Ngày 3/11 đã diễn ra cuộc họp trực tuyến giữa Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung với các địa phương trọng điểm về các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 mà theo đánh giá của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là “đúng, trúng, kịp thời”.
Qua theo dõi, Bộ trưởng đánh giá cao tính chủ động của các địa phương khi ban hành nhiều chính sách hỗ trợ riêng cho người dân để vượt qua đại dịch. Các chính sách hỗ trợ của địa phương đã kịp thời, hiệu quả, góp phần rất quan trọng trong việc giữ chân và đảm bảo đời sống của người lao động, cũng như đối với lao động tự do.
Theo nhận định của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sau hơn một tháng kết thúc giãn cách xã hội, các địa phương trở lại trạng thái bình thường mới trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả. Nhìn chung đã có 70-75% doanh nghiệp và người lao động quay trở lại làm việc, đặc biệt có những địa phương đạt tỷ lệ trên 90%.
“Các địa phương, khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp cũng đều tự nhận định rằng, nếu như tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định như hiện tại, thêm vào đó tiến độ triển khai tiêm vaccine được đẩy nhanh hơn, diện bao phủ rộng hơn, thì có khả năng trong cuối quý I, đầu quý II năm 2022 tình hình lao động, việc làm của các địa phương sẽ được khôi phục lại như trước thời điểm bùng phát dịch.” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kết luận.
Tính tới ngày 30/10, số lượng doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP HCM đã quay trở lại hoạt động là 1.430/1.500 đơn vị (chiếm tỷ lệ 95,33%), với số lao động làm việc là 256.356 người (chiếm 76,3%).
Đại diện Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất TP HCM cho biết do các doanh nghiệp vẫn đang phải thích ứng từng bước theo bộ tiêu chí sản xuất an toàn của TP HCM nên các nhà máy, xí nghiệp vẫn chưa trở lại sản xuất 100% mà phổ biến mới đạt 50-70%.
Hiện TP HCM cũng đang tìm kiếm nguồn lao động thông qua phối hợp với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tham gia các sàn giao dịch việc làm trực tuyến trong tháng 10 và tháng 11.
Trong khi đó đại diện tỉnh Bình Dương cho biết hiện có 4.504 doanh nghiệp đăng ký và hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ, “1 cung đường 2 địa điểm”, “3 xanh” với tổng số lao động làm việc trên 724.000 người.
Bình Dương đang xây dựng cơ chế thông thoáng, thuận lợi về đăng ký phương án hoạt động sản xuất nên từ giữa tháng 11, số doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh dự báo đạt trên 80%, tương ứng với gần 1,06 triệu lao động sẽ trở lại làm việc.
Liên quan đến vấn đề người dân, người lao động di chuyển từ các thành phố lớn về quê cũng được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, lượng người trở về quê tương đối lớn, nhưng tập trung chủ yếu vào khu vực lao động phi chính thức, lao động tự do.
Bộ trưởng yêu cầu các địa phương, một mặt phải tiếp nhận người dân quay trở về quê, mặt khác cần có chính sách tạo việc làm để thu hút người lao động quay trở lại thành phố làm việc. Cùng với đó là chính sách chăm lo, tạo công ăn việc làm cho người lao động có mong muốn ở lại địa phương.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần khẩn trương hoàn thiện báo cáo đánh giá đầy đủ tình hình lao động - xã hội để đề xuất ban hành các chính sách, trong đó tập trung vào 3 vấn đề lớn: giữ chân người lao động; hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động và điều tiết thị trường, tập trung giải quyết cán cân cung cầu lao động.
Đối với lao động chính thức trong khu vực FDI, lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng về cơ bản đã giữ chân được người lao động khi các doanh nghiệp được cảnh báo từ sớm, qua đó doanh nghiệp chủ động lựa chọn phương án hoạt động, đồng thời có chính sách khôn khéo để giữ chân người lao động thông qua việc thường xuyên giữ liên lạc, giữ mối quan hệ và hỗ trợ một phần cho những người lao động tạm ngừng việc.
“Bản thân các doanh nghiệp đã hỗ trợ rất tốt cho người lao động của mình, điều này lý giải cho việc kết quả triển khai chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc không hưởng lương thời gian vừa qua còn tương đối thấp” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng đánh giá tình hình và chuẩn bị báo cáo trên cơ sở thực tiễn về đề án chương trình phục hồi lao động, phải viết một cách chính xác, không bệnh thành tích, không thồi phồng vấn đề lên.
Theo Tầm nhìn
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Thủ tướng chỉ đạo các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp
- Dự kiến lương tối thiểu vùng tăng 6%
- Giá xăng được điều chỉnh giảm hơn 900 đồng/lít
- Sắp ra mắt Cổng thông tin cơ sở dữ liệu thương mại Việt Nam
- Thêm 600 người Việt Nam sơ tán khỏi vùng chiến sự Ukraine về nước
- Thủ tướng: Xây dựng Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước