Giang Nguyễn -
 
 Hàng ngàn mét vuông đất ngoài đê sông Trà Lý thuộc địa bàn phường Hoàng Diệu, TP. Thái Bình (Thái Bình) bị “hô biến” thành bãi tập kết than trái phép... 

Dân khổ vì bụi than…

Theo phản ánh của người dân, từ nhiều năm nay, tại khu vực triền đê sông Trà Lý giáp khu dân cư thuộc Tổ 6, phường Hoàng Diệu (TP.Thái Bình) xuất hiện bãi than "khủng" của hộ gia đình ông Vũ Văn Tài hoạt động trái phép, vi phạm Luật Đê điều, Luật Đất đai; gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bà con nhân dân, mặc dù đã nhiều lần kiến nghị nhưng không hiểu vì sao chính quyền địa phương chưa xử lý triệt để.

deb89e73b9b04dee14a1

 

bai-than

Bãi than trái phép rộng hàng nghìn m2 của hộ ông Vũ Văn Tài tại khu vực triền đê sông Trà Lý giáp khu dân cư thuộc Tổ 6, phường Hoàng Diệu (TP.Thái Bình)

"Trên thực tế, gia đình ông Tài đang kinh doanh bãi than sai quy định về mục đích sử dụng bến bãi không đúng điều kiện kinh doanh và làm ô nhiễm môi trường xung quanh, xáo trộn cuộc sống, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân trong khu vực. Chúng tôi không sử dụng được nguồn nước, không canh tác được trên đất của chính mình do bị ảnh hưởng từ việc ô nhiễm từ hoạt động của bãi than gây ra”, một người dân sống gần bãi than bức xúc.

Tại nơi người dân phản ánh, PV Báo TN&MT ghi nhận có hai bãi than liền nhau với diện tích lên đến hàng ngàn m2. Một bãi tập kết than kíp lê, than cám thành các đống lớn, không có bạt che phủ; bãi liền kề tập kết than bùn được đậy một lớp bạt mỏng qua loa, sơ sài. Sau trận mưa lớn, nước bám vào than chảy xuống có màu đen loang lổ, phần ngấm xuống đất, phần chảy trực tiếp xuống sông Trà Lý.

Ông V.V.T, Tổ 6, phường Hoàng Diệu (TP.Thái Bình) cho biết: "Bãi than này đã tồn tại cả chục năm nay. Mỗi khi họ sàng than cám, than kíp lê mà kết hợp gió to khiến bụi than bay mù mịt. Nhiều người do hít bụi than nhiều, cổ họng luôn bị khô, rát về lâu dài sẽ ảnh hướng rất lớn đến sức khỏe. Bụi than bám vào nhà cửa, cây cối, vườn tược, hôm nào trời mưa, lớp bụi này hòa lẫn với nước mưa chảy xuống thành những dòng nước đen kịt".

z2578413935930_17660a955b

 

than-2

Do không được che chắn cẩn thận nên sau mỗi trận mưa lớn, nhưng dòng nước đen kịt chảy trực tiếp xuống sông Trà Lý

Để làm rõ nội dung trên, PV đã có buổi làm việc với chính quyền địa phương. Bà Vũ Thị Huyền - Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Diệu (TP. Thái Bình) cho biết: Theo Quyết định 1983 của UBND tỉnh Thái Bình thì bãi than của hộ ông Tài không nằm trong quy hoạch và phải giải tỏa; phường đã nhiều lần tổ chức kiểm tra, xử phạt hành chính, yêu cầu hộ ông Tài chấm dứt hành vi vi phạm đất đai, đê điều, trả lại hiện trạng đất, sử dụng đất đúng với mục đích nhưng đến nay ông này vẫn chưa chấp hành.

Khi được hỏi tình trạng trên diễn ra từ khi nào, thì bà Huyền thừa nhận: Mình không nắm được vì mới lên nhận công tác từ tháng 7 năm ngoái.

Xử phạt 2 triệu đồng, có đủ sức răn đe?

Theo tìm hiểu của PV, khu vực bãi ven sông Trà Lý có tổng diện tích 6.399 m2, thuộc thửa số: 96+144 tờ bản đồ số 16 (bản đồ địa chính 241), trước đây là địa phận hai thôn Tân Tiến và Duy Tân, xã Hoàng Diệu (nay là Tổ 6, phường Hoàng Diệu).

Năm 2007, UBND TP.Thái Bình có quyết định số 131/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án tăng gia sản xuất-xây dựng mô hình trang trại trồng tre trên khu đất này, đồng thời giao cho hộ ông Vũ Văn Tài ở thôn Tân Thành, xã Hoàng Diệu (nay là tổ 22, phường Hoàng Diệu) làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, đến năm 2011, ông Tài lấy lý do dự án không hiệu quả, xin chuyển mục đích sử dụng đất sang làm bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng.

Mặc dù không được chấp thuận vì không nằm trong quy hoạch, nhưng từ đó đến nay, ông Tài đã tự ý biến dự án trồng tre lấy măng thành bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng và trung chuyển, chế biến than.

Quyết định của UBND TP. Thái Bình phê duyệt dự án tăng gia sản xuất-xây dựng mô hình trang trại trồng tre do ông Vũ Văn Tài làm chủ đầu tư

Quyết định của UBND TP. Thái Bình phê duyệt dự án tăng gia sản xuất-xây dựng mô hình trang trại trồng tre do ông Vũ Văn Tài làm chủ đầu tư

Đáng chú ý, tháng 10/2020, ông Tài còn tự ý cắt một phần khu đất với diện tích hàng ngàn m2 cho hộ ông Vũ Đăng Duy (trú Tổ 17, phường Tiền Phong, TP.Thái Bình) thuê lại cũng để tập kết, chế biến than với giá thuê 12 triệu đồng/năm (thời hạn thuê đến tháng 10/2023).

Về việc này, bà Vũ Thị Huyền, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Diệu cho rằng: hộ ông Tài đã sai lại còn sai thêm, việc tự thỏa thuận cho thuê lại một phần bãi ven sông là trái quy định nên chính quyền không xác nhận việc này.

Trước những sai phạm nêu trên, ngày 20/4/2021, UBND phường Hoàng Diệu đã ban hành Quyết định số 59 xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Vũ Văn Tài số tiền 2 triệu đồng về hành vi để vật liệu lòng sông, bãi sông gây cản trở dòng chảy, thoát lũ và trong hành lang bảo vệ đê điều. Quy định tại: Điểm đ, khoản 3, điều 20 của Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống thiên tai; Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.

Quyết định cũng nêu rõ, hình thức xử phạt bổ sung: Yêu cầu ông Vũ Văn Tài hạ thấp độ cao, giải tỏa vật liệu xây dựng trên bến bãi trước ngày 30/6/2021, tuy nhiên, đến nay theo ghi nhận của PV bãi than của ông Tài vẫn tiếp tục hoạt động.

Khi PV hỏi về hướng xử lý dứt điểm tình trạng trên, bà Huyền - Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Diệu cho biết: "Thẩm quyền của phường chỉ làm được vậy, bến bãi không đóng góp gì cho địa phương mà quản lý rất mệt mỏi, chỉ mong giải tỏa càng sớm càng tốt. Thành phố cũng đã cử đoàn công tác gồm Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế và UBND phường xuống làm việc với hộ ông Tài nhưng đến nay cũng chưa có chỉ đạo gì mới".

Câu hỏi đặt ra, với những sai phạm tồn tại cả thập kỷ như bãi than của hộ ông Tài, mà mức xử lý chỉ dừng lại con số 2 triệu đồng liệu có đủ sức răn đe?. Phải chăng đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các bến bãi trái phép đang thi nhau lộng hành?

Để chấm dứt tình trạng trên, đề nghị UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các ngành chức năng và đặc biệt là lãnh đạo UBND TP. Thái Bình cần quan tâm, vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các bến bãi sai phạm.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Báo Tài nguyên và Môi trường

Bạn nghĩ sao?