10:17 - 25/02/2022
 
Sự không rõ ràng, thiếu cụ thể trong việc thể hiện trích đo thửa đất đã khiến cho nhiều người dân hoang mang, nhầm lẫn trong thực hiện các giao dịch về đất đai…

Tại thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) thời gian gần đây, thị trường bất động sản ở địa bàn sôi động hẳn lên, kéo theo tình trạng “cò đất” hoạt động rầm rộ. Lợi dụng tình hình này, có không ít chiêu trò thổi tăng giá đất thông qua việc mua đi bán lại khiến cho giá đất trở nên không ổn định. Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum đã và đang trong quá trình phân bố lại quy hoạch đất, nhiều dự án và công trình được triển khai xây dựng để mở rộng thành phố, tránh việc tập trung dân cư chen chúc, phục vụ cho phát triển quy mô của tỉnh nhà trong thời gian dài. Từ những vấn đề này đã nảy sinh rất nhiều hệ lụy liên quan đến lĩnh vực đất đai, đặc biệt là việc sở hữu sử dụng đất.

Sử dụng đất dính Quy hoạch nhà ở xã hội… do “cái bẫy từ trích đo thửa đất”

Theo thực trạng, có rất nhiều thông tin phản ánh bức xúc của người dân sinh sống trên địa bàn thành phố Kon Tum về lĩnh vực đất đai trong vấn đề cung cấp trích lục bản đồ địa chính. Cụ thể, người dân có nhu cầu đăng ký xin cung cấp thông tin về  trích lục thửa đất tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Kon Tum. Theo đó, trên bản vẽ chỉ thể hiện các thông tin liên quan đến diện tích thửa đất và đường giao thông hiện trạng hoặc quy hoạch, còn thông tin về phần diện tích thửa đất lại không được thể hiện, không biết được thửa đất nằm trong quy hoạch đất gì, chỉ đến khi người dân đi làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thì trên sơ đồ thửa đất mới thể hiện là thửa đất nằm trong quy hoạch (Quy hoạch đất nhà ở xã hội, quy hoạch đất giao thông, quy hoạch thực hiện dự án v.v..).

image0

Trụ sở Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Kon Tum 

Đơn cử trường hợp của chị Lê Thị Ng. – người có nhu cầu mua đất để làm nhà ở bức xúc: “Chúng tôi đã bỏ tiền để đề nghị được vẽ trích lục với mục đích nắm rõ thông tin thửa đất trước khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xem thửa đất có thuộc diện bị quy hoạch đất khác hay không. Mục đích muốn mua đất để xây dựng nhà ở ổn đinh cuộc sống, nhưng đến khi sang bìa mới biết thửa đất không thể xây dựng nhà ở lâu dài vì dính quy hoạch. Như vậy, nếu chỉ dựa vào những thông tin từ việc “trích đo thửa đất” của cơ quan chức năng thì người dân rất dễ “bị lừa” và mua phải lô đất nằm trong diện quy hoạch, không làm được nhà ở do việc làm tắc trách, cung cấp thông tin về thửa đất không đầy đủ, để người dân rơi vào tình thế “tiền mất tật mang”…”.

Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai nói gì về trường hợp này?

Nhận được thông tin, chúng tôi đã liên hệ với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Kon Tum để giải đáp bức xúc của người dân. Ông Đinh Xuân Tâm – Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Kon Tum xác nhận bản trích đo thửa đất trên đúng là của bên đơn vị thực hiện. Tuy nhiên, ông Tâm giải thích: “Trích đo thửa đất khác với cung cấp thông tin thửa đất. Trích đo thửa đất chỉ thể hiện diện tích, kích thước của thửa đất nên việc đơn vị vẽ bản trích đo như vậy là đúng. Còn khi nào người dân yêu cầu cung cấp thông tin thửa đất thì chúng tôi mới thể hiện đầy đủ thông tin trên bản vẽ”.

image1

Cái bẫy trong trích đo thửa đất 

Như vậy, theo ông Tâm, chỉ khi nào người dân yêu cầu chính xác đơn vị cung cấp đầy đủ thông tin thửa đất thì đơn vị mới thực hiện như người dân mong muốn. Nhưng về phía người dân, không phải ai cũng nắm rõ các thuật ngữ trong lĩnh vực đất đai như việc yêu cầu vẽ “trích lục bản đồ địa chính” khác với việc yêu cầu vẽ “trích đo thửa đất”.  

Vấn đề ở chỗ, một số người dân chỉ biết đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố và bỏ chi phí lên đến vài trăm nghìn đồng để xin được biết thông tin thửa đất, còn việc thông tin đó là thông tin từ “trích lục” hay “trích đo” thì không phải ai cũng nắm được. Và cơ quan chức năng cũng không ai bỏ thời gian ra để hỏi rõ nhu cầu của người dân là muốn có một bản “trích đo” hay “trích lục”.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cũng cần phải có những biện pháp để ngăn chặn tình trạng sang nhượng đất bất hợp pháp, “cò đất” và lừa đảo trong mua bán, chuyển nhượng hoặc tung tin thất thiệt về quy hoạch phát triển đô thị; cần phải thông tin công khai, minh bạch, kịp thời về quy hoạch sử dụng đất của địa phương; cung cấp đầy đủ thông tin về thửa đất như: vị trí, giao thông, quy hoạch sử dụng đất… để người dân sử dụng đất đúng mục đích, tránh việc phải đi lại hỏi cơ quan nhà nước nhiều lần.

Bài 2: Tình trạng “hét giá” vẽ trích lục thửa đất

Theo TN

Bạn nghĩ sao?