Thôn bán sân thể thao rộng hàng nghìn m2
"Chúng tôi là những người dân ở xã Việt Lập, thật ngỡ ngàng khi xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao mà thôn Hàng Cơm chúng tôi không có sân chơi thể thao. Trước đây thôn có sân bóng rất rộng, là nơi vui chơi giải trí của thanh, thiếu niên, nhưng không hiểu sao sân bóng là đất công lại được xây nhà, thành đất ở của một hộ dân" - các ông Nguyễn Văn N. và Nguyễn C, Nguyễn H… ở thôn Hàng Cơm, xã Việt Lập phản ánh với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường.
Tìm hiểu sự việc người dân phản ánh, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch UBND xã Việt Lập, được biết, sân bóng 12+2 thôn Hàng Cơm có diện tích 7,5 sào bắc bộ. Do thiếu kinh phí để xây dựng nhà văn hóa thôn nên năm 2010 thôn Hàng Cơm đã tổ chức đấu thầu “lâu dài” sân bóng 12+2 để lấy kinh phí trả tiền xây dựng nhà văn hóa thôn. Ông Nguyễn Ngọc Bích thừa nhận, việc đấu thầu “lâu dài” đất sân bóng lấy tiền là hình thức bán đất công trái thẩm quyền. Đây là những tồn tại của chính quyền thôn trong những năm đầu xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn.
Theo các hồ sơ UBND xã Việt Lập cung cấp, thì việc đấu thầu sân bóng thôn Hàng Cơm, thu tiền một lần để lấy kinh phí xây dựng nhà văn hóa có cả nghị quyết của chi bộ Đảng của thôn, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong thôn đều nhất trí với chủ trương cho đấu thầu lâu dài đất sân bóng. Trong biên bản đấu thầu của thôn ngày 4/4/2010 có 5 gia đình dự thầu, hộ ông Giáp Văn Lâm đã trúng thầu với số tiền 106.500.000 đồng, diện tích là 2.456 m2. Trong hợp đồng giao thầu của thôn Hàng Cơm với hộ ông Giáp Văn Lâm đã “giao thầu lâu dài sân bóng 12+2 diện tích 2.456 m2. Ông Lâm được sử dụng diện tích trên vào việc xây nhà, trồng cây lâu năm”?.
Vậy diện tích sân bóng thôn Hàng Cơm sau đó được hợp lý hóa thủ tục pháp lý như thế nào? Theo ông Nguyễn Ngọc Bích, năm 2014, UBND xã Việt Lập đã làm hồ sơ đất đai, đề nghị UBND huyện Tân Yên cấp giấy CNQSDĐ cho gia đình ông Lâm. Ngày 30/6/2014, UBND huyện Tân Yên đã ra quyết định số 1070/QĐ-UBND cấp Giấy CNQSDĐ cho ông Giáp Văn Lâm, thôn Hàng Cơm, xã Việt Lập, huyện Tân Yên, thửa đất số 165/1, tờ bản đồ số 42, diện tích 300 m2.
Hiện tại gia đình ông Giáp Văn Lâm đã xây tường bao toàn bộ khuôn viên 2.456 m2, xây nhà ở trên đất. Người dân và công luận đặt câu hỏi thôn Hàng Cơm bán đất công trái thẩm quyền 2.456 m2, UBND huyện Tân Yên hợp lý hóa cho gia đình ông Lâm có giấy CNQSDĐ 300 m2 đất, vậy còn 2.156 m2 đất xung quanh nhà ông Lâm là đất gì, thuộc quyền sở hữu của ai? Nếu còn là đất công thì việc quản lý, sử dụng đất gốc là sân bóng 12+2 thôn Hàng Cơm như thế nào?
Cũng trên địa bàn thôn Hàng Cơm, xã Việt Lập, người dân còn có đơn thư về việc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang cấp lại giấy CNQSDĐ cho ông Nguyễn Đức Mạnh và bà Phí Thị Phượng với diện tích 90m2 đất ở đã cấp chồng lên đất nhà hàng xóm đã được cấp trước đó. Khu đất này được xã Việt Lập giao đất, cấp giấy CNQSDĐ cho giáo viên làm nhà ở từ năm 1994. Tuy nhiên khi chúng tôi đề nghị UBND xã Việt Lập cung cấp hồ sơ giao đất gốc cho 7 hộ ở khu vực này, sau nhiều tuần, Chủ tịch UBND xã trả lời không tìm thấy hồ sơ. Vậy xã Việt Lập quản lý hồ sơ đất đai thế nào lại có thể bị thất lạc hoặc bị mất? Nếu mất hồ sơ thì mất vào thời điểm nào, xã có lập biên bản về việc mất hồ sơ đất đai, trách nhiệm thuộc về ai?
Thu tiền không xây chợ
Một trong những tiêu chí nông thôn mới của xã là chợ dân sinh phải được xây dựng phục vụ người dân trong xã, bảo đảm mỹ quan và môi trường. Tuy nhiên chợ xã của Việt Lập, chợ Kim Tràng khá nhếch nhác và lụp xụp. Theo phản ánh của người dân từ năm 2007, UBND xã Việt Lập đã dành khu đất hàng nghìn m2 để xây dựng chợ. UBND xã đã đứng ra thu tiền của hàng chục hộ dân thuê ki ốt chợ. Mức tiền thu khác nhau, thời gian thuê không đồng nhất. Có ki ốt xã cho thuê tới 15 năm, có ki ốt được thuê tới 30 năm. Người dân không biết xã thu tiền thuê ki ốt chợ để làm gì mà hơn chục năm qua chợ vẫn chưa được xây dựng?
Theo ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch UBND xã Việt Lập thì chợ Kim Tràng được xã quy hoạch, thực hiện từ năm 2007. Các hộ kinh doanh thực hiện đấu giá thuê ki ốt chợ. Đến nay có 56 ki ốt chợ đã cho thuê với mức thuê từ 7 đến 15 triệu đồng. Thời gian thuê theo chủ trương của xã là 15 năm. Một số ki ốt có năm thuê dài hạn hơn là chưa đúng với chủ trương chung. Về tài chính, tổng thu của 56 ki ốt là 395,3 triệu đồng. Xã đã dùng số tiền đó để trả tiền xây tường bao, hệ thống thoát nước, san lấp mặt bằng khu chợ; trả tiền xây dựng trạm biến áp; xây dựng trường mầm non, công trình phụ trợ đền thờ trên địa bàn…
Như vậy, tiền thu từ việc cho thuê ki ốt chợ xã đã không xây chợ mà xã tùy tiện tự thu - tự chi, sử dụng nguồn kinh phí này để chi trả vào các việc khác làm người dân bức xúc. Việc xã cho thuê kinh doanh ki ốt chợ thời gian 15 năm, 30 năm là trái thẩm quyền.
Những vụ việc nổi cộm trên địa bàn xã Việt Lập đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Tân Yên và các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bán đất công trái thẩm quyền thôn Hàng Cơm, sử dụng tài chính chợ Kim Tràng của xã Việt Lập để công cuộc xây dựng nông thôn mới ở đây từng bước hoàn thiện đúng như UBND tỉnh đã công nhận: có chợ dân sinh được xây dựng khang trang, đường xá mở rộng đúng quy định, mỗi thôn đều có sân chơi thể thao phục vụ người dân, cán bộ có năng lực và tuân thủ pháp luật.
Theo Báo Tài nguyên và Môi trường
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Thông điệp gửi mẹ qua chiếc chong chóng tuổi thơ
- Tập đoàn Geleximco và những dự án nhà ở ghi dấu ấn
- Tập đoàn BRG lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh tại giải thưởng BCI Asia Awards 2022
- Những “chuyến tàu trở về tuổi thơ” xuất phát tại công viên xanh lớn nhất miền Bắc
- Sổ tiết kiệm HDBank trị giá 300 triệu đồng đã tìm được chủ nhân
- Dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, giá vé tăng, hàng không và đường sắt dự kiến tăng chuyến