Từng bước phục hồi
Theo nghiên cứu thị trường của các doanh nghiệp địa ốc, nguồn cung thị trường BĐS trong năm 2021 hạn chế. Nguyên nhân do giãn cách xã hội kéo dài bởi dịch Covid-19 khiến thị trường BĐS bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, ngành BĐS vẫn phát triển. Đồng thời, xã hội bước vào giai đoạn “bình thường mới” cùng với các chính sách khôi phục kinh tế của Chính phủ. Theo các chuyên gia BĐS, nhìn chung bức tranh thị trường BĐS năm 2022 sẽ lạc quan hơn khi các hoạt động kinh tế từng bước hồi phục trở lại.
Ông Võ Hồng Thắng - Trưởng phòng R&D DKRA Việt Nam cho rằng, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền trong năm 2022 có thể sẽ phục hồi và tăng so với năm 2021, tập trung chủ yếu ở các tỉnh như: Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, trong khi TP.HCM tiếp tục duy trì sự khan hiếm. Đất nền tiếp tục được lựa chọn là kênh đầu tư hàng đầu. Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới có thể lên đến khoảng 30.000 căn, đặc biệt tăng mạnh ở TP.HCM và Bình Dương.
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2022, việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm dự kiến vẫn tiếp tục diễn ra do còn rất nhiều lô đất sẽ tiến hành đấu giá các đợt sau. Vì vậy, hoạt động đấu giá “đất vàng” trên bán đảo này tiếp tục trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của giới đầu tư năm 2022 và nhiều khả năng ảnh hưởng lớn đến mặt bằng giá BĐS toàn thị trường TP.HCM và vùng ven theo hướng điều chỉnh lên cao hơn nữa.
Chuyển biến tích cực
Theo các chuyên gia, thời gian qua, sự khan hiếm nguồn cung của loại hình nhà ở vừa túi tiền khiến thị trường BĐS mất cân bằng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì gia tăng tình trạng đầu cơ, mua đi bán lại, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển và quy hoạch đô thị, nhất là chủ trương tăng diện tích nhà ở bình quân đầu người tại các đô thị lớn. Tại TP.HCM, nguồn cung chủ yếu ở TP. Thủ Đức. Căn hộ hạng A và hạng B vẫn đang dẫn dắt thị trường BĐS trong khi nguồn cung căn hộ hạng C tiếp tục khan hiếm.
Trước thực tế này, chuyên gia kinh tế Lê Chí Nhân cho rằng, doanh nghiệp BĐS rất cần được Nhà nước hỗ trợ về cơ chế, thuế để khơi thông dòng vốn cho thị trường BĐS phục hồi tăng trưởng trong thời gian tới. Năm 2022 có thể được xem là năm bản lề trong việc chuyển trạng thái kinh tế từ ứng phó đại dịch sang kiểm soát đại dịch. Nền kinh tế sẽ đi vào giai đoạn phát triển mới. Vì vậy, thị trường BĐS cũng sẽ có định hướng mới trong việc đầu tư và phát triển. Còn khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp, cần lựa chọn các nhà đầu tư phát triển dự án có uy tín, có tiềm năng và có dự án tốt.
Còn ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) nhận định, thị trường BĐS trong năm 2022 phụ thuộc rất nhiều vào việc kiểm soát dịch Covid-19. Dự kiến nửa đầu năm 2022, nguồn cung mới và sức mua có thể tăng nhẹ. Đến nửa cuối năm 2022, thị trường BĐS sẽ sôi động hơn, nguồn cung mới và thanh khoản có thể tăng trưởng nhưng sẽ tập trung vào các dự án có hạ tầng tốt, pháp lý đầy đủ, vị trí thuận lợi. Tuy nhiên, cũng cần phải có những chính sách, nhất là chính sách thuế, công khai quy hoạch, phát triển đô thị... để loại bỏ những “cơn sốt đất ảo” do “cò” đất tung tin thổi giá làm nhiễu loạn thị trường BĐS như những năm trước đây.
“Năm 2022, dự báo thị trường BĐS sẽ có những chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 vẫn là một rủi ro phải tính đến, có thể có tác động mạnh đến thị trường BĐS. Trên thực tế, thị trường BĐS hiện nay vẫn có nhiều lợi thế khi thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư cả nội lẫn ngoại. Với quy mô dân số khoảng 100 triệu dân, độ tuổi từ 25 - 40 chiếm tỷ lệ 55% thì nhu cầu nhà ở và sức mua sắm vẫn rất lớn”.
Ông Lê Hoàng Châu
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA)
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Căn hộ tăng giá dịp cuối năm
- Nam Group lên kế hoạch Bắc tiến, dự kiến chào sân 10,000 sản phẩm năm 2022
- Broadway Thanh Long Bay – Đầu tư khách sạn kiểu mới tối ưu lợi nhuận
- Bước đi mới của KPF sau khi thoái vốn tại công ty con
- Nhà liền thổ Bình Dương, phân khúc đầu tư hấp dẫn sau dịch
- TP.HCM: Nguồn cung căn hộ bán giảm