Phóng viên -
 
Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội. Đây được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới do Cộng đồng ASEAN khởi xướng tính đến thời điểm này.

RCEP là hiệp định thương mại tự do giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN và các nước đối tác khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Astralia và New Zealand. Ngay khi được ký kết và đi vào thực thi, hiệp định sẽ hình thành khu vực kinh tế lớn nhất từ trước tới nay với GDP chiếm 32% tổng GDP toàn cầu, tương đương với khoảng 32.000 tỷ USD và thị trường chiếm 47,5% dân số thế giới.

Đại diện Chính phủ cùng nhiều chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp đều kỳ vọng, Hiệp định RCEP sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam và các nước thành viên nhờ vào các cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư….

2

Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội. Đây được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới do Cộng đồng ASEAN khởi xướng tính đến thời điểm này.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia được nhận nhiều lợi ích từ RCEP, nhất là có những mặt hàng nhiều lợi thế như nông, thủy sản đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của hầu hết các thành viên.

Hiệp định RCEP cũng sẽ thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bất ổn gần đây. Việc thực thi RCEP cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử...tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực.

Nhờ việc hài hòa các quy tắc về xuất xứ trong nội khối RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan. Từ đó, gia tăng xuất khẩu trong khu vực đặc biệt như các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

"Trong các Hiệp định thương mại tự do đã có trước đây, không ít sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam do sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài FTA mà không đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế. Giờ đây, Trung Quốc và Hàn Quốc và những nước vốn là nguồn cung nguyên liệu chủ yếu của Việt Nam đều nằm trong Hiệp định RCEP nên vấn đề về quy tắc xuất xứ để hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan của RCEP trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết", bà Trang nhấn mạnh.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam bày tỏ mong đợi Hiệp định RCEP sẽ mang lại nhiều lợi ích tích cực, giúp mở rộng thị trường cho ngành dệt may. Theo đó, với một thị trường rộng lớn 2 tỷ dân sẽ tạo nên động lực để phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam, góp phần chuyển dịch cơ cấu dệt may của các quốc gia trong khu vực vào thị trường nội địa. Từ đó, giúp Việt Nam giải quyết được những thách thức do thiếu hụt nguồn cung về nguyên liệu dệt may mà các doanh nghiệp dệt may đang gặp phải trong suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, để có thể tận dụng hết các cơ hội mà Hiệp định RCEP mang lại, theo ông Giang, cần sớm xây dựng giải pháp và chiến lược phát triển cho ngành dệt may giai đoạn 2030-2040. Theo đó, đề ra các khu vực, các ngành hàng sẽ là trọng tâm, trọng điểm để tập trung phát triển. Cùng với đó, tăng cường thêm đầu tư vào các khu công nghiệp hay các nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn về môi trường… như 1 cách để đáp ứng các tiêu chuẩn mà Hiệp định RCEP đề ra.

3

 

Là người dành nhiều tâm huyết nghiên cứu nội dung này, Luật sư Trần Văn Tiền, đại diện Văn phòng Luật sư Đồng Đội nhấn mạnh, cùng với các hiệp định thương mại tự do khác, Hiệp định RCEP sẽ tiếp tục thúc đẩy những nỗ lực cải cách của Việt Nam theo hướng tiến bộ và tích cực hơn.

Nhờ đó, môi trường đầu tư và kinh doanh dựa trên nền tảng cải cách và đổi mới thể chế sẽ nhanh chóng được hoàn thiện. Sẽ có nhiều động lực mới hơn nữa để thúc đẩy cho các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, qua đó, tăng cường và nâng cao hơn năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp; đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, muốn tham gia được sân chơi "mở rộng" như thế này đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần nắm vững các quy định pháp lý để hạn chế các rủi ro và những nguy cơ tiềm ẩn khi ký kết hợp tác với các đối tác nước ngoài. Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu và rộng vào nền kinh tế thế giới, cùng với các cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều tranh chấp có tính quốc tế với các đối thủ cạnh tranh.

Thực tế cho thấy, nhận thức pháp lý của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế lại thiếu thói quen sử dụng các dịch vụ pháp lý, tư vấn về luật pháp quốc tế và trọng tài quốc tế. Từng có nhiều trường hợp, doanh nghiệp Việt Nam đi kiện những sự vụ có tính quốc tế lại bỏ lơ trọng tài quốc tế, đến khi có phán quyết xảy ra thì hậu quả rất nghiêm trọng và thường là gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước.

Vì lẽ đó, việc trang bị kiến thức về luật pháp quốc tế và kinh nghiệm tham gia, xử lý các sự vụ tranh chấp là rất cần thiết đối với đa phần doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các vụ kiện hay tranh chấp thương mại để nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm cho chính mình.

Cùng với đó, tìm hiểu cho kỹ, cho chính xác mọi thông tin của đối tác về mặt pháp lý về năng lực tài chính và các yêu cầu về chất lượng sản phẩm... Mục đích là nhằm đảm bảo cho quá trình giao kết hợp đồng được đúng thủ tục pháp lý, đúng quy định pháp luật và hài hòa lợi ích của các bên.

Bạn nghĩ sao?