Nguyễn Linh -
 
Lo ngại nợ xấu tăng, nhiều ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh rao rao bán tài sản đảm bảo để xử lý nợ. Hàng loạt xe sang, biệt thự, penthouse đang được rầm rộ rao bán với giá từ 100 triệu đến hàng nghìn tỷ đồng.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến khả năng trả nợ của khách hàng, tạo áp lực nợ xấu lên hoạt động tín dụng ngân hàng. Nhiều ngân hàng đã liên tiếp rao bán những tài sản đảm bảo để xử lý nợ.

Là một trong những ngân hàng có tần suất và số lượng xe thanh lý thuộc top đầu thị trường, hiện trên website của ngân hàng VIB đang rao bán hàng trăm chiếc xe ô tô, trong đó có nhiều xe sang.

Chẳng hạn, chiếc BMW 218i được ngân hàng rao bán với giá 800 triệu đồng. Ngân hàng cho biết, chiếc xe được sản xuất năm 2016 và đã sử dụng 67.000km, giá thị trường khoảng 820 triệu đồng.

Ngoài ra, ngân hàng cũng đang rao bán 3 chiếc Mercedes. Trong đó, chiếc Mercedes-Benz GLC200-2019 đã sử dụng 30.854km được rao bán với giá hơn 1,3 tỷ đồng. Một chiếc Mercedes C200 khác, sản xuất năm 2016 có giá 920 triệu đồng.

Tương tự, TPBank cũng đang rao bán hàng loạt xe ô tô để xử lý nợ, trong đó có những chiếc xe trên 1 tỷ đồng. Chẳng hạn, chiếc Mercedes GLC250 sản xuất năm 2017 được rao bán với giá hơn 1,2 tỷ đồng. Theo mô tả, xe bị xước, lốp xe 80% và 2 đèn hậu bị nứt.

Không chỉ xe sang mà nhiều biệt thự, penthouse cũng đang được ngân hàng rao bán. Tại VietinBank, ngân hàng đang rao bán quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền đất tại số BT3.13, Khu chức năng đô thị Tây Mỗ, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Cụ thể, thửa đất có diện tích 210m2, nhà ở biệt thự có diện tích xây dựng 147m2. Giá bán theo thoả thuận.

Anh 2

Các ngân hàng đao rao bán hàng loạt biệt thự, xe sang để thu hồi nợ

Trước đó, Agribank cũng rao bán một biệt thự khác ở Khu đô thị mới Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội với giá hơn 15 tỷ đồng. Thửa đất có diện tích 250m2, diện tích xây dựng biệt thự là 137,2.

Ngoài các căn biệt thự nhỏ lẻ như trên, một số ngân hàng cũng đang xử lý các dự án bất động sản là tài sản đảm bảo của các công ty.

Đơn cử, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) rao bán một khoản nợ ngàn tỉ đồng của Công ty CP Tập đoàn Khải Vy. Khoản nợ này có tổng dư nợ trên 1.035 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong danh sách tài sản thế chấp có Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại đường Nguyễn Lương Bằng (quận 7, TPHCM), công trình được xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 580 tỷ đồng, hiện giá rao bán còn 356 tỷ đồng. Đây được xem là mức giá chỉ bằng 60% so với giá đất cùng khu vực.

Trước đó, BIDV cũng rao bán 2 khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Bách Giang và Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Cao Nguyên với giá khởi điểm 312,2 tỷ đồng. Cả 2 khoản nợ này đều có tài sản đảm bảo là Dự án Khu dân cư khu phố 4, phường Phước Long A, quận 9, TPHCM mà 2 công ty đang đầu tư.

Ngân hàng VietinBank cũng từng thông báo bán nhiều tài sản bảo đảm với giá cao nhất lên gần 200 tỷ đồng, cụ thể như: Trung tâm thương mại phức hợp Cần Thơ Center 3,23ha có giá khởi điểm là 190 tỷ đồng; 30 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, diện tích đất hơn 5ha tại huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) cùng nhiều tài sản khác để xử lý 105 tỷ đồng dư nợ của Công ty Cổ phần Thép Việt Thái; KCN Hậu cần cảng Tam Hiệp diện tích 2ha (tỉnh Quảng Nam) với giá 10 tỷ đồng; Quyền sử dụng đất với tổng diện tích hơn 521m2 tại thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) với tổng mức giá khởi điểm gần 12 tỷ đồng.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 việc thu hồi nợ của các ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn.

"Sức mua trên thị trường đối với các loại tài sản thế chấp từ ô tô cho tới nhà đất, kể cả biệt thự ở thời điểm hiện tại lại quá yếu. Do đó, nhiều tài sản bảo đảm được ngân hàng đấu giá và đại hạ giá tới 4 – 5 lần những vẫn không có người mua. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn tích cực rao bán để giảm bớt áp lực nợ xấu", vị này cho hay.

Theo báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 mới đây của Chính phủ, ước tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,78% - 2%.

Báo cáo cho biết trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, dự báo, đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ước đạt 1,54% - 1,91%.

Nếu tính thêm nợ bán cho VAMC, nợ tiềm ẩn, các khoản được cơ cấu lại không chuyển nhóm nợ theo Thông tư số 01, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng dự báo ở mức 4,56% - 4,98% cuối năm 2021 và có thể lên đến gần 5% nếu kinh tế chậm phục hồi.

Theo Tầm nhìn

Bạn nghĩ sao?