Văn Đức -
 
Ngày 6/5, tại trụ sở Ủy ban nhân dân phường Phương Nam, thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, hỗ trợ và tiêu thụ vải chín sớm Phương Nam năm 2020.
images1385696_IMG_20200506_141656

 

Tại hội nghị nhiều đại diện các đơn vị, doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn thành phố Uông Bí và các hợp tác xã vải, các thương lái truyền thống trong và ngoài tỉnh đã ký thỏa thuận ghi nhớ về việc tiêu thụ sản phẩm quả vải chín sớm Phương Nam năm 2020.

Uông Bí là địa phương có diện tích và sản lượng vải đứng thứ 2 ở Quảng Ninh, sau thị xã Đông Triều. Tuy nhiên, đây là loại vải chín sớm so với vải thiều chính vụ (thu hoạch vào giữa tháng 5) nên có giá trị cao về mặt kinh tế, khoảng 240 triệu đồng/ha.

Do đó, vùng trồng vải chín sớm Phương Nam được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh quy hoạch là một trong 17 vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung của tỉnh. Hiện nay trên địa bàn phường có trên 1.500 hộ gia đình chuyển đổi diện tích trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng vải chín sớm.

images1385699_IMG20200506084742

 

Mặc dù vải chín sớm Phương Nam có năng suất cao, chất lượng tốt, song những năm trước đây người dân trồng vải còn gặp nhiều khó khăn về giá cả và thị trường tiêu thụ; kỹ thuật trồng chủ yếu dựa trên kinh nghiệm là chính. Trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, năm 2017, thành phố đã phê duyệt dự án “Sản xuất Vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP”.

Dự án được thực hiện trên 280 ha vải chín sớm của các khu Cẩm Hồng, Phong Thái, Hiệp Thanh, Hồng Hà, Hồng Hải, Đá Bạc, Bạch Đằng 1 và Bạch Đằng 2, khoảng 1.000 hộ tham gia với tổng mức đầu tư gần 16 tỷ đồng.

Dự án đặt ra 4 mục tiêu: an toàn cho thực phẩm; an toàn cho người sản xuất; bảo vệ môi trường; truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm và 3 nhiệm vụ gồm: Chuyển giao kỹ thuật và đào tạo, tập huấn, tham quan, học tập về kỹ thuật sản xuất vải chín sớm theo tiêu chuẩn VietGAP; Xây dựng mô hình sản xuất vải chín sớm theo tiêu chuẩn VietGAP và tổ chức các hội nghị, hội thảo, thông tin tuyên truyền.

Sản phẩm vải chín sớm Phương Nam có hình tròn, trọng lượng trung bình từ 25-30 gam, cùi quả giòn và dày từ 0,93-1,2cm, tỷ lệ phần ăn được đạt 65-70%, vỏ mỏng khi chín có màu đỏ tươi. Mùi thơm đặc trưng, vị ngọt mát, chua dịu không chát. Hàm lượng nước từ 79-85%, đường tổng số từ 11,7-16,2%, Vitamin C từ 15-22%... Thời điểm thu hoạch vào giữa tháng 5, trước khi thu thu hoạch các loại vải khác từ 20-30 ngày.

images1385698_IMG_1588747629558_1588749568708

 

Qua 4 năm triển khai dự án, tình hình sản xuất, tiêu thụ vải chín sớm Phương Nam đã có những chuyển biến tích cực. Từ chỗ sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún, đến nay đã hình thành vùng sản xuất tập trung, hiệu quả kinh tế cao và ổn định. 100% hộ dân tham gia thực hiện dự án đã nghiêm túc áp dụng các biện pháp canh tác theo quy trình. Diện tích, sản lượng và chất lượng quả vải được nâng lên.

Đến năm 2020 diện tích vải chín sớm trên địa bàn phường đã đạt trên 327 ha, diện tích cho thu hoạch là 320 ha. Sản lượng năm 2020 ước đạt 4.000 tấn cao hơn năm 2017 là 2.000 tấn.

Trong thời gian tới, thành phố Uông Bí tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện hoàn thành dự án sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP ở cả hai giai đoạn với tất cả các mục tiêu và nhiệm vụ đã được phê duyệt, đưa 100% diện tích vải chín sớm trong vùng thực hiện dự án đều đủ điều kiện cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP./.

Bạn nghĩ sao?