cây trồng và lúa gạo, giá và nhu cầu thị trường thường xuyên biến động, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và giá các mặt hàng nông sản trên thị trường trong nước và thế giới, dễ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh khi tập đoàn thường xuyên duy trì lượng tồn kho lớn.

Riêng với mảng gạo, dù là doanh nghiệp tiên phong trong xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo khép kín, từ giống, canh tác, vật tư nông nghiệp đến tiêu thụ và định hướng phát triển gạo thương hiệu, đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc có giá bán cao, thành quả của Lộc Trời vẫn khiêm tốn.

Để ứng phó những thách thức, Lộc Trời xác nhận họ đã và đang đẩy mạnh tái cấu trúc kênh phân phối ở mảng vật tư nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển sản xuất gạo thương hiệu, áp dụng công nghệ, đổi mới quản trị, nâng hiệu suất làm việc.

Tập đoàn còn triển khai mảng kinh doanh dịch vụ nông nghiệp theo hướng cung cấp dịch vụ trọn gói theo yêu cầu nông dân. Chủ trương này sẽ tạo ra chuỗi giá trị sản xuất hiệu quả hơn so với mô hình tập trung vào sản phẩm, cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất như trước.

tap doan loc troi

 

Phát biểu trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm ngoái, ông Nguyễn Duy Thuận, tân Tổng giám đốc Lộc Trời giải thích rằng, thị trường thuốc bảo vệ thực vật bão hòa, nhiều năm không tăng trưởng nên tập đoàn quyết định rút khỏi thị trường bảo vệ thực vật bằng cách tham gia chuỗi cung ứng, đặt hàng theo nhu cầu của nông dân.

Khởi đầu gian nan với khoản lỗ trong quý I/2020

Kết quả kinh doanh của Lộc Trời trong 6 tháng đầu năm ngoái phản ánh rõ khó khăn mà tập đoàn phải đối mặt trong quá trình tái cơ cấu. Tập đoàn lỗ sau thuế 36,96 tỷ đồng trong quý 1.

Sang quý II/2020, doanh thu thuần đạt 1.467 tỷ đồng, giảm tới 48% so với cùng kỳ năm 2019 do khó khăn của thị trường chung, song lợi nhuận sau thuế đạt 152,7 tỷ đồng.

Các ngành nghề kinh doanh chính của Lộc Trời đều sa sút trong quý II. Doanh thu mảng thuốc bảo vệ thực vật mất hơn 53% do giá nông sản tụt dốc khiến nông dân hạ mức đầu tư; ảnh hưởng của xâm nhập mặn và hạn nên diện tích canh tác vụ hè thu giảm; dịch bệnh sâu hại giảm nên lượng tiêu thụ thuốc thấp hơn.

Ngành giống và lương thực cũng tăng trưởng âm do tập đoàn tập trung thu hồi nợ, sắp xếp lại hệ thống đại lý riêng; hoạt động xuất khẩu gặp khó trong giai đoạn đầu dịch COVID-19 và hệ thống bán hàng nội địa chưa hoàn chỉnh.

Mặc dù vậy, hiệu quả kinh doanh của Lộc Trời lại cải thiện khi biên lợi nhuận gộp tăng từ 22% lên 27%. Đồng thời, tập đoàn giảm đáng kể các chi phí quảng cáo tiếp thị, di chuyển, khuyến mại, vận chuyển, dự phòng công nợ nên lợi nhuận sau thuế chỉ giảm 20%, đạt 153 tỷ đồng.

Kết quả bất ngờ trong quý II và IV năm 2020

Báo cáo tài chính quý III/2020 của Lộc Trời có nhiều điểm thú vị với doanh thu thuần đạt hơn 1.772 tỉ đồng, giảm hơn 8,6% so với cùng kì năm ngoái.

Trong quý III/2020, giá vốn bán hàng giảm 12% xuống còn khoảng 1.400 tỉ đồng nên lợi nhuận gộp tăng gần 7%, đạt 372,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp đều giảm lần lượt là 23%, 7% và 13% đã góp phần đưa lợi nhuận sau thuế đạt 91,6 tỉ đồng, gấp 2,2 lần so với quí III/2019.

Theo giải trình của ban lãnh đạo, mặc dù doanh thu quí III giảm hơn 8,6% so với cùng kì nhưng nhờ chi phí giảm nên lợi nhuận sau thuế có mức tăng gần 120%, tương ứng gần 50 tỉ đồng so với quí III năm ngoái.

Báo cáo tài chính quý IV/2020 của Lộc Trời cho thấy doanh thu thuần đạt gần 3.533 tỷ đồng, tăng gần 77,5% so với cùng kỳ năm 2019, còn giá vốn bán hàng chỉ tăng gấp rưỡi lên lợi nhuận gộp của tập đoàn tăng 1,86 lần lên gần 711 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

loc troi

Giống dưa hấu xuất khẩu sang Nhật của Tập đoàn Lộc Trời

Dù các chi phí tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019 nhưng lợi nhuận sau thuế quý IV/2020 của Lộc Trời vẫn tăng 3,8 lần lên gần 164 tỷ đồng. Biên lợi nhuận tăng từ 19,2% lên 20,1%.

Cả năm 2020, doanh thu thuần của LTG đạt gần 7.506 tỷ đồng, giảm 9,7% so với năm ngoái. Doanh thu từ mảng thuốc bảo vệ thực vật vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất là 60,4%, đạt 4.536,2 tỷ đồng. Mảng lương thực chiếm 28,3% doanh thu thuần, đạt 2.216,7 tỷ đồng.

Mặc dù doanh thu giảm, lãi ròng cả năm của Lộc Trời đạt 368,8 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2019, nhờ một phần vào việc giảm các khoản như giá vốn bán hàng, chi phí tài chính, chi phí bán hàng.

Năm 2020, LTG đặt kế hoạch doanh thu 7.352 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 360 tỷ đồng. Với các con số đó, năm 2020 tập đoàn đã vượt 2% kế hoạch doanh thu và gần 2,5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của LTG là 6.921,6 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2019. Hàng tồn kho đạt hơn 2.500 tỷ đồng, chiếm hơn 36% tổng tài sản.

Lộc Trời vẫn còn phải giải quyết nhiều thách thức trên hành trình tái cơ cấu kinh doanh, song với mức tăng lãi ròng khoảng 10%, giới đầu tư nhận định họ đang đi đúng hướng. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng cổ phiếu LTG của Lộc Trời sẽ sớm trở thành “khủng long thức giấc” trên thị trường chứng khoán, mang tới cơ hội nhân đôi hoặc nhân ba tài khoản của họ trong năm 2021.

Bạn nghĩ sao?