Lĩnh vực xây dựng là “miền đất” tốt để lựa chọn khởi nghiệp sáng tạo, đó là chia sẻ của Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) khi trao đổi về tiềm năng của khởi nghiệp trong ngành xây dựng. Công nghệ xây dựng và các công nghệ vật liệu xanh hướng đến phát triển bền vững đang là xu hướng và đòi hỏi ngành xây dựng cần phải có những thay đổi và đột phá. Điều này đưa ra nhiều “thách thức” rất lớn quy mô quốc gia, quốc tế trong lĩnh vực xây dựng, và những “thách thức” này sẽ là cơ hội cho các nhóm/doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực xây dựng.
Trên cơ sở đó, trong khuôn khổ Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844), các nhóm các nhiệm vụ triển khai năm 2023-2024 nhấn mạnh việc thúc đẩy liên kết các trường Đại học và giữa Đại học với doanh nghiệp/tập đoàn. Trong đó, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội được lựa chọn để triển khai các sáng kiến để liên kết các trường đại học trong khối kỹ thuật; đồng thời thúc đẩy, hỗ trợ các giảng viên, sinh viên khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực xây dựng nói riêng và ngành kỹ thuật nói chung. Mở thêm những lĩnh vực tiềm năng cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam hội nhập với quốc tế
PGS Nguyễn Hoàng Giang – Phó hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng chia sẻ trong khuôn khổ hội nghị do trường tổ chức ngày 28/5: “Sinh viên khối ngành kỹ thuật được quan tâm lớn của các cơ quan chính phủ, Bộ ban ngành thể hiện rất rõ thông qua Đề án 844 và Đề án 1665. Chúng tôi vẫn luôn đau đáu một câu hỏi: “làm thế nào để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên?”
Được sự định hướng, hỗ trợ từ phía Đề án 844, trong thời gian vừa qua, trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã triển khai nhiều các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và hướng đến hỗ trợ có “chiều sâu” trong hoạt động về đào tạo, tập huấn, tổ chức cuộc thi khởi nghiệp (HUCE-Intech 2023). Thông qua chương trình, nhiều ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên đã được triển khai và đã tham gia các cuộc thi cấp trường, cấp quốc gia đạt những giải thưởng đáng tự hào.
Bên cạnh đó, nhấn mạnh vai trò “kết nối” của trường Đại học, kết nối giữa trường với trường, trường với chính phủ và doanh nghiệp. Các trường đại học là một trong những thành tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tuy nhiên thực trạng hiện nay cho thấy công tác hỗ trợ và các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo còn diễn ra đơn lẻ, tính liên thông, liên kết chưa cao; hoạt động liên kết của các trường đại học chưa chặt chẽ, chưa có nhiều thành viên tham gia để tạo thành các nhóm, mạng lưới hoạt động chuyên nghiệp...
Từ thực tế đó, trường Đại học Xây dựng đã cùng khối các trường kỹ thuật gồm trường đại học Bách khoa TP.HCM, Bách khoa Hà Nội, Bách khoa Đà Nẵng, Xây dựng Hà Nội, Giao thông - Vận tải, Thủy lợi và Mỏ - Địa chất thành lập Liên minh Đổi mới sáng tạo, Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VISTA). Cụm liên minh sẽ cùng hỗ trợ, chia sẻ nguồn lực nội tại và kết nối các nguồn lực bên ngoài để hỗ trợ có hiệu quả cho sinh viên, giảng viên khối ngành kỹ thuật.
Hợp tác, liên kết giữa trường đại học với doanh nghiệp/tập đoàn trong đào tạo đại học là xu hướng chung của thế giới trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Hiểu một cách đơn giản, đó là quá trình phối hợp không chỉ mang lại lợi ích cho cả hai bên mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội. Trường đại học Xây dựng Hà Nội đã hợp tác với tập đoàn/doanh nghiệp (Tập đoàn Hòa Bình, Công ty Vinaconex, Outsider…) với mục tiêu hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Sự hợp tác đã bổ sung thêm nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp, đồng thời các doanh nghiệp/tập đoàn sẽ giúp các dự án khởi nghiệp giải quyết đúng bài toán cấp thiết của doanh nghiệp, xã hội.
Kinh nghiệm cho thấy, để Nhà trường có thể thu hút được doanh nghiệp tham gia hợp tác hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, yếu tố quan trọng có vai trò quyết định chính là phải “thật”, tức là phải nói thật, làm thật và có sản phẩm thật. Qua đó tạo uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp. Đây sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của giáo dục đại học gắn kết với nhu cầu của thị trường lao động.
Như vậy, hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp/tập đoàn không chỉ mở ra \'cánh cửa\' mới cho các trường đại học trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội, mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia chủ động vào quá trình phát triển nguồn nhân lực, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững. Sự hợp tác này đòi hỏi sự đổi mới, chủ động của cả trường đại học và doanh nghiệp - được coi là một bước tiến quan trọng hướng tới một hệ thống giáo dục đại học hiện đại và hội nhập.
Phó Hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Giang cũng cho biết thêm: Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đang chuẩn bị để phát triển ban/trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp trong nhà trường và hướng tới tăng cường hơn nữa kết nối chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị thành viên trong Liên minh VISTA trong việc liên kết mạng lưới các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp của khối trường kỹ thuật.
Kim Dung
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngành xây dựng
- Công bố chương trình ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngành xây dựng HUCE-INTECH 2023
- Công bố Dự án hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên của khối 7 trường đại học kỹ thuật
- Nhóm sinh viên chế tạo vật liệu in 3D sản xuất gốm sứ
- Hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực xây dựng
- SẺ CHIA VỀ MỘT “THẾ GIỚI THÂN THIỆN VÀ HỒN NHIÊN” CỦA TẤT CẢ TRẺ EM