Sơn Hà -
 
Hai hộ dân với 10 nhân khẩu bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ tại xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa hàng ngày vẫn phải băng qua mỏ đá của Công ty CP Phú Nam Sơn để có thể vào nhà.

 Băng qua mỏ đá để vào nhà

Trên địa bàn xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn (Tĩnh Gia), tỉnh Thanh Hóa, có nhiều mỏ khai thác đá. Trong đó, Công ty CP Phú Nam Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép khai thác khoáng sản và thuê đất khai thác, chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, hoạt động khai thác và chế biến đá của Công ty CP Phú Nam Sơn chưa đảm bảo an toàn.

Picture1

Đường dân sinh trong nằm trong khu vực mỏ

Theo phản ánh của người dân sinh sống gần mỏ đá và ghi nhận của phóng viên, tại mỏ đá Phú Nam Sơn, có 2 hộ dân, với 10 nhân khẩu, trong đó có 4 trẻ nhỏ, hàng ngày vẫn phải băng qua mỏ đá để tới trường học và người lớn đi lao động với mọi sinh hoạt đều phải qua đây.

Ông Lê Văn Thông (sinh năm 1960) cho biết: “Gia đình tôi chuyển về đây từ năm 1990, hiện tại đã chia thành 2 hộ, gồm 10 nhân khẩu. Từ trước tới giờ mọi lao động sinh hoạt của gia đình tôi đều phải đi qua mỏ đá Phú Nam Sơn”.

Không chỉ vấn đề an toàn tính mạng con người mà tài sản của những hộ dân sinh sống quanh khu vực này cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Một số nhà dân sống quanh mỏ đá đã có dấu hiện rạn nứt, đe dọa đến tài sản và tính mạng con người. 

Picture2

Sự nguy hiểm luôn đe dọa cuộc sống của những gia đình sống phía sau mỏ đá

Bà Vũ Thị Hạnh sinh sống gần mỏ đá Phú Nam Sơn cho biết: “Nhà tôi bị nứt từ trên mái xuống tới móng rồi. Chúng tôi ở trong nhà mình, mà lúc nào cũng nơm nớp, sợ sệt như ở trong một “cái bẫy”. Chúng tôi đã báo cáo lên UBND xã, đề nghị được di dời, nhưng đến nay vẫn chưa thấy phản hồi…”

Trước phản ánh của người dân, chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Anh Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn. Ông Hùng cho biết, con đường chạy qua mỏ đá của Phú Nam Sơn, đang có 2 hộ dân sinh sống trong đó, và một số bà con trong khu vực đó phải đi qua mỏ đá để ra đồng canh tác.

Để đảm bảo an toàn, địa phương cũng đã có hướng, để chủ mỏ đá và các hộ dân sinh sống gần mỏ bàn bạc, thỏa thuận để di dời các hộ dân ở đây sang ở khu vực khác, xa mỏ đá.

Tuy nhiên, ý kiến ông Hùng cho thấy đây mới chỉ là “có hướng”. Còn hướng này đến bao giờ mới trở thành sự thật thì chưa ai biết. Trong khi đó, nguy hiểm vẫn luôn rình rập và cận kề cuộc sống của người dân trong khu vực này.

Kho thuốc nổ đặt sát nhà dân?

Liên quan đến mỏ đá Phú Nam Sơn, Công ty này còn đặt một kho mìn ngay sát hộ gia đình bà Vũ Thị Hạnh, làm gia đình bà Hạnh luôn nơm nớp lo âu, như có một quả bom nổ chậm đặt cạnh nhà mình.

Ngay phía cổng ra vào kho mìn, Công ty có treo biển cảnh báo cháy nổ. Tuy nhiên nguy hiểm cháy nổ này, lại được đặt ngay cạnh gia đình bà Hạnh. Điều này đã đặt ra câu hỏi liệu lãnh đạo mỏ đá có biết không, và ai, cơ quan nào đã cho phép Công ty đặt kho mìn như thế?! Nếu trong trường hợp kho mìn xảy ra sự cố, gây ảnh hưởng cả gia đình bà Hạnh, thì ai là người chịu tránh nhiệm vấn đề này?!

Picture3

Người dân chỉ vị trí đặt kho mìn

Ông L.V.T, người trước kia đã có nhiều năm làm việc tại mỏ đá này cho những chủ trước cho hay: “Ngôi nhà trắng mái bằng, sát cạnh nhà bà Hạnh kia chính là kho mìn. Xây dựng như vậy là không đảm bảo khoảng cách với nhà dân. Vì thuốc nổ TNT, có sức công phá ghê gớm lắm”.

Picture4

 Kho mìn đặt cách nhà dân chỉ khoảng trên 40m

Trước những bất cập, tồn tại ở mỏ đá Phú Nam Sơn đã đến lúc cần phải có sự vào cuộc các cơ quan chức năng ở xã Tân Trường và thị xã Nghi Sơn để kiểm tra làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Từ đó sớm đề ra hướng giải quyết và khắc phục những tồn tại, đảm bảo an toàn cho cuộc sống của những hộ dân sinh sống quanh khu vực này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh đến bạn đọc về sự việc này. 

Bạn nghĩ sao?