Chi Mai -
 
Sau khi thanh toán hết trái phiếu VAMC vào cuối tháng 3, Eximbank đã đủ điều kiện để có thể chia cổ tức. Ngân hàng đang trình văn bản đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank - EIB) vừa cập nhật thêm tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 lần 3 và ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 vào ngày 27/4.

Muốn trả cổ tức sau 7 năm không chia

Eximbank cho biết, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC có thời hạn trên 5 năm hoặc được gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt sẽ không được chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho tới khi trái phiếu đặc biệt có thời hạn trên 5 năm hoặc trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán. Eximbank được NHNN chấp thuận tổng thời gian gia hạn và thời gian gốc là 10 năm kể từ ngày phát hành đối với trái phiếu đặc biệt phát hành từ năm 2015 trở về trước. Các trái phiếu đến cuối năm 2020 còn một phần chưa được thanh toán hết. Tuy nhiên, đến ngày 30/03/2021, Eximbank đã thanh toán hết trái phiếu đặc biệt VAMC.

kinh doanh

 

Do đó, Eximbank đã có văn bản trình NHNN chấp thuận cho Eximbank được chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2021. Sau khi được NHNN chấp thuận, Eximbank sẽ trình cổ đông phương án phân phối cụ thể, dự kiến với số lợi nhuận được chia sau khi trừ các quỹ năm 2018, 2019, 2020 là gần 2,214 tỷ đồng. Sau khi trừ đi số cổ phiếu quỹ, Eximbank dự kiến chi cổ tức 1,800 đồng/cổ phiếu.

Trong năm 2021, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.150 tỷ đồng, tương đương tăng 63% so với năm trước. Tổng tài sản mục tiêu đạt 177.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2020. Trong đó, dự nợ cấp tín dụng đạt 117.000 tỷ đồng, tăng 15%. Tuy nhiên, Eximbank sẽ điều chỉnh trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước có thông báo.

Ngoài ra, ngân hàng kế hoạch quy mô huy động vốn đạt 148.000 tỷ đồng, tăng 10%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng kiểm soát khống quá 2,5% tổng dư nợ.

Sửa điều lệ người đại diện pháp luật

Theo quy định Luật các Tổ chức tín dụng 2010 và Điều lệ Eximbank, “Tổng Giám đốc là đại diện theo pháp luật của Ngân hàng”. Tuy nhiên, thực tế hoạt động xảy ra trường hợp hợp đồng lao động của Tổng Giám đốc hết hiệu lực, miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc và Ngân hàng chưa hoàn tất thủ tục theo quy định để bổ nhiệm nhân sự thay thế.

eximbank

Sau 7 năm không chia, Eximbank trình kế hoạch trả cổ tức 1.800 đồng/cổ phiếu 

Nếu như vậy, theo quy định hiện hành thì chức danh Tổng Giám đốc ngân hàng phải được NHNN xem xét chấp thuận nhân sự dự kiến trước khi HĐQT bổ nhiệm. Do đó, trong thời gian khuyết chức danh Tổng Giám đốc đảm bảo đủ cơ sở pháp lý đại diện cho Eximbank thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh, Eximbank trình ĐHĐCĐ sửa đổi điều lệ Ngân hàng.

Đề xuất sửa đổi Người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng là “Tổng Giám đốc hoặc Chủ tịch HĐQT trong thời gian khuyết chức danh Tổng Giám đốc mà chưa hoàn tất bổ sung bầu thay thế”, thay vì chỉ có “Tổng Giám đốc” như điều lệ hiện hành.

Hiện nay, Eximbank vẫn chưa bổ sung được nhân sự cho vị trí Tổng Giám đốc. Ông Nguyễn Cảnh Vinh đang nắm giữ chức Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng hàng.

Xin sửa điều kiện tiến hành họp ĐHĐCĐ

Eximbank là ngân hàng duy nhất đến nay vẫn chưa thể tổ chức thành công ĐHĐCĐ 2020 và đã từng triệu tập cổ đông rất nhiều lần nhưng đều thất bại do dịch bệnh hoặc không đủ tỷ lệ tham dự.

Tại kỳ họp này, Eximbank trình sửa đổi tỷ lệ số cổ đông dự họp trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết để có thể tiến hành ĐHĐCĐ giảm từ 65% xuống 50%.

Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành, thì thông báo mời họp lần thứ 2 phải được gửi trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. ĐHĐCĐ lần thứ hai được tiến hành khi tỷ lệ giảm từ 51% xuống 33%. Trường hợp cuộc họp lần thứ 2 không đủ điều kiện tiến hành, cuộc họp lần thứ 3 sẽ được tiến hành không phụ thuộc vào tỷ lệ cổ đông dự họp. HĐQT Eximbank cũng muốn điều chỉnh tỷ lệ tán thành để thông qua quyết định của ĐHĐCĐ từ 65% xuống 50%.

Tại cuộc đại hội lần này, Eximbank dự kiến trình cổ đông phê duyệt kế hoạch đầu tư dự án Trụ sở ngân hàng tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TP.HCM. Đây là dự án đã được Eximbank thực hiện từ 10 năm trước, hiện giá trị tài sản trên sổ sách kế toán là 240 tỷ đồng.

Bạn nghĩ sao?