Đức Anh - 09:01 - 19/12/2020
 
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư vừa kiến nghị 5 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có kiến nghị tiếp tục hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hợp lý để duy trì đà phục hồi và kích thích tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế Việt Nam trong tháng 11 năm 2020 tiếp tục duy trì đà phục hồi trong điều kiện bình thường mới.

Sản xuất kinh doanh, thương mại và tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng. Lạm phát được kiểm soát, xuất siêu kỷ lục, dự trữ ngoại hối cao. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam đang rất khả quan.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 lên mức 2,4%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Điều này một lần nữa thể hiện sự ghi nhận của các chuyên gia, tổ chức quốc tế vào thành tựu phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

dung

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiến nghị 5 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong thời gian tới, bối cảnh trong nước và quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia lớn là đối tác quan trọng của Việt Nam và sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến thương mại, du lịch và đầu tư. Trong nước, sản xuất công nghiệp tăng, nhưng chậm lại so với tháng trước; dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành phục hồi chậm; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao; thiên tai, bão lụt tác động lớn đến sản xuất và đời sống của người dân; đã xuất hiện ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng ở TPHCM.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng, các bộ, cơ quan Trung ương khẩn trương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền hoặc chủ động ban hành chính sách hỗ trợ, kích thích tổng cầu, tiêu dùng trong nước với trọng tâm hướng đến ngành du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải… để đạt được “mục tiêu kép”.

2

Hỗ trợ, kích thích tổng cầu, tiêu dùng trong nước 

Tiếp đến, việc thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phải được theo dõi chặt, sẵn sàng phương án để kịp thời nối lại hoạt động thương mại, đầu tư với quốc gia đã có vaccine. Đồng thời, việc hợp tác quốc tế, xây dựng lộ trình, cách thức phân phối vaccine cũng được đề nghị tăng cường. Trong đó, ưu tiên khu vực có nguy cơ cao và tập trung đông dân cư.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư còn đề nghị chủ động phòng chống dịch bệnh với gia súc, gia cầm. Cơ quan chuyên ngành phối hợp với chính quyền cơ sở xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Việc vận chuyển, phân phối con giống, vật nuôi và tư liệu sản xuất tới địa phương, khu vực chịu ảnh hưởng bão lũ được đề xuất gấp rút thực hiện, để tái sản xuất, đảm bảo đời sống của người dân và nguồn cung cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.

Tiếp nữa, việc đẩy mạnh đa dạng hóa xuất khẩu trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt thông tin kịp thời về các thị trường, sản phẩm còn dư địa khai thác trong bối cảnh đại dịch, khả năng đáp ứng các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA cũng được đề nghị thực hiện. Việc xây dựng kịch bản về chính sách thương mại trước sự thay đổi về chính trị của các quốc gia đối tác lớn cũng được đề xuất thực hiện.

Cuối cùng, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương được yêu cầu nghiêm túc quán triệt các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo Nghị quyết 84/2020. Các cơ quan cần thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ từng dự án để xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, các cơ quan cũng nên rà soát, đôn đốc chủ đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính để giải quyết nhanh hồ sơ thanh toán, giải ngân, không để tồn đọng, thanh toán vào cuối năm.

Bạn nghĩ sao?