10:59 - 22/04/2020
 
Xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới tác động sâu rộng, rõ nét vào đời sống kinh tế, văn hoá xã hội của người dân; tôn trọng bản chất, các giá trị nguyên tắc kinh tế tập thể, hợp tác xã, thu hút tất cả nông dân, phần lớn hộ kinh tế cá thể và nhiều tổ chức tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Đây là một trong những nội dung quan trọng thể hiện tại Quyết định số 1348/QĐ-UBND về kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2020 vừa được UBND Tp. Hồ Chí Minh ban hành.

Ngoài ra, UBND thành phố cũng định hướng hợp tác xã tập trung làm các dịch vụ đầu vào, đầu ra phục vụ sản xuất, kinh doanh, đảm bảo tự chủ đời sống của hộ thành viên.

Về nội dung cụ thể, thành phố phấn đấu phát triển mới 35 hợp tác xã, tỷ lệ cán bộ quản lý, nghiệp vụ hợp tác xã qua đào tạo trình độ đại học trở lên đạt 45%, trình độ trung cấp sơ cấp đạt 55%.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thành phố sẽ rà soát, tiến hành giải thể tự nguyện, bắt buộc hoặc hướng dẫn chuyển đổi sang loại hình hoạt động khác đối với 114 hợp tác xã đang ngưng hoạt động.

Trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, thành phố khuyến khích các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu tăng hơn 2 lần giá trị sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, xây dựng mô hình hợp tác xã tiên tiến, hiện đại tại 5 huyện xây dựng nông thôn mới là Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè.

Trong lĩnh vực công nghiệp, thiểu thủ công nghiệp, thành phố sẽ hình thành các làng nghề công nghiệp mới bên cạnh việc bảo tồn các làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống.

Với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, thành phố sẽ phát triển các hợp tác xã thương mại bán lẻ, các hợp tác xã quản lý kinh dokanh chợ, mô hình hợp tác xã dịch vụ trong các trường học, cao đẳng, dạy nghề…

Cùng với đó, thành phố ưu tiên phát triển phương tiện mới sử dụng nhiên liệu sạch, hỗ trợ lãi vay hàng năm của các hợp tác xã đã tham gia đầu tư xe buýt; củng cố và nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả của quỹ tín dụng nhân dân hiện có đi đôi với việc mở rộng các quỹ tín dụng nhân dân ở khu vực nông thôn; chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.

Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 663 hợp tác xã; trong đó, có 549 hợp tác xã đang hoạt động, 114 hợp tác xã ngưng hoạt động chờ giải thể. Ngoài ra, trong tổng số 9 liên hiệp hợp tác xã có 6 đơn vị đang hoạt động, 3 đơn vị đã ngưng hoạt động.

Trên địa bàn thành phố cũng có 2.609 tổ hợp tác, hầu hết có quy mô nhỏ, hoạt động nhiều lĩnh vực như trồng rau, làm bánh tráng, nuôi tôm, cá, heo, gà, trồng hoa lan…

Về lực lượng lao động, tổng số thành viên hợp tác xã khoảng 63.000 người, 16.000 người trong liên hiệp hợp tác xã và 2.418 người trong tổ hợp tác.

Theo đánh giá của UBND Tp. Hồ Chí Minh, các hợp tác xã hầu hết tổ chức tốt hoạt động tiếp thị, làm đại lý phân phối cho các nhà phân phối lớn, xây dựng các cửa hàng quầy sạp bán lẻ tới tận khu dân cư. Hoạt động kinh doanh của các quỹ tín dụng đều có hiệu quả, hỗ trợ nhu cầu vay vốn cho các thành viên, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố.

Các hợp tác xã nông nghiệp đã từng bước khẳng định thương hiệu, sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn để bán tại các siêu thị lớn như Co.op Mart, Big C, Aeon, VinMart…Tuy nhiên, số lượng hợp tác xã có quy mô lớn không nhiều chỉ chiếm 7%, vốn góp tích luỹ chưa cao.

Đáng lưu ý, nhiều đơn vị hoạt động chưa thực chất, thiếu kinh nghiệm quản lý, dễ bị ảnh hưởng khi thị trường biến động cũng như chưa đủ mạnh để cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam…/.

Bạn nghĩ sao?