Nhiều doanh nghiệp KH&CN chưa được hưởng ưu đãi về đất đai
Theo Bộ KH&CN, do quỹ đất ở nước ta về cơ bản còn hạn chế nên trong một số trường hợp, vì hết quỹ đất, các địa phương chỉ có thể chọn lọc một nhóm các đối tượng ưu tiên để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất. Nhiều doanh nghiệp KH&CN dù thuộc đối tượng nhưng cũng không thể tiếp cận để hưởng ưu đãi về đất đai theo quy định. Nhìn chung, các doanh nghiệp KH&CN đều gặp phải khó khăn khi tiếp cận các chính sách ưu đãi về đất đai.
Đơn cử như về quyền và nghĩa vụ của tổ chức được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần trong cả thời gian thuê, tại Điểm c, Khoản 4, Điều 174 Luật Đất đai quy định trường hợp được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư vì mục đích lợi nhuận (trừ dự án kinh doanh nhà ở) mà được miễn tiền thuê đất thì có quyền và nghĩa vụ như trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm. Tuy nhiên, quy định này chưa nêu rõ là áp dụng đối với trường hợp cho thuê đất cho toàn bộ thời gian thuê hay miễn tiền thuê đất trong một số năm.
Trong khi đó, bất kỳ người sử dụng đất nào cũng được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản nhưng tối đa không quá 3 năm theo quy định Khoản 2, Điều 19, Nghị định 46/2014/NĐ-CP. Như vậy có thể thấy rằng quy định Khoản c, Khoản 4, Điều 174 Luật chỉ phù hợp trong trường hợp được miễn toàn bộ thời gian thuê.
Một khó khăn, vướng mắc khác là Luật Đất đai về cơ bản chưa có quy định đầy đủ chính sách miễn giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp KH&CN theo quy định Nghị định số 13/2019/NĐ-CP; cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Khoản 3, Điều 12 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách đất đai
Bộ KH&CN kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát một số nội dung cụ thể để đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, hoàn thiện các chính sách về đất đai trong lĩnh vực KH&CN để giải quyết những khó khăn, vướng mắc tồn tại.
Cụ thể, về quyền và nghĩa vụ của tổ chức được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần trong cả thời gian thuê, tại Điểm c, Khoản 4, Điều 174 Luật Đất đai cần chỉnh sửa và làm rõ về nội dung “miễn tiền thuê đất” tại quy định này cho rõ ràng để thuận lợi trong quá trình áp dụng thực hiện.
Về ưu đãi cho các doanh nghiệp KH&CN, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ cần sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và các nội dung đã đề cập. Cụ thể bổ sung Điểm g và Điểm h, Điều 110 Luật Đất đai về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất như: “g) đất xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học của các doanh nghiệp KH&CN; đất sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN của doanh nghiệp KH&CN”; “h) cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.
Về chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng dự án đầu tư trong Khu công nghệ cao, cần xem xét quy định cụ thể và chặt chẽ hơn về điều kiện chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng đất trong Khu công nghệ cao để tránh tình trạng đầu cơ đất để chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng đất đai một cách tràn lan, ảnh hưởng đến sự ổn định trong quản lý các Khu công nghệ cao.
Tính đến hết năm 2020, cả nước có 538 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, trong đó có 24 doanh nghiệp được hưởng ưu đãi đất đai, tổng số tiền được miễn, giảm là 219 tỷ đồng. Thông qua việc cho thuê đất, doanh nghiệp khi nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được Nhà nước bảo đảm quyền được ưu đãi đất đai, yên tâm đầu tư trên diện tích đất được thuê, được ưu đãi.Bên cạnh đó, Bộ KH&CN kiến nghị Bộ TN&MT nghiên cứu, đề xuất đổi mới cơ chế chính sách về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất trong lĩnh vực KH&CN. Ví dụ: bổ sung đối tượng được ưu đãi, miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; cải cách thủ tục hành chính có liên quan; tăng quỹ đất phục vụ phát triển KH&CN, đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc triển khai, thực hiện các chính sách.
Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp và cho thuê đất với doanh nghiệp KH&CN. Việc thông thoáng trong thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp nhanh chóng nhận được ưu đãi, giảm thiểu thời gian chờ đợi giải quyết và giúp doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình khởi sự cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh sau này.
Cùng với đó là tăng cường thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật về đất đai liên quan đến lĩnh vực KH&CN để đánh giá thực trạng thi hành và đề xuất nội dung hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai.
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Trí tuệ nhân tạo “lột xác” ngành bất động sản: Những giải pháp đột phá từ Meey Group
- Chủ tịch Meey Group Hoàng Mai Chung: Dư địa phát triển của proptech còn rất nhiều!
- Khởi công 2 dự án thuộc Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- T&T Group gia hạn thời gian tham gia cuộc thi sáng tạo ý tưởng, thiết kế ấn phẩm Xuân 2024
- Cư dân T&T DC Complex chính thức nhận bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- T&T Group hợp tác chiến lược với tập đoàn TOP 10 của Hàn Quốc