Diệp Anh -
 
Trong bối cảnh kinh tế chịu nhiều biến động do dịch bệnh COVID-19, bài toán xây dựng nền tảng số riêng của Việt Nam đã và đang được các doanh nghiệp, cá nhân tính đến.
Khách hàng sử dụng Ví MoMo thanh toán khi mua hàng.

Khách hàng sử dụng Ví MoMo thanh toán khi mua hàng.

Một số nghiên cứu cho rằng, tổ chức kinh doanh trên các nền tảng số hoặc khởi nghiệp trên các mô hình số sẽ là giải pháp cứu nguy cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân tại thời điểm này.

Thực tế, các nền tảng số riêng của Việt Nam đã được phổ biến và dần trở thành thói quan sử dụng của người dân như: Ahamove (logistic), Momo (dịch vụ ví điện tử), Tiki (bán lẻ)… Nhất là trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, người dân sử dụng các dịch vụ này thay thế cho việc mua sắm, giao dịch trực tiếp trước đây.

Báo cáo về nền kinh tế số Đông Nam Á của Google, Tamesek và Bain&Company năm 2019 cho thấy, kinh tế số của Việt Nam và Indonesia tăng trưởng dẫn đầu khu vực Đông Nam Á (khoảng 38%). Dự kiến có thể đạt mục tiêu 43 tỷ USD vào năm 2025; trong đó, kinh tế nền tảng chiếm vai trò quan trọng.

Hiện Việt Nam sở hữu các nền tảng số hoạt động đa dạng lĩnh vực tương tự như trên thế giới, ngoại trừ trên hệ điều hành hoặc năng lượng và công nghiệp nặng. Đơn cử như Zalo - Ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí tương tự như Whatssap của Facebook. Năm 2019, Zalo đạt doanh thu tăng trưởng ở mức 20% và lợi nhuận trước thuế tăng 1,5 lần lên mức 641 tỷ đồng. Tuy nhiên, Việt Nam cũng chứng kiến không ít thất bại của các nền tảng số khác như: Lotus, Gapo - Mạng xã hội được kỳ vọng sẽ thay thế Facebook.

Theo lý giải của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), với những nền tảng Việt xây dựng dựa trên format của thế giới nếu không có tính sáng tạo đặc biệt hoặc tính địa phương cao sẽ không thể tham gia vào thị trường mà những “tay chơi ngoại quốc” đã chiếm vị trí độc tôn.

VEPR đưa ra ví dụ đối với dịch vụ ví điện tử Momo. Momo chiếm ưu thế hơn so với các nền tảng nước ngoài nào như Paypal vì hệ thống ngôn ngữ, giao diện gần gũi với người Việt, khả năng kết nối với nhiều ngân hàng nội địa thông qua hệ thống thẻ tín dụng mà phần đông người Việt sở hữu. Tương tự như vậy, so với Whassapp, Line, Kakao Talk, Zalo chiếm được ưu thế nhờ thân thiện với người Việt từ ngôn ngữ, giao diện, phương thức cài đặt…

Các chuyên gia cho rằng, các nền tảng muốn vươn ra ngoài nước, trước hết nên đảm bảo sự sinh tồn tại thị trường thân quen nhất đó là thị trường nội địa. Để cạnh tranh với những nền tảng đã có sẵn với đông người sử dụng, không còn cách nào khác ngoài gia tăng tính khác biệt và tính nội địa hóa.

Để làm được điều này, theo ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị UPGen, Việt Nam chỉ cần xây dựng những nền tảng số phục vụ riêng cho sản xuất kinh tế. Những nền tảng phục vụ giải trí, xã hội thì nên dùng các nền tảng đã có của thế giới.

Đồng tình với quan điểm của Chủ tịch Hội đồng quản trị UPGen, ông Trịnh Minh Giang - Chủ tịch Venture Management Consulting Group, Sáng lập Strategy Academy, Phó Chủ tịch Vietnam Mentor Initiative chia sẻ, các nền tảng đều nên có và các quốc gia đều có cơ hội sáng tạo ra nền tảng mới. Việt Nam là đất nước có dân số đông và do yếu tố thiết yếu hiện nay thì các nền tảng là điều rất cần thiết. Đây chính là cơ hội cho nền tảng riêng của Việt Nam và các nhà khởi nghiệp.

“Các nhà khởi nghiệp có thể phát triển được là nhờ vào môi trường. Nếu nhà nước đưa ra được các chính sách dài hạn thích hợp như Singapore giúp đỡ các nhà khởi nghiệp thì họ có thể thực sự thành công”, ông Trịnh Minh Giang nói thêm.

Với đặc thù các nền tảng phụ thuộc vào yếu tố công nghệ, cùng việc đưa ra các công nghệ phù hợp, việc gia tăng tính khác biệt và tính nội địa hóa chính là yếu tố bảo đảm tính khả thi để xây dựng nền tảng số riêng mang thương hiệu “Made in Viet Nam”./.

Bạn nghĩ sao?