Phong Vân - 09:45 - 28/02/2021
 
Đúng vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước, điển hình như Hải Dương, Quảng Ninh…, đã khiến việc tiêu thụ nông sản của bà con gặp khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nhiều hộ gia đình. Hiện, chính quyền các địa phương đang gấp rút triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, ngoài lượng lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội bộ thì hiện trên địa bàn tỉnh còn dư khoảng 128.000 tấn nông sản cần tiêu thụ, gồm 100.000 tấn rau củ quả, 20.000 tấn thịt và 8.000 tấn cá.Cụ thể, diện tích cà rốt ở huyện Nam Sách còn tồn lại chưa thu hoạch là 350 ha (80%), ở Cẩm Giàng còn 400 ha (90%), Chí Linh 150 ha (80%); cải bắp ở Gia Lộc còn khoảng 200 ha, Tứ Kỳ khoảng 200 ha, Kim Thành cũng còn khoảng 400 ha rau cải bắp, su hào, súp lơ và rau ăn lá…

Tại thành phố Chí Linh, việc tiêu thụ khoảng 1,5 triệu con gà đồi dịp Tết cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài nông sản, tỉnh còn có 275 ha trồng cây hoa đào bán đón Tết Tân Sửu nhưng do dịch bệnh, nhiều thương lái đã hủy bỏ giao dịch, đòi lại tiền đặt cọc, nên hiện các hộ trồng đào mới tiêu thụ được hơn 10% số cây.

tieu thu 2

Cà rốt của nông dân Hải Dương đến kỳ thu hoạch, bán phục vụ Tết và xuất khẩu gặp khó vì Covid-19

Còn tại tỉnh Quảng Ninh, các loại rau màu như khoai tây, ngô, rau các loại cũng đang vào vụ thu hoạch với sản lượng ước khoảng 30.000 tấn, nhưng việc tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ tồn hàng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá nông sản tại các địa phương này cũng giảm khoảng 10 đến 20% so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Theo đó, tại Hải Dương, giá cà rốt giảm còn 6.000 đến 6.500 đồng/kg, cải bắp còn 4.000 đồng/kg, súp lơ giá 4.000 đồng 5.000 đồng/cây, su hào 2.000 đến 2.500 đồng/củ.

Riêng thị xã Kinh Môn có khoảng 3.800 ha hành. Năm nay, năng suất hành đạt khoảng một tấn/sào, do năng suất cao nên ngay từ khi bước vào vụ thu hoạch, giá hành đã giảm so với năm trước gần 10 nghìn đồng/kg. Đến thời điểm này, khi dịch Covid-19 xuất hiện thì giá hành tiếp tục giảm sâu, hiện nay chỉ khoảng 9.000 đến 10.000 đồng/ kg. Nguyên nhân là do Hải Dương đã bắt đầu áp dụng biện pháp kiểm soát dịch bệnh nên việc buôn bán ngoài đường, vỉa hè bị hạn chế khiến sức mua giảm.

Trong khi đó, thị trường tiêu thụ nông sản chính của Hải Dương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (tiêu thụ khoảng 60% tổng sản lượng su hào, bắp cải, rau ăn lá, ổi, cam, chuối… của Hải Dương), tuy nhiên, các địa phương này đang cấm tất cả các phương tiện và người Hải Dương vận chuyển hàng hóa, đi vào địa bàn, do vậy, ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ nông sản của tỉnh.

Bên cạnh đó, các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiêu thụ và người tiêu dùng có tâm lý e ngại, không muốn sử dụng các sản phẩm nông nghiệp của Hải Dương và tiếp xúc với người Hải Dương. Thêm nữa, các doanh nghiệp tiêu thụ, thương lái của tỉnh khác không muốn đến Hải Dương để thu mua nông sản vì lo ngại vùng dịch và phải cách ly khi quay về.

Bộ NN&PTNT nhận định, tác động của dịch COVID-19 sẽ tác động đến sản xuất nông nghiệp của một số gia đình trong vùng dịch. Trong đó, với những gia đình thuộc diện F1 phải cách ly tập trung, sẽ bị ảnh hưởng lớn do không có ai chăm sóc, thu hoạch.

Về vấn đề tiêu thụ nông sản, khó khăn nhất là các mặt hàng về cà rốt, khoai tây, vì đây là những loại nông sản có sản lượng lớn, mức độ tiêu thụ trong tỉnh, trong nước không được nhiều, chỉ chiếm 10%, chủ yếu là xuất khẩu, tới 90%. Tuy nhiên, kho bảo quản trong tỉnh có hạn. Nếu dịch bệnh được kiểm soát trước Tết Nguyên đán, Bộ NN&PTNT cho rằng, việc tiêu thụ cà rốt không đáng lo. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh kéo dài thì đây là vấn đề rất đáng quan tâm. Với nhóm rau ăn lá, sản lượng không quá lớn, phục vụ tiêu dùng trong tỉnh và một số địa phương lân cận nên không đáng lo.

Bộ NN&PTNT lưu ý, đối với các địa phương đang bị phong tỏa, cụ thể, đối với cây hành, tỏi (tại Kinh Môn, Chí Linh), thời điểm thu hoạch từ nay đến Tết Nguyên đán để giải phóng đất cấy lúa, cần ưu tiên thu hoạch và bảo quản tại nông hộ để chờ tiêu thụ khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Với các loại rau, màu cần tiêu thụ ngay, ưu tiên tiêu thụ các cơ sở thu mua, chế biến và tiêu thụ trong tỉnh như: siêu thị, nhà máy chế biến, chợ. Đối với cây cà rốt, thu hoạch từ nay đến cuối tháng 3 năm 2021, với những diện tích củ còn nhỏ, khuyến khích giữ lại ruộng, tiếp tục chăm sóc để chờ tiêu thụ khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Với những diện tích đã đến kỳ thu hoạch, chú ý tiêu thụ tại các doanh nghiệp trong tỉnh (các nhà máy tập trung ở Cẩm Giàng, Gia Lộc). Sau khi sơ chế, đóng gói, mang đi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Khi vận chuyển ra ngoài tỉnh, phải có phương án chuyển tải hoặc đổi lái (ở khu vực cửa ngõ tỉnh) và áp dụng các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Ngoài ra, đối với các nhóm rau, củ, quả khác, ưu tiên tiêu thụ tại chợ và các bếp ăn công nghiệp, các khu cách ly tập trung, các nhà máy, trang trại trên địa bàn. Nếu cần thiết vận chuyển ra ngoài khu cách ly hoặc ngoài tỉnh, phải có phương án chuyển tải hoặc đổi lái (ở khu vực cửa ngõ tỉnh) và áp dụng các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Để gỡ khó cho tiêu thụ nông sản tại các vùng đang bị phong tỏa, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh cần có chính sách hỗ trợ phí vận chuyển và có văn bản chỉ đạo các ngành có liên quan ưu tiên việc lưu thông hàng hóa để phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh và đề nghị các tỉnh lân cận Hải Dương, Quảng Ninh như: Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định… tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa Hải Dương được vận chuyển sang các tỉnh tiêu thụ. Trong đó, đề nghị các địa phương chỉ đạo lái xe và các đơn vị vận tải trên địa bàn áp dụng nghiêm các biện pháp phòng dịch khi vận chuyển hàng hóa ra ngoài tỉnh để tiêu thụ. Đồng thời, đề nghị ngành Y tế ưu tiên xét nghiệm COVID-19 cho các lái xe vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ và có giấy xác nhận (3-5 ngày/lần) để các lái xe có thể lái xe, vận chuyển hàng hóa ra khỏi tỉnh.

tieu thu 1

Sản phẩm nếp cái hoa vàng của Hải Dương cũng bị ảnh hưởng đầu ra.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ưu tiên thu mua, tiêu thụ hàng hóa cho các địa phương trên địa bàn. Hạn chế tối đa việc nhập hàng hóa nông sản ngoài tỉnh đưa vào địa bàn tiêu thụ. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần phát động phát động đoàn thể, nhân dân hỗ trợ các gia đình có người bị cách ly để chăm sóc và thu hoạch rau màu khi đã đến kỳ thu hoạch./. Box: Để hạn chế thiệt hại cho người dân do dịch bệnh Covid-19, ngành chức năng tỉnh Quảng Ninh đang tổ chức kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân trong các khu vực phong tỏa.

Trong ngày đầu tiên triển khai chương trình (31/1), Sở Công thương Quảng Ninh đã hỗ trợ và kết nối tiêu thụ 17 tấn khoai tây đến kỳ thu hoạch của nông dân xã Bình Dương, đây là khu vực đang phong tỏa để phòng chống dịch tại TX Đông Triều.

Để đảm bảo an toàn cao nhất, nông sản được thu hoạch và bảo quản đúng quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, sau đó được phun khử khuẩn toàn bộ cùng với xe hàng trước khi chuyển tiếp qua các chốt kiểm soát dịch để đến nơi tiêu thụ. Các đơn vị ngành than, siêu thị và chợ trên địa bàn Quảng Ninh đã tiếp nhận và thanh toán hơn 150 triệu đồng cho bà con nông dân xã Bình Dương. Anh Trịnh Xuân Dương, người dân xã Bình Dương nói: "Trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra rất phức tạp, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn đã ủng hộ, hỗ trợ cho chúng tôi tiêu thụ hàng nông sản do người dân đang làm ra. Đây là niềm động viên lớn lao cho người dân chúng tôi".

Thời gian tới, các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản khác của nông dân đang gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ như ngao 2 cùi, ngao hoa, hàu, trứng gà... cũng sẽ được đưa vào chương trình hỗ trợ. UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao Sở Công thương tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị triển khai thực hiện việc kết nối tiêu thụ nông sản cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Coivd-19. Nhấn mạnh đây là biện pháp trực tiếp, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, hạn chế thiệt hại cho người nông dân và góp phần bình ổn thị trường lương thực, thực phẩm trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý quy hoạch vùng sản xuất tập trung và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo quy định an toàn phòng chống dịch trong vận chuyển và tiêu thụ nông sản.

Bạn nghĩ sao?