Ngày 17/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức Hội nghị “Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen và trao tặng an sinh xã hội” tại tỉnh Hoà Bình.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết thời gian qua, với sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN và sự vào cuộc của cả hệ thống ngân hàng, cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tích cực hạn chế người dân tìm đến các nguồn “tín dụng đen”.
Nhu cầu vay phục vụ đời sống của bà con là chính đáng. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ngành ngân hàng luôn nỗ lực để đáp ứng nhu cầu này một cách tốt nhất. Nhiều bà con nghĩ đến ngân hàng rất khó khăn, nhiều thủ tục. Lợi dụng sự hiểu biết chưa đầy đủ của bà con, nhiều tội phạm đã phát triển tín dụng đen, cho vay với lãi suất "cắt cổ".
Trước khi bà con có ý định đi vay tín dụng đen, hãy đến ngân hàng gần nhất nơi mình đang ở để hỏi thủ tục, cách thức, lãi suất vay tại ngân hàng ra sao”.
Thực tế các thủ tục vay vốn ngân hàng rất đơn giản, dễ dàng, lãi suất thấp nếu bà con có nhu cầu vay vốn phục vụ tiêu dùng, sản xuất kinh doanh chính đáng (chứ không phải vay để ăn chơi, lô đề, cờ bạc).
Theo báo cáo về môi trường kinh doanh 2020 do Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam là 1 trong 5 chỉ số được nâng hạng, tăng 5 điểm và tăng 7 bậc so với báo cáo trước đó, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Brunei), đứng 25/190 nền kinh tế -vượt mục tiêu đặt ra là tăng ít nhất 1 bậc.
Ông Đào Minh Tú khẳng định, ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu đời sống của người dân, doanh nghiệp, góp phần cùng với Bộ Công an nỗ lực đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.
NHNN đã tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” (Chỉ thị 12).
Về nguyên nhân “tín dụng đen” vẫn có đất sống, Trung tá Ngô Hồng Vương, Đội trưởng Đội trọng án, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phân tích các đối tượng tín dụng đen sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi đánh trúng tâm lý của đa số người tìm đến tín dụng đen thường đang trong cảnh túng quẫn nên không suy nghĩ thấu đáo, gặp các chiêu trò dụ dỗ về thủ tục vay hết sức đơn giản so với các tổ chức chính thống, nên họ bị sa bẫy.
Nhiều trường hợp do cần vốn gấp, người vay sẵn sàng ký vào các hợp đồng “núp bóng” khác nhau như: Hợp đồng nhận tài sản, nhận tiền xin việc…, thậm chí, các đối tượng dùng các ứng dụng công nghệ (app) trên điện thoại để lừa đảo người vay với lãi suất lên tới vài trăm %/năm.
Đáng quan ngại là hoạt động thu hồi nợ gắn với tín dụng đen thường gắn với các hành vi phạm pháp như: Bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, gọi điện, nhắn tin đe dọa, khủng bố tinh thần, chửi bới, đổ chất bẩn…
"Hoạt động tín dụng đen thường gắn với tội phạm có tổ chức, thậm chí được một số luật sư biến chất tư vấn; dùng các biện pháp đòi nợ phản cảm, làm nhục, gây mất uy tín người vay nhưng lại tìm cách lách luật để không bị xử lý hình sự mà chỉ bị xử lý hành chính ở mức không đủ răn đe”, Trung tá Vương nói.
Thời gian qua ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu phục vụ đời sống của người dân, doanh nghiệp. Về phía Bộ công an cũng đã triệt phá nhiều ổ nhóm cho vay tín dụng đen.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đề nghị các tổ chức tín dụng tăng cường truyền thông về tín dụng chính thức. Có thêm nhiều hình thức cụ thể như rải tờ rơi, thông tin về chương trình tín dụng tiêu dùng, vay cho con đi xuất khẩu lao động... Thông qua các cấp chính quyền để đưa tờ rơi đến từng gia đình có nhu cầu vay…”, Phó Thống đốc cho biết.
Các giải pháp mà ngành ngân hàng đã thực hiện như sửa đổi quy định về cho vay của công ty tài chính tiêu dùng; cơ cấu lại nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19; điều chỉnh lộ trình áp dụng các giới hạn, tỉ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng...
Hiện NHNN đang làm đầu mối xây dựng đề án cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động của fintech trong lĩnh vực ngân hàng; thí điểm áp dụng mobile money; chỉ đạo các TCTD mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, giảm lãi suất, đơn giản hoá thủ tục hành chính.
Với mạng lưới tổ chức tín dụng, các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền được mở rộng và phát triển nhằm gia tăng tiếp cận dịch vụ đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt là người thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội, người chưa có tài khoản ngân hàng, qua đó góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Thu chi minh bạch với tính năng Quỹ nhóm trên App HDBank
- HDBank nhận 3 giải thưởng tại Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2024
- HDBank đóng góp 100 tỷ đồng, hưởng ứng đợt cao điểm 450 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước
- Đẩy mạnh kinh doanh số, HDBank báo lãi vượt 12.650 tỷ, tăng 46,6%, triển khai chia cổ tức 20%
- HDBank khởi động dự án “Tư vấn quản trị ESG và Tài chính bền vững” cùng PwC
- HDBank: Ngân hàng duy nhất tại Việt Nam nhận Giải thưởng Xanh từ The Asian Banker