PV -
 
Cục Tin học hóa thuộc Bộ TT&TT đã có công văn gửi các Sở TT&TT tỉnh, thành phố để đôn đốc việc xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số tại mỗi tỉnh thành. Chương trình chuyển đổi số quốc gia xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

 Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số

Năm 2020, Việt Nam bắt đầu khởi động chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Có thể nói, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới đã xây dựng một chương trình chuyên đề về chuyển đổi số quốc gia, được Chính phủ phê duyệt. Để tiến hành chuyển đổi số ở quy mô quốc gia, trước tiên mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần nhanh chóng hoạch định chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị.

x5b_vueq

 

Trên cơ sở nhận thức rõ chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu, mở ra cơ hội chưa từng có cho Việt Nam để bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia, đầu tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 749 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là văn bản đầu tiên đưa ra định hướng chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể để Việt Nam thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Sau khi Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ TT&TT đã chủ trì triển khai quyết liệt 3 việc nhận thấy cần phải làm trước và làm nhanh, đó là: công tác lập kế hoạch, nâng cao nhận thức và tạo ra các nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số.

Tháng 6/2020, Bộ TT&TT đã có hướng dẫn Khung chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của các bộ, ngành, địa phương. Căn cứ Khung chương trình này, các bộ, ngành, địa phương có thể xây dựng văn bản riêng về chuyển đổi số như chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số hoặc lồng ghép nội dung chuyển đổi số trong các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội của mình một cách phù hợp.

Trong kết luận hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương vào ngày 26/8/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương xây dựng, triển khai các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số.

Theo thống kê của Bộ TT&TT, tính đến đầu tháng 2/2021, đã có khoảng 30 tỉnh, thành phố đã ban hành chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số. Một số địa phương như Bến Tre, Thái Nguyên đã ra nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về chuyển đổi số.

Cục Tin học hóa thuộc Bộ TT&TT đã có công văn 132 gửi các Sở TT&TT tỉnh, thành phố trên cả nước để đôn đốc việc xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số tại địa phương. Cục Tin học hóa nhấn mạnh, để đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số tại các địa phương, cần có sự chỉ đạo thống nhất của các cấp ủy Đảng. Các tỉnh/thành ủy cần có nghị quyết riêng về chuyển đổi số để chỉ đạo ở tầm chiến lược chuyển đổi số tại địa phương và UBND tỉnh, thành phố có chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số để triển khai nghị quyết.

Các Sở TT&TT tỉnh, thành phố được đề nghị xem xét, tham mưu tỉnh/thành ủy ban hành nghị quyết để chỉ đạo, định hướng về chuyển đổi số của địa phương; đồng thời tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số để triển khai (nếu chưa ban hành). Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng nghị quyết của tỉnh/thành ủy về chuyển đổi số, Cục Tin học hóa đã xây dựng mẫu nghị quyết gửi để các địa phương tham khảo.

Trong năm 2020, Bộ TT&TT đã ban hành Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia; ban hành Quyết định giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT tổ chức triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bộ TT&TT cũng có công văn đề nghị UBND các tỉnh phối hợp triển khai thí điểm chuyển đổi số xã; hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình chuyển đổi số.

Tại Chỉ thị 01 về định hướng ngành TT&TT năm 2021, Bộ TT&TT nêu rõ, năm 2021 các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thành việc ban hành chương trình chuyển đổi số cho ngành, lĩnh vực và địa phương mình theo Quyết định 749 ngày 3/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đạt tỷ lệ 100% các xã có ít nhất 1 dịch vụ số (y tế, giáo dục, thương mại điện tử…) phục vụ trực tiếp người dân. Bộ TT&TT phải là bộ đi đầu về chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực của Bộ; tiếp tục chủ trì ra mắt các nền tảng số Make in Vietnam phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Cũng trong năm 2021, sẽ triển khai, nhân rộng mô hình bộ điểm, tỉnh điểm, xã điểm về chuyển đổi số. Các địa phương ưu tiên bố trí kinh phí từ 1 - 2% tỷ lệ chi ngân sách các cấp cho xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử. Thực hiện các mục tiêu đặt ra tại Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD

Việc xây dựng Chính phủ điện tử được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tập trung chỉ đạo sát sao với 2 mảng chính là cải cách thủ tục hành chính và trục liên thông văn bản quốc gia.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, theo cách tính của Ngân hàng Thế giới, cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm khoảng 14.900 tỷ đồng/năm.

DeFi

 

Với nỗ lực tổng thể nhằm xây dựng Chính phủ điện tử, năm 2020, Việt Nam được Liên hợp quốc xếp hạng 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 2 bậc so với năm 2018. Việt Nam đã duy trì việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014-2020, từ vị trí 99 lên vị trí 86; được xếp vào nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử ở mức cao, thậm chí cao hơn chỉ số trung bình thế giới.

Theo Báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019”, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019), cao gấp 4 lần so với năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, GDP Việt Nam tăng 2,91%. Tuy đây là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ gần đây nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì đây lại là thành công lớn của Việt Nam trong việc hoàn thành mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Để đẩy nhanh quá trình xây dựng Chính phủ số thì phát triển kinh tế số là một trong những yếu tố then chốt. Trong kinh tế số, toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp hướng tới môi trường số, đặc biệt hướng đến các doanh nghiệp số phát triển đóng góp cho kinh tế số và ứng dụng các công nghệ số vào hoạt động của các doanh nghiệp truyền thống.

Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019, của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đề ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ lệ 20% GDP và khoảng 30% GDP vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này cần sự nỗ lực đồng bộ từ Chính phủ đến người dân, doanh nghiệp.

Chuyển đổi số mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển cũng đang bắt đầu quá trình chuyển đổi số. Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 14/1/2020 về thúc đẩy phát triển công nghệ số Việt Nam đã đưa ra nhận định: dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, học máy sâu, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật,...), chuyển đổi số đang tạo ra không gian mới để phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chuyển đổi số cần sự đóng góp rất lớn của cộng đồng làm công nghệ thông tin tại Việt Nam - đội ngũ "cần tiên phong, giữ đội hình, nắm tay nhau bước thật đều, thật nhanh để đưa Việt Nam phát triển vượt bậc”.

Các doanh nghiệp công nghệ lớn cần tập trung phát triển hạ tầng, nền tảng, tạo không gian để doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động, kết nối kinh doanh, đổi mới sáng tạo. Đây là cách để tạo ra hệ sinh thái ứng dụng và dịch vụ đa dạng, bền vững với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau.

Bạn nghĩ sao?