Báo Tầm nhìn - 09:57 - 21/04/2020
 
Ngày 18 tháng 4 năm 2020, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế đã tổ chức khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa. Đây là sự kiện quan trọng của ngành y tế, đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh người dân đang thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khai trương hệ thống khám chữa bệnh từ xa và ứng dụng Bluezone

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khai trương hệ thống khám chữa bệnh từ xa và ứng dụng Bluezone

Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa gồm 6 lĩnh vực: Tư vấn y tế từ xa; Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh; Hội chẩn tư vấn Chẩn đoán hình ảnh từ xa; Hội chẩn Giải phẫu bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; Đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

Việc khai trương nền tảng này là dấu mốc quan trọng của ngành y tế, đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh người dân đang thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập, tới nơi đông người tránh nguy cơ lây lan do dịch Covid-19. Việc này chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giúp người dân có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao một cách thuận tiện, an toàn, ít tốn kém. Về tổng thể sẽ giúp “thay đổi hệ thống khám, chữa bệnh của Việt Nam” như lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Y tế từ xa, bệnh án điện tử, hội chẩn từ xa... không phải bây giờ mới được đề cập đến, mà thực tế đã và đang được triển khai nhưng chỉ ở một số ít lĩnh vực, còn khá manh mún và chưa thực sự hiệu quả.

Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi, thúc đẩy nhanh hơn việc số hóa các ngành, các lĩnh vực trong đó có y tế. Dịch bệnh đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn xã hội. Chắc chắn ngay từ bây giờ các nhà hoạch định chính sách sẽ phải thay đổi nhiều kế hoạch, cách tiếp cận, triển khai của ngành, lĩnh vực mình để khắc phục hậu quả do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh và xây dựng các kịch bản để thích ứng với mọi tình huống có thể xảy ra trong tương lai.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người dân đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện, đặc biệt các bệnh viện tuyến Trung ương đã giảm đi rõ rệt. Việc triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa góp phần quan trọng đảm bảo quyền lợi cho người dân vẫn được chăm sóc sức khỏe, được khám chữa bệnh, sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao nhưng tránh phải di chuyển nhiều, tránh phải đến nơi đông người, nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Bệnh nhân ở xa sẽ được thăm khám bằng gọi điện, nhắn tin, không cần đến bệnh viện.

Bệnh nhân ở xa sẽ được thăm khám bằng gọi điện, nhắn tin, không cần đến bệnh viện.

Việc triển khai này sẽ là bước khởi đầu cho một sự thay đổi lớn về cách thức khám chữa bệnh truyền thống. Nhưng để triển khai sâu rộng, thay đổi được thói quen của người dân, thậm chí của cả thầy thuốc là không hề đơn giản. Song hành với nền tảng công nghệ thì các cơ quan quản lý Nhà nước cần ban hành các chính sách mới phù hợp tạo cơ sở pháp lý.

Khám, chữa bệnh từ xa thì chữ ký điện tử phải được thừa nhận để đảm bảo tính pháp lý. Tư vấn từ xa thì thầy thuốc ở tuyến trên hay tuyến dưới là người kết luận và chịu trách nhiệm về kết luận của mình cũng cần phải được tính đến. Mặt khác còn cơ chế chi trả, người bệnh chi trả theo mức giá viện phí của tuyến nào. Nếu chi trả theo mức viện phí của tuyến dưới thì tuyến trên có được phụ thu không. Nếu được phép thì cơ quan Bảo hiểm y tế có đồng ý chi trả mức phụ thu đó không?

Bên cạnh đó, hiện nay đại đa số các bệnh viện tuyến Trung ương đều đã được giao quyền tự chủ về tài chính, nên có xu hướng cạnh nhau để thu hút người bệnh nhằm tăng nguồn thu. Thực tế thì rất nhiều bệnh thông thường lẽ ra có thể khám và xử lý được ở tuyến dưới nhưng người dân vẫn tìm đến các bệnh viện tuyến Trung ương cho “yên tâm”. Vì vậy nếu chúng ta có giải pháp phân luồng, truyền thông tốt để người bệnh yên tâm, tin tưởng y tế tuyến cơ sở thì sẽ tạo tiền đề tốt cho việc triển khai khám chữa bệnh từ xa.

Với người dân, ngoài việc muốn được thăm khám, chăm sóc sức khỏe ở tuyến có chuyên môn cao, thì tâm lý chung mỗi lần đi khám bệnh cũng muốn được làm các xét nghiệm cận lâm sàng với các máy móc, thiết bị hiện đại, đắt tiền. Nên việc khám từ xa, được hội chẩn tư vấn từ xa, dẫu đã có nhưng nếu chỉ với các phim chụp, siêu âm, kết quả xét nghiệm... tại tuyến y tế cơ sở thì có khi cũng chưa yên tâm, dù được các chuyên gia tuyến trên hội chẩn kết quả. Do đại dịch Covid-19 đã và đang diễn ra, cùng với việc giãn cách xã hội, hạn chế tới nơi đông người nếu không thực sự cần thiết, nên có thể nói đây chính là thời điểm tốt để truyền thông thay đổi việc lựa chọn phương thức và cơ sở khám chữa bệnh.

Để triển khai được trên diện rộng và đạt được hiệu quả tốt nhất, dù có thể còn nhiều việc phải làm, nhưng khám chữa, hội chẩn, tư vấn bệnh từ xa trên nền tảng công nghệ hiện đại là xu thế tất yếu trong thời đại 4.0. Đây là bước khởi đầu quan trọng, một thay đổi lớn trong phương thức tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế. Người dân hoàn toàn có quyền hy vọng, tin tưởng vào hiệu quả của thay đổi mang tính đột phá này để được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiện lợi, chi phí thấp nhưng vẫn an toàn, tin cậy, đảm bảo chất lượng.

Bạn nghĩ sao?