Sáng 6/10, Thứ trưởng Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định nhiệm vụ “Phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão và nước dâng do bão”. 

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia - đơn vị trủ trì thực hiện dự án, mục tiêu tổng quát của Dự án là phân vùng rủi ro thiên tai và cảnh báo thiên tai phục vụ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu nhằm triển khai có hiệu quả Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Khí tượng thủy văn.

Mục tiêu cụ thể nhằm đánh giá được mức độ rủi ro thiên tai áp thấp nhiệt đới, bão cho các tỉnh, thành phố trên toàn lãnh thổ Việt Nam; mức độ rủi ro thiên tai nước dâng do bão cho các tỉnh ven biển Việt Nam. Đồng thời, xây dựng được bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai áp thấp nhiệt đới, bão và nước dâng do bão. Xây dựng được các bản đồ cảnh báo thiên tai áp thấp nhiệt đới, bão và nước dâng do bão thời gian thực.

bao 1

Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, dự án được triển khai là từ năm 2021 - 2024 trên phạm vi cả nước, trọng tâm 28 tỉnh/thành phố ven biển. Dự án sẽ tập trung thu thập, bổ sung, chi tiết hóa và tích hợp các số liệu về các đối tượng chịu tác động của thiên tai như các khu dân cư, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, nông nghiệp, thủy sản, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội… và các thông tin nguy cơ về gió mạnh, mưa lớn, nước dâng.

Xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai (theo phương pháp AHP) do áp thấp nhiệt đới, bão và nước dâng do bão cho cấp tỉnh/thành phố; xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai (tỷ lệ 1:50.000) cho 28 tỉnh/thành phố ven biển (trọng tâm là khu vực ven biển của các tỉnh/thành phố). Xây dựng công cụ thu thập thông tin về các đối tượng chịu tác động của thiên tai thời gian thực (hồ chứa, tàu thuyền…) cho các tỉnh/thành phố.

Đồng thời, xây dựng bản đồ cảnh báo rủi ro thiên tai áp thấp nhiệt đới, bão và nước dâng do bão cho các tỉnh/thành phố thời gian thực dựa trên các số liệu kinh tế - xã hội và số liệu dự báo nguy cơ gió mạnh, mưa lớn, nước dâng… Đề xuất giải pháp phòng, chống, ứng phó sớm với thiên tai.

bao

Phạm vi thực hiện dự án

Ông Hoàng Phúc Lâm cũng cho biết, dự án khi hoàn thành sẽ cung cấp số liệu, tài liệu về áp thấp nhiệt đới, bão, thủy triều, nước dâng do bão và các đặc trưng liên quan. Báo cáo mô phỏng lại các tình huống áp thấp nhiệt đới, bão khi đổ bộ bằng mô hình số để chi tiết cường độ gió, mưa đối với các điểm, vùng không có số liệu đo thực tế. Báo cáo phân tích đặc trưng tần suất, cường độ của áp thấp nhiệt đới, bão, mưa cực đại trong 24 giờ, mưa tích lũy của đợt bão, gió mạnh trong bão.

Dự án cũng cung cấp báo cáo đánh giá rủi ro thiên tai, tính dễ bị tổn thương do áp thấp nhiệt đới, bão và nước dâng do bão tại các tỉnh/thành phố. Bản đồ phân vùng rủi ro do thiên tai áp thấp nhiệt đới, bão và nước dâng bão. Cụ thể, bản đồ phân vùng rủi ro do thiên tai áp thấp nhiệt đới/bão tỷ lệ 1:1.000.000 cho 63 tỉnh/thành phố; bản đồ phân vùng rủi ro do thiên tai áp thấp nhiệt đới/bão tỷ lệ 1:50.000 cho 28 tỉnh/thành phố ven biển; bản đồ phân vùng rủi ro do thiên tai do thiên tai nước dâng bão tỷ lệ 1:50.000 cho 28 tỉnh/thành phố ven biển; bản đồ phân vùng rủi ro do thiên tai do thiên tai do tổ hợp thiên tai áp thấp nhiệt đới, bão và nước dâng bão tỷ lệ 1:50.000 cho 28 tỉnh/thành phố ven biển.

Bên cạnh đó, xây dựng bản đồ cảnh báo rủi ro thiên tai áp thấp nhiệt đới, bão và nước dâng do bão cho 63 tỉnh/thành phố trên phạm vi cả nước. Cụ thể, cơ sở dữ liệu phục vụ vận hành phần mềm cảnh báo rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão và nước dâng do bão; phần mềm cảnh báo rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão và nước dâng do bão cho các tỉnh/thành phố; quy trình nghiệp vụ cảnh báo thiên do áp thấp nhiệt đới, bão và nước dâng do bão cho các tỉnh/thành phố.

Phát biểu tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng cho rằng, đề cương dự án được trình bày hôm nay đã có sự tiếp thu, chỉnh sửa các ý kiến góp ý từ cuộc họp trước đó. Đây là dự án có ý nghĩa thiết thực, rất cần thiết trong bối cảnh thiên tai ngày càng gia tăng cường độ, diễn biến phức tạp, đặc biệt là tác động của áp thấp nhiệt đới, bão và nước dâng do bão. Tuy nhiên, các thành viên hội đồng cho rằng, đơn vị chủ trì thực hiện dự án nên xem xét, bổ sung, chỉnh sửa thêm về các mục tiêu của dự án; bổ sung thêm các văn bản cần thiết trong cơ sở pháp lý; làm rõ thêm các giải pháp thực hiện dự án…

Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã xây dựng đề cương Dự án kỹ lưỡng, nghiêm túc. Đồng thời, đề nghị đơn vị chủ trì Dự án tiếp thu tất cả các ý kiến của thành viên hội đồng, đặc biệt là ý kiến của 2 phản biện để bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện đề cương dự án. Khi thực hiện Dự án này, đơn vị chủ trì cần tổng hợp, làm rõ tất cả những đề tài, dự án có liên quan đã được thực hiện để kế thừa, đồng thời, tránh chồng chéo. Hiện nay, ở một số địa phương đã tự xây dựng được bản đồ rủi ro ngập lụt khá công phu. Đơn vị chủ trì nên khảo sát, tập hợp kết quả đó vào dự án để sau này khi thiết kế phần mềm có thể chồng chập được tất cả những rủi ro do bão gây ra.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, Dự án này nên chú trọng vào xây dựng cảnh báo rủi ro gió mạnh, nước dâng trong bão. Đưa ra được cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão một cách chi tiết, tập trung vào khu vực ven biển, nơi chịu tác động mạnh nhất từ bão, áp thấp nhiệt đới với bản đồ có độ phân giải cao nhất. Đồng thời, dự án phải tận dụng được hết các số liệu của Bộ TN&MT đang có và là thế mạnh. Mặt khác, đây là dự án nên sản phẩm của nó là 1 hệ thống hoạt động nghiệp vụ thường xuyên. Do vậy, đơn vị chủ trì cần chuẩn bị những quy định kèm theo để trình các cấp có thẩm quyền ban hành.

Để thực hiện dự án đạt hiệu quả cao nhất, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị, Tổng cục Khí tượng Thủy văn thành lập 1 tổ công tác, có sự tham gia của các chuyên gia thuộc đơn vị trong Bộ như Cục Quản lý tài nguyên nước, Cục Đo đạc bản đồ và Thông tin địa lý, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TNMT, Trung tâm Hải văn… Đồng thời, trong dự án, nên mời thêm sự tham gia của đại diện địa phương, đặc biệt là 28 tỉnh ven biển.

Theo Báo Tài nguyên và Môi trường

Bạn nghĩ sao?