Không công khai báo cáo tài chính theo quy định
Theo tìm hiểu của PV, trên website amaccao.vn đây là trang thông tin điện tử chính thức của Tập đoàn AMACCAO. Website này giới thiệu về quá trình phát triển tập đoàn, lĩnh vực hoạt động, cho thuê và lắp dựng điện gió, đơn vị thành viên, tin tức, dự án và thư viện. Nhưng hiển nhiên một điều mà các nhà đầu tư quan tâm là báo cáo tài chính của Tập đoàn lại không được công khai.
Mặc dù, AMACCAO là công ty cổ phần chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, nhưng việc công bố báo cáo tài chính trên website là điều bắt buộc theo khoản 2 điều 176 Luật Doanh nghiệp 2020 đưa ra.
Cụ thể, theo khoản 2 điều 176 Luật Doanh nghiệp 2020 Công ty cổ phần công bố trên trang thông tin điện tử của mình thông tin sau đây:
a) Điều lệ công ty;
b) Sơ yếu lý lịch, trình độ học vấn và kinh nghiệm nghề nghiệp của các thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty;
c) Báo cáo tài chính hằng năm đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua;
d) Báo cáo đánh giá kết quả hoạt động hằng năm của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
Trong trường hợp doanh nghiệp không công khai báo cáo tài chính thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 41/2018/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán.
Trong trường hợp doanh nghiệp công khai báo cáo tài chính chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định 41/2018/NĐ-CP. Nếu doanh nghiệp công khai báo cáo tài chính chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 12 Nghị định 41/2018/NĐ-CP của Chính Phủ.
Còn nếu doanh nghiệp không công khai báo cáo tài chính theo quy định thì bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 12 Nghị định 41/2018/NĐ-CP của Chính Phủ.
Hệ sinh thái của AMACCAO
Theo như lời giới thiệu trên website thì AMACCAO là một tập đoàn đa ngành hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, giáo dục, xây dựng, đầu tư,… Tập đoàn có trụ sở tại 689 Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội. Dù thành lập từ năm 1995 nhưng phải sau năm 2010 tập đoàn mới được nhiều người biết đến rộng rãi thông qua các dự án đầu tư.
AMACCAO hiện có 05 cụm công nghiệp, 16 nhà máy được đặt tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Nam, Lai Châu và 21 Công ty thành viên. Những công ty này đều là những pháp nhân độc lập, hoạt động kinh doanh và hạch toán kế toán độc lập và điều hành dưới chung một sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tô Văn Năm (sinh năm 1969).
Theo dữ liệu năm 2018, AMACCAOcó vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT Tô Văn Năm sở hữu 90% cổ phần. Ngoài doanh nhân Tô Văn Năm ra thì bà Tô Anh Minh cũng sở hữu 9%. Hai cá nhân là ông Tô Văn Nhật và bà Tô Thị Đường mỗi người nắm giữ 0,5% còn lại.
Theo tìm hiểu của PV thì ông Tô Văn Năm và ông Tô Văn Nhật là người đại diện pháp luật của nhiều công ty trong hệ sinh thái AMACCAO.
Là tập đoàn đa ngành nhưng dư luận biết đến AMACCAO nhiều ở trong lĩnh vực thi công, xây lấp. Đặc biệt, công ty thành viên của tập đoàn là Cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinadic) đã mang lại những thành công nhất định cho tập đoàn khi liên tục trúng các gói thầu lớn qua các năm, nhất là khoảng thời gian từ năm 2015 trở về đây.
Được biết,Vinadic có vốn điều lệ 1.350 tỷ đồng, trong đó Chủ tịch HĐQT Tô Văn Năm nắm giữ 98,7% vốn điều lệ. Doanh nghiệp này chuyên thi công và xây lắp những dự án đường giao thông, dự án san lấp hạ tầng, dự án thủy lợi và các công trình xây dựng dân dụng.
Vinadic còn sở hữu dự án Nhà ở văn phòng IA4 (vốn đầu tư 300 tỷ đồng) và 4 cụm công nghiệp đang hoạt động gồm các khu công nghiệp Vân Nội, Nguyên Khê, Phổ Yên và Phủ Lý với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực năng lượng - môi trường, AMACCAO là chủ đầu tư các dự án như: Nhà máy điện gió Tân Liên (Quảng Trị); nhà máy điện gió Hướng Lộc (Quảng Trị); 3 dự án nhà máy thủy điện tại Lai Châu là Nhà máy thủy điện Nậm Lằn, Nhà máy thủy điện Nậm Củm 2, Nậm Củm 3 và đặc biệt đầu tư các dự án nhà máy điện rác như Nhà máy điện rác Xuân Sơn (Sơn Tây – Hà Nội) và Nhà máy điện rác Châu Can (Phú Xuyên - Hà Nội) với tổng mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, tập đoàn này đang sở hữu thương hiệu ống nhựa Châu Âu (EUROPIPE). Nhà máy sản xuất ống nhựa EUROPIPE nằm trong cụm công nghiệp Phổ Yên (Thái Nguyên) có diện tích lên tới 8 ha với tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, thuộc Top 3 nhà máy sở hữu năng lực sản xuất các sản phẩm ống nhựa và phụ kiện có đường kính lên tới 1200 mm.
Theo Tầm nhìn
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Suntory Pepsico Việt Nam khẩn trương hỗ trợ nước sạch cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3
- Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4: Chấp hành tốt quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng hóa chất
- Nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024)
- Lãnh đạo thực hiện kế hoạch sản xuất điện nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Đảng bộ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân
- Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4: Vượt sản lượng điện trong mùa khô 2023-2024
- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên