Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - 16:15 - 22/06/2020
 
...
evfta2-1540

 Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Đại dịch COVID-19 là tai họa lớn nhất đối với loài người từ 1945 đến nay: đến ngày 25.05.2020 đã có hơm 5,5  triệu người trên 211 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc 5 Châu lục đã bị lây nhiễm bệnh, số người chết đã lên đến 346.000 người và tiếp tục tăng lên không ngừng. Các nhà khoa học chưa dự báo được dịch bao giờ sẽ kết thúc cũng như khả năng virus có thể biến thể khó lường. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, sau một thời gian yên ắng, dịch lại bùng phát từ một quán bar, lây ra nhiều người. Nhiều nước đang nỗ lực cao nhất để điều chế vaccine, có lẽ sớm nhất là cuối năm 2020 mới có hy vọng có thể vận dụng. Các chuyên gia lo ngại về đại dịch lan sang Châu Phi và Nam Mỹ có thể gây ra thảm họa nhân đạo.  Ngay ở những nước có nền y tế phát triển như Mỹ, Pháp... bệnh viện bị quá tải, người bệnh nằm bên cạnh xác chết, dịch vụ mai táng không đáp ứng yêu cầu chôn cất những nạn nhân của COVID19. Tương lai rất khó dự đoán,  kinh tế sẽ hồi phục thế nào, điều chắc chắn là sẽ không còn như trước đại dịch. Có ý kiến cho rằng chiến tranh  lạnh 2.0 sẽ bùng phát, Mỹ Và Trung Quốc liên tục ăn miếng-trả miếng.

Trước sức ép nhiều mặt, tăng trưởng kinh tế giảm sút đến mức Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã không đưa ra bất kỳ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế nào cho năm 2020. Các nhà quan sát lo ngại, Bắc Kinh có thể có hành động mạo hiểm nhằm biểu dương sức mạnh và lấy lại niềm tin với dân chúng trong nước và dư luận quốc tế ở Biển Đông, Đài Loan…

Đại dịch gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu, trong Quý I 2020 GDP của kinh tế Mỹ tăng trưởng -4,8% , GDP của kinh tế Trung Quốc giảm 6,8%. Đại dịch làm đứt gãy các chuỗi giá trị xuyên quốc gia hoạt động thông suốt lâu nay, số người thất nghiệp trên toàn thế giới đã vượt ngưỡng 31 triệu người, hàng triệu nhà hàng, cửa hàng bán lẻ đã phải đóng cửa, số doanh nghiệp phá sản tăng đột biến. Giao thông vận tải, du lịch, khách sạn, nhà hàng bị thiệt hại nặng do người dân bị cách ly, thu nhập và sức mua giảm sút. Niềm tin và sự trung thực trong quan hệ quốc tế được đặt lại một cách nghiêm túc, trách nhiệm của nước xuất phát của con virus đang được đặt ra, thông tin đã chính xác và kịp thời chưa, nguồn gốc virus từ đâu ra... Tại sao đại dịch có sức tàn phá nguy hiểm như vậy mà không hề có sự phối hợp hành động quốc tế nào? Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có trách nhiệm gì không trong phòng, chống con virus này? Các cam kết quốc tế có thiếu sót gì không? Mỹ rút ra khỏi Tổ chức Y tế Thế giới đúng vào lúc đại dịch bùng nổ có hợp lý không? Mỹ, EU và Nhật Bản muốn vào Vũ Hán, Trung Quốc, để nghiên cứu về vụ bùng nổ này, Trung Quốc đáp ứng chậm chạp có thích hợp không? Cái giá mà Trung Quốc phải trả cho đại dịch này là bao nhiêu, các vụ đòi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế có khả thi không?

Đại dịch COVID-19 cũng đặt lại vấn đề về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Mô hình kinh tế thị trường tự do tối đa, giao tất cả dịch vụ cho thị trường lo, nhà nước chỉ cần giám sát thông qua luật pháp đã bị thử thách và thực tế phũ phàng đã không ủng hộ mô hình này. Nhà nước phúc lợi xã hội của các nước Bắc Âu đã chứng tỏ vai trò cần thiết của nhà nước trong chăm lo bảo hiểm xã hội, dịch vụ y tế công cộng…Một nhà nước có hiệu quả, chăm lo cho những người yếu thế đóng góp cho ổn định kinh tế-xã hội, giảm bớt tác hại của bệnh dịch. Nhà nước Mỹ cũng phải chuẩn chi một gói hỗ trợ 2000 tỷ USD trong khi nhà nước Nhật Ban cũng chấp thuận một gói 240 ngàn tỷ Yên, tương đương với 3,2 tỷ USD.

Các tổ chức quần chúng, các quỹ từ thiện cũng có đóng góp đáng kể để hỗ trợ những người yếu thế.

Điều chắc chắn là quá trình toàn cầu hóa đã bị một đòn rất mạnh, nhiều quyết định đã và sẽ được điều chỉnh. Vai trò của Trung Quốc là công xưởng thế giới, đang được xem xét lại, nhiều tập đoàn lớn như Apple, Huyndai,… đang có kế hoạch rời bỏ Trung Quốc, chuyển sang những nước khác. 400 công ty Nhật Bản về dược phẩm và y tế sẽ rút khỏi Trung Quốc, Quỹ Hưu trí Mỹ sẽ rút hàng tỷ Đôla khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc…và quá trình này còn tiếp diễn, vị thế của Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chiếm 19,7% GDP toàn cầu bị giảm sút rõ rệt. Liên kết chuỗi giá trị xuyên quốc gia theo chiều ngang (horizontal) và theo chiều dọc (vertical) đang được thẩm định lại. Cơ cấu kinh tế quốc gia đang được bổ sung, cập nhật trước tình hình mới, một quốc gia như nước Pháp có thể tự cho phép dựa hoàn toàn vào nhập khẩu thuốc men, trang thiết bị y tế được không chỉ vì tính toán giá cả, chi phí sản xuất? Một cụm kinh tế công nghiệp dịch vụ nên bao gồm những công nghiệp và dịch vụ y tế nào để bảo đảm an toàn sinh mạng cho người dân? An toàn quốc gia được coi trọng hơn so với thời kỳ trước dại dịch.

Việt Nam đã có thành công ban đầu trong kiềm chế dịch COVID-19 kịp thời và được quốc tế ca ngợi. Đầu tư nước ngoài chuyển từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á là cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư công nghệ cao, sạch, bảo đảm tăng trưởng kinh tế đồng thời bảo vệ môi trường. Một mặt, Việt Nam cần nỗ lực thu hút tối đa làn sóng “Chian Exit” (chạy khỏi Trung Quốc) này bằng cải tiến thủ tục, giảm bớt các giấy phép con, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thu hút công nghệ cao. sàng lọc, thẩm định nghiêm túc chất lượng đầu tư nước ngoài. Đồng thời, mở rộng khả năng để thu hút đầu tư qua mua cổ phần, tham gia vào các doanh nghiệp đang hoạt động. Cần có biện pháp ngăn chặn làn song các doanh nghiệp Trung Quốc mua lại ào ạt các doanh nghiệp Việt đang gặp khó, chiếm lĩnh thương hiệu Việt nhưng thực chất là doanh nghiệp Trung Quốc núp bóng.

Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tăng tỷ lệ tham gia cổ phần của các nhà đầu tư chiến lược trong nước và ngoài nước, tạo điều kiện để các nhà đầu tư chiến lược có tiếng nói trong Hội đồng quản trị, có quyền biểu quyết tương xứng với số vốn họ đầu tư, cải thiện chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, hợp tác và cạnh tranh công bằng trên thị trường.

 Đại dịch đã gây ra thiệt hại kinh tế lớn, cần nhanh chóng tái cơ cấu nền kinh tế, hồi phục sự hoạt động của các doanh nghiệp. Khoảng 5 triệu người bị thất nghiệp. lao động phi chính thức (dịch vụ vỉa hè, xe ôm …) bị mất kế sinh nhai hàng ngày. Nhiều doanh nghiệp không nhập được linh kiện từ Trung Quốc để sản xuất. Ngành dệt-may vốn nhập 60% đầu vào từ các doanh nghiệp Trung Quốc phải nhanh chóng chuyển hướng nhập từ Đài Loan, Hàn Quốc để thay thế. Thị trường đầu ra cũng bị ảnh hưởng, nhiều hãng của Mỹ và EU đã hủy hợp đồng nhập khẩu đã ký kết vì nhu cầu giảm sút. Xuất-nhập khẩu vốn chiếm đến 210% GDP  bị giảm sút, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,82%, mức thấp nhất từ nhiều năm. Khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 3,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%; trong khi đó, ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng ở mức 0,08% do nhiều lý do, trong đó có tác động của hạn nặng ở Đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung bộ. Trong quý I có 29.711 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tuy nhiên số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động lên tới 30.902 doanh nghiệp.

Quá trình hồi phục kinh tế sẽ không dễ dàng vì không có đũa thần nào khôi phục được cả cung lẫn cầu trên thị trường thế giới. Việt Nam cần thực hiện nghiên cứu SWOT (Strenght: Mạnh, Weakness: Yếu, Opportunities :Cơ hội, Threath: Thách thức), cho nền kinh tế và từng doanh nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cho phù hợp với thay đổi của nền kinh tế thế giới.

Cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện công khai minh bạch, giảm mạnh chi phí không chính thức phát sinh từ bộ máy hành chính nhà nước. Vận dụng khoa học-công nghệ, chuyển mạnh sang nền kinh tế số, Chính phủ điện tử, thương mại điện tử là là hướng đi cần được thực hiện có hiệu quả.

Nông nghiệp 4.0 với những tiến bộ vượt bậc của công nghệ sinh học, gieo trồng, tưới tiêu, thu hoạch tự động hóa, tiết kiệm năng lượng, nước, phân bón... sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao cũng thay đổi sâu sắc nông-lâm-ngư nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đó là cơ hội liên kết trong kinh doanh nâng cao chất lượng dịch vụ, đối mới mặt hàng, mở ra khả năng liên kết qua biên giới với doanh nghiệp nước ngoài. Nông trại trồng Xoài ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể liên kết trực tiếp với khách hàng ở Nhật Bản và thanh long, vải thiều Bắc Giang có thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Hàng phở hay bún chả có thể lưu số điện thoại của khách hàng để phục vụ tận nhà sáng thứ bảy, chủ nhật theo yêu cầu.

Thách thức lớn nhất là yêu cầu tự nâng cao trình độ, hiểu biết, kỹ năng để vận dụng công nghệ 4.0, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, sử dụng người máy kết hợp với trí tuệ. Với nỗ lực cải cách, sáng tạo, hy vọng Việt Nám sẽ biến nguy thành cơ, biến họa thành phúc và có bước phát triển năng động sau đại dịch COVID-19 này nhà nước cần hỗ trợ tín dụng với lãi suất thích hợp để giúp doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới.

Bạn nghĩ sao?