Liên kết để bán hàng
Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến giữa tháng 4, do ảnh hưởng của dịch bệnh, cả nước đã có từ 60-70% hợp tác xã bị tác động mạnh, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
Cụ thể, đó là các hợp tác xã thuộc lĩnh vực chuyên ngành trồng trọt, chuyên sản xuất rau, củ, quả, hợp tác xã chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các hợp tác xã cung ứng thực phẩm tươi sống trực tiếp cho các siêu thị…Cùng với đó, sản lượng thực phẩm cung ứng của các hợp tác xã này giảm từ 30 - 50% trong 2 tháng qua và giá bán các sản phẩm này cũng giảm khoảng 20%, có trường hợp cá biệt giảm đến 50%.
Để giảm thiểu tác động xấu của tình hình dịch bệnh đến sản xuất, kinh doanh, một số hợp tác xã đã chủ động thực hiện các giải pháp, sáng kiến độc đáo.
Điều này thể hiện ngay khi nhiều nhà hàng, bếp ăn tập thể, chuỗi cung ứng thực phẩm tươi sống ở các đô thị bị ảnh hưởng, các hợp tác xã đã thay đổi phương thức cung ứng bằng cách cùng lúc nhiều hợp tác xã sản xuất các mặt hàng thực phẩm khác nhau như gạo, rau, củ, quả,… liên kết tạo nhóm các hợp tác xã cùng đi bán hàng, cung cấp hàng đến tận các chung cư, khu đô thị, cơ quan lớn.
Đồng thời, các hợp tác xã còn chủ động giảm giá sản phẩm, khoảng 20% để kích thích tiêu dùng, chấp nhận không lãi với mục đích tiêu thụ được hàng cho nông dân và quảng bá hàng hóa, thu hút khách hàng lâu dài cho hợp tác xã.
Theo ông Tạ Minh Quân, Giám đốc Hợp tác xã Thuận Tiến, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, trước diễn biến của tình hình dịch COVID-19, nhiều hợp tác xã thương mại, dịch vụ chuyên kinh doanh hàng tiêu dùng đã đổi mới phương thức kinh doanh. Đó là, ngoài bán hàng trực tiếp tại cửa hàng, các hợp tác xã còn thường xuyên giới thiệu các mặt hàng gạo, thực phẩm đóng gói… trên các trang facebook, zalo của hợp tác xã.
Nhờ đó, từ đầu tháng 3 đến nay, sức mua các loại gạo tại cửa hàng của hợp tác xã tăng trên 30%. Song, để khách hàng tin tưởng cũng như chọn mua được hàng hóa đảm bảo chất lượng, với giá cả phải chăng, Ban Giám đốc Hợp tác xã Thuận Tiến đã vận động các đối tác, giữ vững chất lượng và ổn định giá cho các mặt hàng gạo hay nước mắm.
Hầu hết các sản phẩm được bày bán tại cửa hàng của Hợp tác xã Thuận Tiến đều có thương hiệu với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn; trong đó, có nhiều sản phẩm đặc trưng của thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như gạo My Hậu, gạo Một Bụi, nước mắm Phú Quốc… được thiết kế đẹp, giá cả phải chăng, đáp ứng tiêu chí tiêu dùng của nhiều người.
Kịp thời hỗ trợ
Đối diện với những khó khăn do dịch bệnh COVID-19, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản đã phải linh động tìm cách vượt qua giai đoạn này.
Song, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp và hợp tác xã, chính quyền địa phương cũng cần có động thái hỗ trợ tích cực cho hợp tác xã hoạt động.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (An Giang), công ty Chánh Thu đã xây dựng, quản lý hơn 150 ha xoài các loại và được cấp mã để xuất khẩu sang các thị trường lớn.
Ngoài ra, Công ty cũng đang liên kết với vùng trồng xoài ở 3 xã Cù Lao Giêng, thuộc huyện Chợ Mới với diện tích hơn 500ha để xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP và đang hoàn thiện việc cấp mã cho diện tích xoài này phục vụ xuất khẩu vào các thị trường như: Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Các hợp tác xã sản xuất xoài đã tuân thủ rất tốt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn của người tiêu dùng châu Âu. Nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng không thể xuất đi bởi các thị trường nhập khẩu của công ty phần lớn đều bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hàng hóa không xuất đi được nhưng không thể cắt giảm nhân công cũng như các khoản chi phí khác cho hoạt động sản xuất.
Do đó, doanh nghiệp và hợp tác xã hiện rất cần sự hỗ trợ, trước mắt là hỗ trợ cho nông dân, hợp tác xã và tất cả doanh nghiệp bị ảnh hưởng giải pháp giãn nợ, nguồn vốn duy trì sản xuất để chuỗi liên kết này có thể vượt qua thời điểm khó khăn do dịch COVID-19.
Trước tình thế ảnh hưởng chung, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tập thể, Hợp tác xã do dịch bệnh COVID-19 gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ nông dân hợp tác xã duy trì sản xuất trong vụ Hè Thu từ tháng 4 đến tháng 7/2020.
Cụ thể, hỗ trợ trực tiếp cho nông dân và hợp tác xã nông nghiệp sản xuất nông sản chủ lực như: lúa, rau màu, thủy sản, với tổng diện tích sản xuất sẽ hỗ trợ ước tính 1,5 triệu ha lúa, 300 nghìn ha rau màu và 250 nghìn ha nuôi trồng thủy sản.
Đối với các khoản tín dụng mà các Hợp tác xã nông nghiệp đang vay đầu tư cho sản xuất, kinh doanh đề nghị được khoanh nợ, giãn nợ từ 6 tháng đến 1 năm và hỗ trợ lãi suất (bằng 0%) trong thời gian gia hạn.
Đồng thời, Bộ Nông Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất các ngân hàng bố trí gói tín dụng trung hạn, lãi suất thấp, thời gian vay trong vòng 2-3 năm, mức lãi bằng 1/2 lãi suất thương mại cho khoảng 5.000 hợp tác xã nông nghiệp (bình quân 1 tỷ đồng/ hợp tác xã), được vay đầu tư xây dựng kho bãi, nhà xưởng chế biến, bảo quản nông sản, tái cấu trúc sản xuất, mua cây, con giống, tái đàn, mở rộng sản xuất ngay sau khi hết dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Bộ Nông Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị hỗ trợ chi phí bảo quản hàng hóa, nông sản cho các hợp tác xã gặp khó khăn do tiêu thụ sản phẩm trong năm 2020. Đồng thời, chính quyền địa phương các tỉnh cũng có chính sách miễn, giảm hoặc khoanh nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Đà Nẵng: Khởi tố "đầu nậu" mua bán động vật hoang dã cung cấp cho nhà hàng, quán nhậu
- Hết Quý 1, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt trên 11%
- Dự án nâng cấp Quốc lộ 19: Mở rộng đường đèo An Khê
- Phú Yên: Ra mắt mô hình Tổ tự quản phân loại rác thải nhựa
- Đài Loan đầu tư 2 Dự án sản xuất giày, dép xuất khẩu 113 triệu USD tại Nghệ An
- Bắc Giang: Sắp có khu đô thị sân golf quy mô hơn 600ha