Hà Đông -
 
Trong thời gian tới, TP Hà Nội cùng Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong xây dựng và triển khai các cơ chế chính sách về tài chính- ngân sách; kế hoạch tài chính - ngân sách trung hạn và hằng năm, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Vừa qua, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tài chính về công tác tài chính năm 2020; định hướng phối hợp công tác năm 2021 và giai đoạn tiếp theo. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Tài chính chủ trì hội nghị; cùng dự còn có đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ; các Phó Bí thư, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội.

Hội nghị còn có sự tham dự của các ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy và các sở ban ngành liên quan; các Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cùng dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các cục, vụ của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan.

1

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh báo cáo tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 ước thực hiện 279.359 tỷ đồng, đạt 100,2% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 3,5% so với thực hiện năm 2019.Tổng chi ngân sách địa phương năm 2020 ước thực hiện gần 87.462 tỷ đồng, đạt 91,5% so với dự toán sau điều chỉnh, cắt giảm. Trong đó, chi đầu tư phát triển 40.744 tỷ đồng, đạt 93% so với dự toán sau cắt giảm, tiết kiệm; chi thường xuyên 46.046 tỷ đồng, đạt 99,3% so với dự toán sau cắt giảm, tiết kiệm.

Bên cạnh đó, thành phố đã cân đối, bố trí đủ nguồn từ ngân sách để thực hiện dự toán chi trả nợ gốc các khoản đã huy động cho đầu tư phát triển đến kỳ hạn trả nợ của ngân sách thành phố trong giai đoạn 2016-2020 là 12.412 tỷ đồng. Do vậy, ngân sách thành phố không phải huy động để trả nợ, qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và giảm số nợ công của thành phố.

Thời gian qua, TP Hà Nội cùng Bộ Tài chính đã phối hợp trong công tác xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, triển khai quản lý về giá, phí và lệ phí; sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước, quản lý tài sản công và mua sắm tập trung; sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý tài chính doanh nghiệp nhà nước…

Trong thời gian tới, hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong xây dựng và triển khai các cơ chế chính sách về tài chính- ngân sách; kế hoạch tài chính - ngân sách trung hạn và hằng năm; huy động các nguồn lực cho chi đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của Thủ đô, cũng như trong công tác bồi dưỡng cán bộ, cải cách tài chính công…

TP Hà Nội đã tổng hợp hơn 30 khó khăn, vướng mắc, đề nghị Bộ Tài chính quan tâm, phối hợp xử lý. Trong đó có các nội dung như đề nghị Bộ Tài chính báo cáo, tham mưu Chính phủ, Quốc hội quan tâm, tạo điều kiện để tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố trên mức 35%; ban hành quy định về tiêu chí phân bổ riêng cho Thủ đô; triển khai các giải pháp tổng thể, đồng bộ để ngăn chặn, chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận. Hà Nội cũng đề nghị Bộ Tài chính bổ sung kinh phí cho thành phố để đầu tư, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các hạng mục công trình, dự án, tổ chức các hoạt động, sự kiện chính trị, văn hóa lớn tổ chức trên địa bàn...

2

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình thu chi ngân sách gặp rất nhiều khó khăn. Hà Nội đã đạt được nhiều thành tích trong phát triển kinh tế, luôn có mức tăng trưởng cao hơn bình quân của cả nước. Nhưng để hoàn thành được kế hoạch thu đã đề ra, Bộ trưởng đề nghị, thành phố xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch tài chính - ngân sách giai đoạn 2021-2025 phù hợp với định hướng chung của kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia. Tiếp tục có giải pháp hiệu quả cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; khai thác tiềm năng thế mạnh, sức cạnh tranh của thành phố để thu hút thêm vốn đầu tư, tạo nguồn lực cho phát triển.

Đồng thời, Hà Nội cần đẩy mạnh phân cấp cho các sở, ngành, quận, huyện chủ động các nguồn lực, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện thí điểm chính quyền đô thị; tiếp tục đổi mới hoạt động các đơn vị công lập. Phối hợp các cấp, các ngành đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo đúng kế hoạch. Chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá trên địa bàn. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, nhất trong lĩnh vực tài nguyên, đất đai, dịch vụ công.

3

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị

Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ ghi nhận, đánh giá cao ý nghĩa, hiệu quả sự phối hợp giữa TP Hà Nội và Bộ Tài chính. Dù chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, nhưng tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô vẫn có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy khẳng định, để kinh tế Hà Nội tiếp tục phát triển có chiều sâu, gia tăng thêm nhiều nguồn lực cũng như các nguồn thu bền vững, thành phố rất cần Bộ Tài chính và các bộ, ngành Trung ương phối hợp chặt chẽ, hợp tác, hỗ trợ thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách. Ngoài 31 vấn đề cụ thể kiến nghị trong báo cáo, Hà Nội cũng đề nghị Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm tháo gỡ vướng mắc cơ chế, chính sách về thu ngân sách; vướng mắc về giá, thuế, phí để thúc đẩy các lĩnh vực dịch vụ công; hỗ trợ tăng vay vốn ODA; phát hành trái phiếu địa phương để đầu tư cho phát triển…

4

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và các đại biểu chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa TP Hà Nội và Bộ Tài chính.

Ngay sau kết luận của Bí thư Thành ủy, đại diện Văn phòng Thành ủy và Văn phòng Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính đã ký Thông báo chung về Kết luận của Bí thư Thành ủy với Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính tại buổi làm việc. Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính và Ban Cán sự đảng UBND thành phố ký Biên bản ghi nhớ phối hợp để triển khai cụ thể hóa các nội dung kết luận nêu trên, thể hiện trên 6 nhóm lĩnh vực như: Xây dựng các cơ chế, chính sách lớn; xây dựng, triển khai kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn và hằng năm; huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thành phố; giải quyết các kiến nghị theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính và thành phố Hà Nội; phối hợp trong đào tạo cán bộ; cải cách tài chính công...

Bạn nghĩ sao?