Nguyễn Long -
 
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19 rất nhiều doanh nghiệp, trong đó có Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) liên tục gọi vốn thông qua kênh trái phiếu, khiến các chuyên gia kinh tế và nhà quản lý đã phát đi cảnh báo rủi ro đối với trái chủ khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC)

Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC)

KBC “phát giấy” thu tiền, trong khi lợi nhuận sụt giảm 1.541%

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) của đại gia Đặng Thành Tâm nổi danh là doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản.

Báo cáo kết quả phát hành trái phiếu, KBC đã phát hành thành công 1.500 tỷ đồng trái phiếu, ngày kết thúc đợt phát hành là 24/6 với lãi suất cố định 10,8%/năm, kỳ hạn là 24 tháng.

Mặc dù KBC đã gọi vốn thành công thông qua phát hành một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp để thu về 1.500 tỷ đồng. Nhưng bức tranh tài chính quý 2/2021 của KBC lại cho thấy doanh nghiệp này đang kinh doanh kiểu “giật lùi”, khi thu nhập bị sụt giảm tới hàng nghìn tỷ đồng.

Không chỉ doanh thu và lợi nhuận bị giảm sâu hàng nghìn tỷ đồng. Cổ phiếu của KBC những ngày gần đây cũng liên tục rớt giá từ 43.600đ/Cổ phiếu ngày 8/9, đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/9 về còn 41.500đ/Cổ phiếu.

Quay về vấn đề tài chính quý 2 vừa qua để nhà đầu tư có thể định hình và có cái nhìn khách quan về bức tranh tài chính của KBC trong thời gian tới.

So với quý 1, quý 2/2021 của KBC ghi nhận doanh thu sụt giảm sâu mất 1.252 tỷ đồng, tương ứng giảm tới 166,99%, về còn 749,8 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của KBC cũng giảm sâu tới 674,978 tỷ đồng, tương ứng giảm 150,56% về còn 448,283 tỷ đồng. Và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đã bị “mất phanh” “lao dốc” giảm sâu tới 564,790 tỷ đồng, tương ứng giảm tới 1.541% về còn 34,411 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 cũng cho thấy KBC phụ thuộc rất nhiều vào đi vay tài chính, thiếu nội lực, khi tỷ lệ đi vay chiếm gần như tuyệt đối nợ phải trả. Hiện nợ phải trả của KBC đang trên đà tăng cao, hiện ở trên 15.119 tỷ đồng đã tăng thêm 1.208 tỷ đồng, tương ứng tăng 8,6%; nợ ngắn hạn phải trả cũng đã tăng thêm 381 tỷ đồng, đạt 7.343 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong nợ phải trả thì vay tài chính của KBC đạt trên 7.490 tỷ đồng, tăng 23,9% so với quý 1 và hiện chiếm tới 49,5% nợ phải trả của KBC. Dẫn tới chi phí lãi vay của KBC đã tăng mạnh thêm 72,547 tỷ, đạt 156,745 tỷ đồng, nên đã ăn mòn vào lợi nhuận.

Hiện tại hàng tổn kho của KBC đã tăng thêm so với quý 1 là 422 tỷ đồng, đạt 11.623 tỷ đồng và các khoản phải thu ngắn hạn đạt 8.635 tỷ đồng; cả 2 khoản này đã chiếm tới 81,98% tài sản ngắn hạn

Hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn đã chiếm tuyệt đối trong tài sản ngắn hạn, đây sẽ là thách thức trong ngắn hạn đối với KBC. Vì trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19 như hiện nay, có tới trên 85.000 doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường. Có ai giám chắc rằng trong số đó không có khách hàng nợ của KBC.

Bên cạnh đó dòng tiền của KBC lại liên tục rơi vào trạng thái âm, khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 90,052 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm tới 311,596 tỷ đồng.

Trong năm 2021, KBC đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu là 6.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 2.000 tỷ đồng. Nhưng kết quả kinh doanh của KBC lại “giật lùi”, bị giảm sâu cả về doanh thu và lợi nhuận. Trong khi doanh nghiệp này lại phát hành một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp, liệu rằng trong tương lai có xảy ra rủi ro với nhà đầu tư?

Đặc biệt mới đây nhất dự án Diamond Rice Flower (Khách sạn Diamond Rice, hay khách sạn Hoa Sen) của KBC, có diện tích hơn 4 ha ở quận Nam Từ Liêm đã bị Hà Nội đề xuất thu hồi do chậm tiến độ.

0442_hYi_thYo

 

Chuyên gia cảnh báo rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp

Theo chuyên gia tài chính PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng: “chúng ta biết rằng trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, đặc biệt là từ năm ngoái cho đến nay đang gặp rất nhiều vấn đề, thậm chí có cả các loại trái phiếu “3 không” - không có tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành”.

Ngay kể cả trái phiếu có tài sản đảm bảo, nhưng khi doanh nghiệp phá sản thì tài sản đảm bảo đó còn để xử lý rất nhiều việc trước khi đến được phần của người mua trái phiếu. Vì vậy, chuyên gia tài chính PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị nhà đầu tư phải cẩn trọng trong việc mua trái phiếu, nắm rõ và tình hình tài chính thực của doanh nghiệp phát hành thì mới nên đầu tư.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Tạ Văn Thành cho biết, lượng trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành chủ yếu không có tài sản bảo đảm, hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu. Trong khi, cổ phiếu thì biến động theo thị trường hoặc có thể bị chính doanh nghiệp phát hành trái phiếu pha loãng khi phát hành thêm cổ phiếu.

Giả sử trái phiếu có tài sản bảo đảm khác thì nhà đầu tư cũng không có quyền để thu giữ tài sản bảo đảm kể cả khi doanh nghiệp tuyên bố phá sản, tài sản bảo đảm cũng sẽ phải trả theo thứ tự ưu tiên: thuế cho Chính phủ; trả lương cho người lao động; trả nợ ngân hàng… gần đến cuối cùng mới đến người mua trái phiếu.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, các công ty chứng khoán và ngân là trung gian môi giới trái phiếu doanh nghiệp là do các đơn vị này có thuận lợi trong vấn đề phát hành.

Rất nhiều trái phiếu doanh nghiệp được ngân hàng, công ty chứng khoán hỗ trợ vấn đề phát hành do họ nắm được tất cả các quy định về phát hành. Ngân hàng hoặc công ty chứng khoán sẽ có cam kết phân phối hoặc cam kết bảo lãnh trái phiếu của doanh nghiệp phát hành.

Công ty chứng khoán và ngân hàng nếu chỉ là bên giới thiệu nên họ sẽ vô can khi có vấn đề xảy ra. Ví dụ như nhà phát hành đó về sau vỡ nợ hoặc không có khả năng trả nợ trái phiếu đó thì nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro hoàn toàn.

Thông thường, trái phiếu doanh nghiệp có TSĐB sẽ an toàn hơn so với không có TSĐB. Nhưng vì sao loại hình công cụ nợ gắn cùng cổ phiếu doanh nghiệp địa ốc lại bị nhà quản lý và giới chuyên môn cảnh báo rủi ro cao?

Theo Công ty chứng khoán SSI, với hiện tượng phần lớn các trái phiếu do doanh nghiệp phát hành, đặc biệt từ khối bất động sản đã phát hành để mượn nợ trái chủ trong 6 tháng đầu 2021, rủi ro đang dâng cao với các trái chủ. Bởi việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi vi phạm xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm TSĐB cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng cao trong danh mục đáo hạn 3 năm tới. Trong khi đó, khả năng chi trả của doanh nghiệp phát hành lại phụ thuộc vào sự hồi phục của thị trường bất động sản.

Tình hình dịch Covid-19 vẫn còn nhiều phức tạp khó lường, nếu hoạt động sản xuất kinh doanh sa sút thì rủi ro rất lớn. Rủi ro thường rơi vào thời điểm đáo hạn trái phiếu, nhất là đối với các trái phiếu lãi suất cao nhưng doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả./.

Theo Tầm nhìn

Bạn nghĩ sao?