Phạm Sơn - Đức Trường -
 
Lượng dự trữ vàng trong dân được dự đoán khoảng 500 tấn trở lên là nguồn lực rất hiệu quả để giải quyết cơn khát vốn cho doanh nghiệp trong đại dịch nhưng không thể huy động được do vướng mắc từ Nghị định số 24/2012/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

 Trong tình cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid, nhu cầu huy động nguồn lực tài chính để doanh nghiệp duy trì hoạt động và phục hồi sản xuất, kinh doanh đã trở nên hết sức cấp bách. Chúng tôi đã phỏng vấn ông Phạm Ngọc Hùng, Phó viện trưởng thường trực viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển về nội dung này.

a1

Ông Phạm Ngọc Hùng, Phó viện trưởng thường trực viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển

PV: Chính phủ và Quốc hội đã nhiều lần đề cập đến việc phải nhanh chóng huy động nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động và phục hồi sản xuất của doanh nghiệp. Ông đánh giá thế nào về khả năng thực hiện được điều này?

Ông Phạm Ngọc Hùng: Sau 2 cuộc họp gần đây của Chính phủ và Quốc hội về vấn đề tháo gỡ khó khăn tài chính cho doanh nghiệp, thực tế đã cho thấy việc này hiện nay đang rất khó khăn. Tất cả các nguồn huy động vốn đều đang bị tắc nghẽn.

Thứ nhất là nguồn từ trái phiếu chính phủ không đạt được kết quả như mong muốn.

Thứ hai là nguồn từ tiền gửi của người dân trong ngân hàng hiện nay cũng rất khó khăn. Lãi suất tiền gửi rất thấp và có xu hướng tiếp tục giảm do sự đi xuống của nền kinh tế cùng khả năng lạm phát sẽ tăng cao dẫn đến người dân không hào hứng gửi tiền. Ngoài ra, các ngân hàng chủ yếu cho vay theo hình thức thế chấp trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể hầu hết không có tài sản thế chấp nên cũng rất khó tiếp cận được nguồn vốn này.

Về thị trường chứng khoán thì do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên thị trường chứng khoán chao đảo, bất ổn định, tiềm ẩn rủi ro lớn. Bởi vậy, người dân lo ngại khi đầu tư vào thị trường này. Tiếp đến là trái phiếu doanh nghiệp cũng rất khó khăn. Không có các điểu kiện đảm bảo, tạo thành rủi ro lớn cho người đầu tư nên cũng không khả thi.

Một nguồn lực rất lớn khác tôi muốn nói đến là lượng dự trữ vàng và ngoại tệ trong dân. Nguồn lực này hiện đang bị ách tắc do các quy định chưa hợp lý nên không huy động được vào hoạt động kinh tế. Ngoài ra, lãi suất của vàng gửi ngân hàng là 0 % càng làm cho việc huy động bất khả thi.

Theo tôi, muốn huy động nguồn lực tài chính trong dân phải đảm bảo các tiêu chí: người dân có lợi nhuận, phải được đảm bảo an toàn và không trái pháp luật.

Còn theo các chuyên gia thì lượng dự trữ vàng và ngoại tệ trong dân rất lớn (chỉ riêng vàng được dự đoán khoảng 500 tấn trở lên) nhưng không thể huy động được do vướng mắc từ Nghị định số 24/2012/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

PV: Xin ông làm rõ hơn về những vướng mắc này?

Ông Phạm Ngọc Hùng: Từ trước đến nay, tâm lý của người Việt là tích trữ bằng vàng và ngoại tệ để làm của để dành. Hàng trăm đời nay, cả người nghèo, người giàu đều tích trữ vàng vì vàng dễ trao đổi, không hỏng hóc, dễ bảo quản, không bị mất giá. Xu hướng thế giới cũng cho thấy vàng ngày càng tăng giá.

Trước nghị định 24, người dân được toàn quyền dùng vàng trao đổi, mua bán, hình thành thị trường tự do và mua bán trong ngân hàng. Trong đó, thị trường tự do nhanh nhạy hơn do hoạt động theo quy luật kinh tế thị trường. Khi đó, vàng được coi là một phương tiện thanh toán. Do vậy, người dân dùng vàng từ tích trữ như phương tiện đầu tư, thanh toán để mua bán phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Thực tế cho thấy đây là một kênh đầu tư rất lớn, hiệu quả.

Nhưng sau khi nghị định 24 có hiệu lực từ năm 2012, điều này bị cấm.

Theo khoản 2 điều 3 của Nghị định định nghĩa vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ. Còn vàng trong dân từ trước đến nay là vàng của các thương hiệu khác hoặc không thương hiệu được quy định là vàng nguyên liệu, không được phép kinh doanh, mua bán, chuyển đổi. Trong khi đó, lượng vàng trong dân chủ yếu là loại này và một số ít vàng trang sức.

Tôi muốn nhấn mạnh một nguyên lý quan trọng của vàng là giá trị của vàng không nằm ở thương hiệu mà dựa trên định tính, định lượng. Đây là nguyên lý bất di bất dịch trên toàn thế giới. Do đó, việc quy định như Nghị định 24 là rất bất hợp lý. Theo quy định của Nghị định 24, người dân chỉ được kinh doanh vàng miếng và vàng trang sức. Đây là điểm nghẽn chết người, khiến cho nguồn vốn này bị tê liệt.

Hiện nay, vàng gửi vào ngân hàng có lãi suất không đồng nên không thể huy động được nguồn dự trữ trong dân. Ngoài ra, điều 19 trong Nghị định 24 tại khoản 2 quy định hoạt động hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng, xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp là trái pháp luật. Tại khoản 4 cũng trong điều 19 nghiêm cấm sử dụng vàng nguyên liệu làm phương tiện thanh toán. Đây là những quy định cực kỳ bất hợp lý dẫn đến ách tắc hoạt động lưu thông của vàng.

Trước nghị định 24, người dân được tự do quyết định thì hiện nay người dân chỉ được mua bán cho các đơn vị có giấy phép kinh doanh vàng và với giá cả theo ấn định của ngân hàng nhà nước, không được mua bán trên thị trường tự do.

Ngoài ra, theo Nghị định 24 thì thực tế vàng miếng và vàng nguyên liệu chỉ khác nhau ở thương hiệu. Vàng nguyên liệu chỉ qua đóng dấu thương hiệu đã thành vàng miếng nhưng chênh lệch giá giữa 2 loại vàng này rất lớn, có thời điểm lên đến 7-8 triệu đồng/lượng. Đây là điều cực kỳ vô lý, phản lại kinh tế thị trường.

Khi người dân bán vàng tích trữ là vàng nguyên liệu cho các đơn vị được phép thu mua với giá rẻ nhưng khi rút vốn về lại buộc phải mua vàng miếng với khoản thiệt thòi rất lớn. Điều này khiến không người dân nào chấp nhận và trái bản chất của vàng. Điều này càng nghiêm trọng khi mà phần lớn lượng vàng tích trữ trong dân là vàng được liệt vào vàng nguyên liệu.

Việc không có sàn giao dịch vàng, vàng nguyên liệu phải bán cho các đơn vị được ngân hàng nhà nước cấp phép quá thiệt thòi cho người dân. Ngoài ra, Nghị định 24 còn nhiều vấn đề bất cập khác như lợi ích nhóm, nhưng tôi không phân tích ở đây mà tập trung vào tác hại của nghị định 24 gây tắc nghẽn giao dịch mua bán vàng.

a2

Một cửa hàng vàng tại Cà Mau chỉ trong 3 năm đã bán ra hơn 680.000 lượng vàng, doanh thu trên 20.000 tỉ đồng.

a3

 

PV: Theo ông, nhà nước phải làm gì để tháo gỡ sự tắc nghẽn này?

Ông Phạm Ngọc Hùng: Thứ nhất là phải huỷ bỏ ngay Nghị định 24 và quay lại cho phép người dân được kinh doanh tất cả các loại vàng trên thị trường, không phân biệt vàng trang sức, vàng nguyên liệu, vàng miếng. Giá trị của vàng phải được đánh giá dựa trên định tính, định lượng theo đúng bản chất của nền kinh tế thị trường.

Việc thứ hai đó là phải mở lại sàn giao dịch vàng để người dân có nơi giao dịch vàng như mọi phương tiện giao dịch khác. Ngoài ra, người dân cần phải được tự do sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.

Điều tiếp theo là cho phép ngân hàng huy động vàng gửi có lãi suất và trở lại coi vàng chỉ là một phương tiện thanh toán bình thường, được lưu thông tự do. Một việc nữa không thể không làm là bãi bỏ sự phân biệt vàng miếng và vàng nguyên liệu.

Nếu làm được vậy, tôi nghĩ người dân sẵn sàng sử dụng vàng tích trữ để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của bản thân họ cũng như của xã hội và từ đó, sẽ giải quyết được áp lực về nguồn tài chính cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể hiện nay.

PV: Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Theo Tầm nhìn

Bạn nghĩ sao?